logo-maybe-vn
Mở app

Hiểu Về Sự Chết - Chết nghĩa là gì?

Sherwin Bernard Nuland (1930 – 2014) là một bác sĩ phẫu thuật người Mỹ. Ông từng giảng dạy về đạo đức sinh học và lịch sử y học tại Đại học Yale. Cuốn sách ông viết năm 1994 với nhan đề Hiểu Về Sự Chết đã lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times và giành được Giải thưởng Sách Quốc gia về Tác phẩm phi hư cấu.

Nuland viết Hiểu Về Sự Chết để người đọc hiểu rõ hơn về những tiến trình xảy ra khi cơ thể chúng ta chết đi về mặt lâm sàng. “Sự ngừng trệ của hệ tuần hoàn, hiện tượng thiếu sự vận chuyển oxy tới các tế bào, sự lụi dần của chức năng não bộ, sự suy yếu của các bộ phận cơ thể, sự phá hủy các tế bào sống - là những vũ khí của mọi thần chết.” Tác giả đề cập đến 6 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến cái chết là bệnh ung thư, bệnh AIDS, bệnh Alzheimer, tai nạn, bệnh tim và đột quỵ, sau đó giải thích các cơ chế của bệnh, quá trình chịu ảnh hưởng của các cơ quan, sự tác động của căn bệnh lên thể xác và tinh thần người bệnh, cuối cùng là cái chết không thể tránh khỏi.

Mặc dù Nuland sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học, nhưng ông đã khéo léo thêm vào những phép so sánh để giải thích những cơ chế sinh học theo cách dễ hiểu cho những người vốn không có kiến thức y khoa như mình. Mình rất thích cách ông nói về tế bào ung thư: “Không biết gì đến luật lệ, ung thư là kẻ vô luân. Không có mục đích gì khác ngoài phá hủy sự sống, ung thư là kẻ vô đạo đức. Một đám các tế bào ác tính là một đám thanh thiếu niên du thủ du thực, càn quấy, tự hành, vô tổ chức, phá rối xã hội sinh ra nó.”

Hiểu Về Sự Chết mô tả sự hấp hối của con người một cách trần trụi. Dưới ngòi bút của tác giả, cơ thể con người là chỉ là một cơ chế sinh học có thể gặp vấn đề bất cứ lúc nào. Ngay cả khi không có gì khủng khiếp xảy ra, thì cơ thể con người sau hàng thập kỷ sử dụng vẫn bị hư hao, cứ như máy móc vậy. Sự kết thúc sẽ đến với mỗi chúng ta, và không giống với những cái chết “đẹp” như trong phim, cái chết của chúng ta có thể sẽ đầy đau đớn và hỗn độn.

Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát phần nào sự đau đớn và hỗn độn ấy. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với đội ngũ y tế cũng như gia đình và bạn bè, chúng ta có thể chú tâm vào chất lượng cuộc sống hơn là cố gắng đánh bại bệnh tật, và từ đó cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi ra đi. Đừng đợi tới lúc bị bệnh rồi mới biết lo cho sức khỏe. Điều quan trọng nhất vẫn là cải thiện chất lượng cuộc sống chứ không phải kéo dài thời gian sống. Nuland cho rằng bằng cách làm quen với các kiểu bệnh phổ biến, chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn để đưa ra quyết định phù hợp về việc tiếp tục điều trị hay ngừng điều trị. 

Tác phẩm cung cấp nhiều thông tin khoa học là vậy, nhưng điều làm mình ấn tượng nhất lại chính là khía cạnh nhân văn của nó. Mặc dù viết về cơ chế của cái chết, Hiểu Về Sự Chết là một cuốn sách nhấn mạnh cách chúng ta sống. Cái chết có ý nghĩa của riêng nó, chính là khiến chúng ta phải biết trân trọng sự sống hơn. Cái chết không phải là kẻ thù để mà chúng ta trốn tránh. Mỗi một chiến thắng trước bạo bệnh, cho dù có kỳ tích đến đâu, cũng chỉ là một sự trì hoãn trước kết cục không thể tránh khỏi mà thôi. Với tâm thế ấy, tác giả mong muốn chúng ta nhìn nhận cái chết một cách thoải mái hơn, chứ không sợ hãi nó, cũng như không kỳ vọng về nó.

Nuland ngạc nhiên khi thấy người ta quá xem trọng chuyện “chết lành”. Chết sao cho đúng cách, cho phải lẽ, ít đau đớn nhất thì mới gọi là “chết có phẩm giá”. Lý tưởng này là bất khả thi trong bối cảnh thời nay bởi những cái chết thường mang tính bất ngờ, khó định đoạt. Rõ ràng chúng ta khó có thể chạy trốn khỏi nỗi đau do cái chết gây ra. Thay vào đó, tại sao chúng ta không khiến cái chết trở nên ý nghĩa hơn bằng việc sống tốt hơn? Mình đồng ý với Nuland rằng: “Phẩm giá tìm thấy trong cái chết là lòng cảm kích mà những người khác dành cho những điều mà người đó từng làm trong đời.” 

Hiểu Về Sự Chết không chỉ có những thông tin y khoa thuần túy, mà còn có những câu chuyện khiến mình cảm động khi tác giả chứng kiến người thân ra đi, và cả cái nhìn đầy sâu sắc của tác giả về sự sống và cái chết nữa. Tác giả thật sự rất tài ba khi có thể chạm đến trái tim mình bằng cách viết về một sự thật khó đối mặt như vậy.

Chấm điểm: 8/10. 

  • 32
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
40

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)