logo-maybe-vn
Mở app
Hoài Trinh
Hoài Trinh2 năm trước
Movie

Âm nhạc trong Oldboy hay điệu valse dị thường của Park Chan Wook

Oldboy - bộ phim giật gân phi thường của Park Chan-wook rất sáng tạo, một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và khác biệt theo nhiều cách. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi nhạc nền cũng đi theo hướng tương tự. Nhiều thứ thoạt nghe có vẻ khác thường, tuy nhiên càng đắm chìm vào thế giới ấy, bạn bắt đầu nhận ra chất lượng sâu sắc của các bản nhạc và cuối cùng có thể hình thành nên niềm say mê lạ lùng với chúng. Nhà soạn nhạc Jo Yeong-wook mang đến các sáng tác với âm hưởng thử nghiệm và đặc biệt việc sử dụng mạnh mẽ các tiết tấu như điệu valse là điều mà thoạt tiên có thể hơi xa lạ, nhưng nếu đã trở nên quen thuộc, bạn sẽ hiểu rằng mình đang nắm giữ một kiệt tác nhỏ trong tay. Vì vậy, hoàn toàn có thể nói rằng phần nhạc nền cũng đã đạt được kỳ tích hệt như những gì bộ phim đã làm được, đó là kết hợp nghệ thuật với giải trí thương mại ở mức độ cao.

Track đầu tiên "Look Who's Talking" được giới thiệu bằng một đoạn hội thoại nhỏ và quen thuộc trong phim. Những đoạn hội thoại nhỏ như vậy cũng được sử dụng trong một số soundtrack khác, may mắn là trường hợp này không xảy ra thường xuyên hoặc ít nhất chỉ ở phần đầu của bản nhạc. "Look Who's Talking" mở đầu với phần chơi piano khá nhẹ nhàng cho đến khi nó bùng nổ đầy kích thích. Tiếng trống vang lên và một chút âm nhạc theo phong cách techno (một loại nhạc dance điện tử) là nguyên nhân làm tăng adrenaline.

Hầu hết các đoạn nhạc nền đều có thể nhảy theo điệu valse một cách hoàn hảo, dẫu vậy chúng vẫn đủ độc đáo để bạn không bị lạc trong một hỗn hợp âm thanh đồng nhất. Ở trung tâm của âm nhạc là các dây đàn, phù hợp với piano tạo ra một tâm trạng trôi chảy, vừa khắc sâu vừa bi thảm. Đồng thời, có một sự căng thẳng nhất định được hình thành bởi tông màu tối. "The Count of Monte Christo" là một ví dụ điển hình cho điều này.

"Jailhouse Rock" thuộc thể loại thử nghiệm hơn. Một hỗn hợp của soft techno và Trip-Hop, lôi cuốn với các nhạc cụ và guitar điện tử kết hợp nhuần nhuyễn trong sự cộng sinh tuyệt vời với nhịp nền. "In a alone Place" là một sự kết hợp thậm chí còn rõ ràng hơn giữa phong cách vừa được đề cập và phần đệm dây khá than khóc. Ngoài những nhịp điệu độc đáo, còn có tiếng kèn bắt đầu vang lên mang đến cảm giác về bản hùng ca bi tráng.

Tiếp theo, "It's Alive" mang đến một cao trào tuyệt vời và "Look Back in Anger" cũng rất dễ chịu với chủ đề khá quen thuộc của nó. Track duy nhất không thuộc về sáng tác gốc là "Winter" của Vivaldi từ "The Four Seasons". Tuy nhiên, nó hoàn toàn phù hợp với phần còn lại và hơn nữa là một đoản khúc cổ điển và sâu tai luôn rất hay để nghe.

Bản nhạc đậm chất valse "Cries and Whispers" nghe tương tự "Breathless" nhưng với tiết tấu da diết và mạnh mẽ hơn. "Farewell, My Lovely" lại sử dụng chủ đề tương tự và ở phần cuối, như một khoảnh khắc đăng quang, nó thậm chí còn được Yu Ji-tae ngân nga. Trong khi đó, "For Whom the Bell Tolls" tựa như điệu valse duy nhất truyền tải bầu không khí tương đối thân thiện và dễ chịu.

Với "The Old Boy", chúng ta nhận ra mô-típ của "In a alone Place" và cùng với đó được sử dụng cho cuộc chiến hành lang nổi tiếng. "Dressed to Kill" và "Frantic" có cùng một chủ đề gây căng thẳng ngay cả khi sự xen kẽ mang lại cho các bản nhạc những phong cách hoàn toàn khác nhau. Ngược lại, "Cul-de-sac" là một trong số ít ca khúc dường như chỉ truyền tải cảm giác buồn bã.

"The Big Sleep" lấy mô-típ của "The Old Boy", nhưng nghe giống một lời chia tay âm nhạc hơn. Ca khúc cuối cùng "The Last Waltz" hiển nhiên là điểm nhấn của cả bộ phim. Bây giờ khi đã quen thuộc với giai điệu và cách sử dụng kèn Pha-gốt, thứ tạo ra một chút ấm áp cũng như một chút u sầu cùng với dây đàn hoạt động hoàn hảo. Đặc biệt, khi những hình ảnh của câu chuyện vẫn đang quay cuồng trong tâm trí, âm nhạc theo đó có thể đạt đến một mức độ gần như kỳ diệu.

Như đã đề cập, có thể ban đầu phong cách valse sẽ chưa chạm đến bạn, tuy nhiên khi thời gian trôi qua, bạn dần cảm thấy bị thuyết phục đến mức thậm chí có thể trở thành một người hâm mộ điệu valse... Ngoài ra còn có các trường đoạn thiên về hành động sẽ cuốn bạn đi với nhịp điệu hấp dẫn của chúng. Và điểm nổi bật thực sự là toàn bộ bi kịch của bộ phim cơ hồ đều trở nên rõ ràng đến ám ảnh thông qua âm nhạc.

Đạo diễn Park từng chia sẻ nếu có nhiều tiền hơn thì sẽ nâng cao chất lượng sản xuất bằng cách thu âm với cả một dàn nhạc lớn. Thế nhưng ngay cả khi không sở hữu những điều kiện tối tân nhất, sản phẩm cuối cùng vẫn rất ấn tượng, day dứt và khó quên...

*Lược dịch từ asianmovieweb

Nghe full soundtrack: https://youtu.be/-00ev6W6sBc

  • 27
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
43
Hoài Trinh
Hoài Trinh2 năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)