logo-maybe-vn
Mở app
Rosemary
Rosemarymột năm trước
Reading

Đã có ai nhắc nhở chúng ta Hãy Chăm Sóc Mẹ chưa?

Tác giả: Shin Kyung Sook

Dịch giả: Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê

Mẹ thường nói với tôi rằng: “Nếu có kiếp sau thì mày hãy làm đàn ông, đừng làm con gái nữa, khổ lắm!”. Những khi ấy, tôi chỉ nghe cho có rồi bỏ ngoài tai, bởi tôi hiểu rằng, dù là ở giới nào, thì cũng đều có hạnh phúc và cực khổ riêng, chẳng có ai là sướng hơn ai cả. Vậy mà đến hôm nay, sau khi gấp lại Hãy Chăm Sóc Mẹ, những lời nói này của mẹ dường như cứ vang vọng mãi trong tâm khảm tôi, khiến tôi nao lòng. Lần đầu tiên tôi tự hỏi bản thân, vì sao mà mẹ lại có ý nghĩ ấy chứ? Chẳng phải mẹ đã dùng trải nghiệm hàng chục năm trong vai trò phụ nữ của mình để nói với đứa con gái duy nhất đó sao? Thì ra, mẹ không muốn tôi khổ như bà…

Tôi không biết người mẹ trong câu chuyện này có suy nghĩ như vậy không, chỉ biết là, càng đọc tôi càng như thấy hình ảnh của mẹ mình đang hiện ra trên từng trang sách ấy. Hãy Chăm Sóc Mẹ là một cuốn sách khá mỏng, nhưng nó lại có một sức nặng vô hình kỳ lạ khiến tôi không thể nén nổi tiếng thở dài sau khi kết thúc trang cuối cùng. Quả thật, những cuốn sách về tình cảm gia đình luôn đem lại cho người đọc những xúc cảm day dứt nhất.

Tác giả Shin Kyung Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo tại ngôi làng nhỏ phía nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống. Shin Kyung Sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái được thành công. Với Hãy Chăm Sóc Mẹ, cô đã trở thành nhà văn Châu Á nổi bật nhất năm 2009.

Truyện xoay quanh hành trình tìm lại người mẹ đi lạc ngay tại ga tàu Seoul khi đang trên đường lên thành phố thăm những người con. Tuy vậy, truyện không tập trung vào quá trình tìm kiếm, mà từ tình huống ấy mở ra những suy nghĩ, tâm tư của người con dành cho mẹ mình, người chồng dành cho vợ… Từ đó mà hình ảnh người mẹ được khắc họa ngày một chi tiết, từ thời thanh xuân tươi trẻ, cho đến khi khổ sở lang thang vô định khắp nơi tại cái thành phố xa hoa này.

Dường như đối với những đứa con trong gia đình này, thì từ “mẹ” đã trở thành một khái niệm, một tên gọi chung chung, gắn với những hình ảnh cố hữu. Mẹ thì luôn ở trong bếp, luôn loay hoay với mớ chum vại, không muối kim chi thì cũng giã vừng, trồng khoai… Cứ tất bật suốt ngày như thế, không ai biết mẹ thích gì, cũng chẳng ai hay mẹ cần gì. Những đứa con cứ vô tư đón nhận bàn ăn tươm tất thịnh soạn, quần áo chỉn chu đi học. Rồi khi cần chỉ việc về nhà gọi to “Mẹ ơi” là bà sẽ xuất hiện ngay, bất kể đang làm gì và ở đâu. Vậy mà, người mẹ ấy lại bị lạc! Một điều mà không ai trong gia đình này có thể tưởng tượng ra được. Chỉ đến khi ấy, thì họ mới giật mình nhìn lại, hiểu rằng mình đã vô tư, và vô tâm đến thế nào với người phụ nữ luôn đứng phía sau cả gia đình này…

Có lẽ ở thời đại này, sẽ chẳng còn chuyện dựng vợ gả chồng mà đến tận đêm tân hôn mới thực sự được nhìn thấy và quen biết nhau nhỉ? Nhưng ở thời trước, đó là cuộc sống mà dường như người phụ nữ nào cũng trải qua và chấp nhận. Đôi vợ chồng già trong truyện này cũng như thế, ở họ không hề tồn tại tình yêu, cho đến khi cùng nhau sinh sống. Có lẽ vì thế mà phát sinh rất nhiều mâu thuẫn giữa họ. Người chồng vô tâm, ham mê với những lý tưởng viển vông, ngọt nhạt với người ngoài mà nặng lời với vợ mình. Ông cũng như những đứa con của mình, thản nhiên đón nhận sự chăm sóc của vợ, thậm chí còn khó chịu nếu bà không làm được như ý mình muốn. Nhưng khi bà bị chẩn đoán ung thư vú, ông lại lần lữa chẳng làm gì; bà bị đau ốm, ông cũng chẳng rót được cho bà một ly nước ấm; bà có dấu hiệu bị lẫn, lúc nhớ lúc quên, ông cũng chỉ cho rằng đó là biểu hiện của tuổi già… Không bao giờ ông sóng đôi cùng bà, cứ cùng đi là ông lại bước quá nhanh, không để ý gì đến người đang tất tả phía sau mình. Có lẽ vì thế mà bà mới bị lạc tại ga tàu, chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi, khi ông nhìn lại đã không còn thấy bà đâu nữa. Vậy đấy, ta có thể để lạc một người theo cách đơn giản như thế thôi!

