logo-maybe-vn
Mở app
Tiểu Thạch
Tiểu Thạchmột năm trước
Tâm Lý Học

Layoff Anxiety - Nỗi lo vô định trước làn sóng sa thải và cách vượt qua nó

Cùng mang nghĩa “sa thải” nhưng “layoff” khác với “firing” ở chỗ nhân viên bị cắt giảm do tình hình tài chính, kinh tế của doanh nghiệp hoặc tình hình chung xã hội. Vì thế nhân viên bị sa thải có thể không làm gì vi phạm hợp đồng nhưng buộc phải thôi việc có trợ cấp để giảm tải cho công ty. 

Sau hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến hàng triệu người mất việc, thì đến khoảng cuối 2022 đến đầu 2023, làn sóng layoff hàng loạt vẫn tiếp diễn khiến thị trường việc làm ảm đạm hơn bao giờ hết. Chưa kể đến việc nảy sinh vấn đề, người bị layoff thì đã đi rồi, người chưa bị gọi tên, còn ngồi lại văn phòng cũng nơm nớp không biết khi nào đến lượt mình “lên thớt”. Điều này ảnh hưởng đến năng suất làm việc lẫn tâm lý người lao động.

Layoff Anxiety quả là chướng ngại tâm lý tồi tệ, dễ trở thành lời “tiên tri tự hoàn thành” khi chúng ta để cho bóng ma của nó kéo chùng chất lượng công việc lẫn cuộc sống riêng. Trong hoàn cảnh đó, mỗi người có cách đương đầu khác nhau. Sau đây là một số chiến lược giúp bạn xử lý nỗi sợ “em rất tốt nhưng tôi rất tiếc”.

Chuẩn bị tâm lý một cách có kế hoạch

Chuẩn bị tâm lý và lo lắng vu vơ là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bởi một bên chủ động đối mặt với bất cứ điều gì sắp đến, một bên là đương sự chạy lắng quắng lên thực chất thụ động. Nếu chấp nhận thực tại rằng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với bất cứ ai, chúng ta nên làm vài thứ trong thời gian kịch bản ấy chưa kịp xảy ra. Ví dụ, cố gắng hoàn thành tốt phần việc của mình để còn có cái tốt đẹp mà viết vào hồ sơ. Rèn luyện kỹ năng mới, nghiên cứu thị trường việc làm, phát triển các mối quan hệ tốt đẹp, thêm nguồn thu nhập khác. Chí ít, khi mà “kịch bản tệ nhất” đến rồi, bạn đã nâng cấp bản thân được chút nào hay chút ấy và tự tin hơn trên hành trình mới.

Tách danh tính ra khỏi công việc

Bạn không phải là công việc bạn làm, chức vụ bạn có, hay số tiền bạn kiếm được. Ngoài khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, bạn còn là một con người khác, người bạn, người con, là phụ huynh, là “con sen”... Bạn còn có sở thích riêng cùng những hoạt động phục vụ thể hiện bản thân vượt ra ngoài khuôn khổ vách ngăn phòng làm việc và những bộ đồng phục.

Tranh: Jeff Östberg
Tranh: Jeff Östberg

Hãy nhớ rằng, chúng ta làm việc để có được khoảng thời gian thoải mái sau giờ làm: được ăn ngon, được học thêm, được chăm sóc bản thân. Nếu để nỗi lo mất việc ảnh hưởng đến cả đời sống cá nhân ấy, tức là bạn đang đi sai từ điểm nào đó và cần xem xét lại ranh giới.

Biết rằng bạn không hề lẻ loi

Không hề lẻ loi ở đây ngoài nghĩa “không chỉ mỗi mình mất việc” mà còn có nghĩa là bạn có một hệ thống giúp đỡ xung quanh và đừng quên nó. Người thân trong gia đình, bạn bè, hội nhóm hỗ trợ offline hoặc online… nếu cảm thấy an toàn, bạn nên sẻ chia tâm tư của mình. Đừng chịu đựng một mình hoặc tìm đến phương pháp giải tỏa không lành mạnh. 

