
Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không? - Điều gì khiến con người thực sự là con người?
Philip Kindred Dick (1928 - 1982) là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm khoa học viễn tưởng. Cuốn sách Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không? của ông, xuất bản năm 1968, đã trở thành tác phẩm kinh điển trong thể loại khoa học viễn tưởng.
Bối cảnh của cuốn sách là sau khi Chiến tranh Thế giới thứ ba kết thúc, cả Trái Đất chìm trong đống đổ nát, nhiễm đầy bụi phóng xạ. Hầu hết nhân loại đã chuyển đến sống tại các thuộc địa trên các hành tinh khác, trong khi vẫn còn một số người tiếp tục sống trên Trái Đất vì họ không có chỉ số IQ cần thiết để di cư. Ở sao Hỏa, tất cả công dân đều sở hữu những người máy giúp họ làm công việc chân tay. Những người máy này được chế tác cực kỳ tinh vi, chúng thông minh và có ngoại hình giống hệt con người, nếu nhìn bằng mắt thường sẽ khó phân biệt giữa người máy và người thật. Tuy nhiên, không phải tất cả người máy đều biết ngoan ngoãn vâng lời. Đã có một số người máy chạy trốn đến Trái đất và giết chết bất kỳ ai cản đường chúng.
Rick Deckard, nhân vật chính của câu chuyện, là một thợ săn tiền thưởng ở San Francisco. Anh nhận nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt những người máy này để đổi lấy món tiền thưởng hậu hĩnh. Số tiền này có thể giúp anh sở hữu một con vật nuôi bằng xương bằng thịt, biểu tượng cho địa vị cao trong xã hội. Chiến tranh đã gây ra thảm họa hạt nhân lớn, khiến cho hầu hết các loài động vật bị tuyệt chủng. Những con thú còn sống sót cực kỳ hiếm và đắt tiền, đến mức mọi người phải tạo ra các “thế phẩm” để đáp ứng nhu cầu được thể hiện lòng trắc ẩn của họ. Mọi dạng sống đều được trân trọng, nhưng những thế phẩm như thú điện hay người máy thì đều bị xem là tầm thường, thấp kém. Rick đã có một con cừu điện, nhưng anh vẫn muốn sở hữu một sinh vật sống đích thực hơn.
Cuốn sách có một khởi đầu khá chậm rãi và buồn tẻ. Một phần ba đầu tiên của cuốn sách được sử dụng để thiết lập bối cảnh và cung cấp cho người đọc một số kiến thức cơ bản trước khi đào sâu vào câu chuyện. Tác giả vẽ ra một San Francisco đầy ảm đạm và ngột ngạt. Ông đưa ra một thuật ngữ mới là “rác tự sinh”, ám chỉ những đồ vật vô dụng sinh sôi theo thời gian. Ở Trái Đất đầy rẫy những căn hộ không ai ở, những trường học không còn mở cửa, và cả những con người “bị bỏ lại”, tất cả như đang mục ruỗng và sinh sôi thành rác. Tác giả làm cho xã hội giả tưởng ấy trở nên thực tế hơn bằng cách thêm vào các yếu tố như tôn giáo, chương trình truyền hình, sở cảnh sát, tiệm bán thú điện,... nhưng tất cả đều mang vẻ thiếu sức sống. Sự ảm đạm này làm mình e ngại liệu tương lai có giống như vậy thật hay không.
Sau đó thì câu chuyện tăng dần nhịp độ, hấp dẫn hơn với các tình tiết bất ngờ khi Rick bắt đầu truy đuổi những người máy. Trong thế giới của Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không?, khả năng thấu cảm là thứ xác định sự tồn tại của chúng ta với tư cách là con người. Người máy không có lòng trắc ẩn, không có khả năng yêu thương và quý trọng cuộc sống giống như con người. Dựa vào điều này, người ta xây dựng nên thang đo Voigt-Kampff để kiểm tra xem đối tượng là người hay máy. Rick dùng thang đo này để phát hiện người máy, nhưng anh sớm thấy mọi chuyện không dễ dàng như vậy.
Qua những lần tương tác với người máy, Rick thấy bản thân bị mắc kẹt giữa cảm xúc của bản thân và yêu cầu của nhiệm vụ. Rick bắt đầu suy nghĩ day dứt về việc tiêu diệt người máy mà trước giờ anh coi là bình thường. Nếu họ là người máy, tại sao họ vẫn có khát vọng sống? Nếu họ chỉ là những cỗ máy giống như con cừu điện anh hằng khinh miệt, tại sao anh lại mơ hồ cảm thấy thương cảm cho họ? Thế nào mới là một con người thực thụ? Liệu người máy có quyền được sống giống như người thật không? Anh cũng đặt câu hỏi về sự tồn tại của chính mình.
Có hai điểm mình thấy không hợp lý: Tại sao người ta phải tạo ra những người máy giống hệt người thật để rồi phải khó khăn tìm cách phân biệt như thế? Và tại sao lại chọn kiểm tra lòng trắc ẩn làm phương pháp phân biệt thay vì sử dụng các phương pháp vật lý? Nếu người máy được tạo ra với trí thông minh ngang con người thì việc họ phát triển cảm xúc cũng có thể đoán được, tại sao ngay từ đầu lại khăng khăng rằng người máy không có lòng trắc ẩn? Lối hành động và suy nghĩ như vậy thật lạc lõng so với một thời đại công nghệ phát triển mà tác giả đang xây dựng. Sẽ hay hơn nếu tác giả có thể viết sâu hơn để giải thích thêm về các vấn đề này.
Càng về sau, các tình tiết ngày càng trở nên cực đoan và trừu tượng được viết theo hướng khiến người đọc tự hỏi “Cái gì là thật? Cái gì là giả?”, cuối cùng là cái kết mơ hồ không giải đáp. Mình biết rằng tác giả đang muốn người đọc suy ngẫm về đạo đức trí tuệ nhân tạo, về cách chúng ta sẽ hành xử trước người máy thông minh, nhưng mình đã không hài lòng từ lúc tác giả đặt ra tiền đề rồi nên mình thấy chẳng còn gì hấp dẫn nữa. Mình cũng không thích cách viết của tác giả, quá thẳng thừng và thiếu chất thơ. Những đoạn miêu tả nội tâm còn khá nông, không được sâu sắc.
Giống như nhiều người khác, mình biết đến Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không? qua bộ phim Blade Runner được chuyển thể dựa trên nội dung của cuốn sách này, và cũng như bao người, mình thấy phim làm tốt hơn sách rất nhiều. Bộ phim đã thêm nhiều chi tiết giúp cho thế giới giả tưởng của tác giả trở nên hợp lý hơn, và quan trọng hơn hết là truyền tải được tư tưởng của tác giả một cách thành công. Vì thế, mình khuyến khích xem phim hơn là đọc sách.
Chấm điểm: 6/10.
- 46
- 0Bình luận