Ấy vậy mà, xuyên suốt câu chuyện không hề có màu sắc của mâu thuẫn hay đớn đau. Mà đó là một nỗi xót thương, thậm chí là sự day dứt, cứ dần thấm sâu vào lòng người đọc sau mỗi dòng hồi tưởng của những thành viên trong gia đình ấy. Thực ra họ không xấu xa, những đứa con vẫn yêu mẹ vô bờ bến, người chồng vẫn thương vợ mình. Chỉ là, nhiều lúc họ quá vô tâm, và “bình thường hóa” sự hy sinh của bà ấy đối với gia đình này. Khi cùng chồng mình xây dựng gia đình, bà đã bỏ đi tuổi xuân, ước mơ, mộng tưởng thiếu nữ. Cô gái ấy đã trút bỏ bộ hanbok thanh thuần, và khoác lên mình bộ quần áo thô kệch, kẹp tóc không còn, thay vào đó là cái khăn đội đầu cáu bẩn nặng mùi mồ hôi.

Mẹ có thích ở trong bếp không? Phải đến lúc bà không còn ở bên cạnh, những đứa con mới tự hỏi mình điều đó! Căn bếp như một giang sơn nhỏ bé của mẹ, ta thấy mẹ “tung hoành” ở đó cả ngày, thế là mặc định mẹ thích bếp. Ta chẳng buồn hỏi, cũng chẳng cần nghĩ suy cho mẹ. Thói quen và sự vô tâm quả là một điều rất đáng sợ!

Tôi nghĩ rằng, xúc cảm lớn nhất mà Hãy Chăm Sóc Mẹ đem lại cho người đọc, chính là sự đồng cảm. Hình ảnh người mẹ tảo tần, người bố vô tâm, những đứa con ngây thơ non dại sao mà quen thuộc đến thế! Chẳng phải đây chính là một phần hình ảnh của chúng ta sao? Ta luôn hồn nhiên đón nhận cuộc sống bình yên được mang lại từ người mẹ vĩ đại và cho rằng đó là điều đương nhiên. Mà không biết rằng mẹ cũng từng là một đứa con, một thiếu nữ trong sáng đầy ước mơ… Vậy mà, mẹ sẵn lòng bỏ lại tất cả những điều đó, thậm chí vẫn luôn áy náy vì chưa thể đem lại cuộc sống đủ đầy nhất cho những đứa con của mình.

Chúng ta có mẹ để gọi để than vãn, còn mẹ có ai? Tôi đã rơi nước mắt khi hình ảnh người mẹ của mẹ xuất hiện, để ôm lấy đứa con gái khốn khổ của mình trong vòng tay. Người thiếu nữ ngày xưa ấy cuối cùng cũng có thể mềm yếu dựa dẫm mà không phải lo nghĩ điều gì…

Tình huống người mẹ đi lạc như một chất xúc tác cho những người xung quanh hiểu ra sự quan trọng của một người mà họ luôn coi là hiển nhiên. Hành trình tìm mẹ, tìm vợ cũng chỉ được nhắc đến rất ít trong cuốn sách này, ta chìm sâu vào những dòng suy tưởng, những thổn thức của chồng, của con, và của chính bản thân mẹ. Để rồi bản thân như tỉnh ra giữa những dòng xúc cảm ấy. Đừng để đến khi phải tất tả chạy đi tìm mẹ, mới biết mẹ đã vĩ đại đến thế nào! Hãy Chăm Sóc Mẹ, đó chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến cho độc giả.

Cũng cùng nói về tình cảm gia đình, nếu Bố Con Cá Gai là những bi kịch chất chồng, để lại sự đau đớn và ám ảnh cho người đọc; thì Hãy Chăm Sóc Mẹ là một câu chuyện có phần nhẹ nhàng hơn, không có tình tiết nhiều, nhưng đủ để lại sự day dứt và thương cảm cho bất kỳ ai thưởng thức nó. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách dành cho cả gia đình, ai cũng sẽ thấy bản thân mình ở đâu đó trong những trang sách này.

Đã sắp đến ngày của mẹ, bên cạnh việc tặng mẹ món quà nào đó, thì tôi nghĩ bạn cũng hoàn toàn có thể tự tặng cho bản thân mình cuốn sách này. Hãy thử một lần được sống trong tâm tưởng những người gần gũi ta nhất, và đừng quên Hãy Chăm Sóc Mẹ nhé!

Đánh giá: 8.5/10

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
46
Rosemary
Rosemarymột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)