Tranh: Dipa Inhouse
Tranh: Dipa Inhouse

Tìm đến hệ thống hỗ trợ từ người thân, ngoài xoa dịu tinh thần, có khi bạn còn được giúp đỡ giải quyết trực tiếp vấn đề. Họ có thể giới thiệu việc làm, booking công việc cho bạn, dạy kỹ năng… Người ta không thể biết bạn cần gì nếu bạn không chia sẻ.

Trút nỗi lo vào trang giấy

Nếu xung quanh bạn không có hệ thống hỗ trợ an toàn, hoặc vì một số lý do cá nhân tạm thời không thể bày tỏ cho ai, bạn có thể giảm bớt gánh nặng tâm lý một cách lành mạnh đó là viết nhật ký (journaling). Viết lách luôn là phương cách hàng đầu được các chuyên gia tư vấn tâm lý gợi ý. 

Bạn không cần có kỹ năng viết chuẩn mực như nhà văn, trừ phi bạn có kế hoạch xuất bản mấy trang viết của mình luôn. Nếu không thì hãy thoải mái, cho dù sau này đọc lại có thấy bản thân ngớ ngẩn như thế nào, thì đó cũng chính là con người bạn. Nếu không chấp nhận và yêu thương chính mình, thì trong những lúc cần hành động nhất e bạn sẽ không nhấc tay nổi. Viết nhật ký là một cách để “trò chuyện”, giúp bạn xác định cảm xúc, trút bớt ra thay vì khư khư trong lòng. Còn nhiều ích lợi của viết nhật ký nữa mà trong khuôn khổ bài viết khó liệt kê ra hết được. Bạn hãy thử và sẽ hiểu nó có lợi như thế nào.

Xem xét những điểm sáng của layoff

Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng chẳng còn nào khác ngoài “tích cực lên”. Đây không phải kiểu lạc quan thái quá, vô tâm hay mắt nhắm mắt mở với đời sống thực tế. Hãy điểm lại một số điểm sáng của việc “tự dưng được rảnh” bạn sẽ hiểu.

  • Bạn tạm thời được nghỉ ngơi sau chuỗi ngày làm việc vất vả
  • Được tranh thủ làm những gì mình thích song song với chờ việc mới
  • Công việc mới có thể mang lại nhiều điều thú vị hơn việc cũ thì sao?
  • Những ngày tự do cho phép tâm trí bạn thoải mái hơn, nghĩ thoáng hơn, biết đâu lại nảy ra vài ý tưởng hay ho có ích?
  • Đây là một trải nghiệm cuộc sống giúp ta trưởng thành hơn. Sau này nếu xảy ra làn sóng ảm đạm nào nữa, bạn đã có kinh nghiệm chiến đấu.

Trong quyển “Người Viết Kiếm Sống”, tác giả Hạ Chi có chia sẻ trải nghiệm những ngày đầu nghỉ việc, đó là cảm giác “tỉnh dậy thấy mình tự do vô cùng. Lâu rồi tôi mới được đọc liền tù tì một quyển sách đến trưa và cà phê ngắm đường phố đến 5 giờ chiều”. Hãy tận hưởng khoảng thời gian vàng khi mới nghỉ việc, trước khi lại đối mặt với nỗi lo tìm việc. Đây là thời điểm nạp năng lượng hiệu quả nhất trước khi tâm lý bạn lại đối diện với thử thách mới.

Kết

Sau tất cả, điều quan trọng hãy nhớ, có sức khỏe là có tất cả. Sức khỏe ở đây bao gồm cả sức khỏe tinh thần. Một cách cửa đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cánh cửa ấy có khi chính bạn phải tự mở.

  • 24
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
47
Tiểu Thạch
Tiểu Thạchmột năm trước
Tâm Lý Học

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)