Chào Mừng Đến Với N.H.K - Lại là chuyện về những kẻ dưới đáy xã hội, nhưng không hề tấu hài
“Anh sợ hãi, đúng không? Sợ những người khác.”
Thú thật là với tác phẩm này thì tôi có biết nhưng không có quen, hoặc ít nhất thì cái tên này chỉ nằm trong những hồi ức lờ mờ về thời cấp 3 khốn khó của tôi. Hồi cuốn sách được ra mắt bản dịch tiếng Việt cũng là lúc trào lưu light novel của Nhật nở rộ ở Việt Nam, mà lúc đó tôi đang là học sinh trung học, chẳng có tiền, mà cũng chả tha thiết gì với thể loại mới lạ và đắt tiền này nên đã bỏ bẵng đi đến gần chục năm. Chỉ cho đến một lần tôi vô ý gõ nhầm 3 chữ NHK trên Google và máy tính hiện kết quả đầu tiên là cái tên Chào Mừng Đến Với N.H.K, tôi mới nảy sinh tò mò.
Tôi còn nhớ, ấn tượng đập vào mắt tôi đầu tiên là gương mặt hốc hác bơ phờ của anh chàng Satou mà tôi đã tưởng là một con nghiện, tôi còn nghĩ rằng đây sẽ là một kiểu truyện phiêu lưu cai nghiện giống ông Vũ Bằng trong Phù Dung Ơi, Vĩnh Biệt mà tôi mới đọc xong. Nhưng ngược lại với mong đợi về một câu chuyện cười ra nước mắt, cuốn sách nhỏ này vậy mà đã khiến tuyến lệ tôi tuôn rơi suốt cả một đêm đó. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, những người nào đã rơi vào hoàn cảnh của nhân vật cũng sẽ phản ứng như vậy khi đọc sách. Và khi đó việc bạn đang làm sẽ không gọi là đọc sách nữa, mà như đọc cuộc đời bạn được người khác viết hộ lên giấy.
Tiểu thuyết kể về Satou Tatsuhiro, một thanh niên hai mươi hai tuổi - một hikikomori chính hiệu, thất nghiệp, thảm hại, luôn chìm đắm trong thế giới ảo. Nhưng thay vì nghĩ cách khắc phục, Sato lại cho rằng bi kịch của cậu là do âm mưu của lũ N.H.K – Nippon Hikikomori Kyokai (Hiệp hội Hikikomori Nhật Bản). Cậu muốn lật đổ chúng hòng lấy lại cuộc đời, nhưng những chuyện cậu làm chỉ có thể là ngủ, dằn vặt, dùng thuốc để đánh lừa bản thân rằng mình vẫn ổn.
Cuộc đời của cậu chắc sẽ tiếp tục trôi qua vô định như thế nếu cô gái truyền đạo kì lạ Misaki không xuất hiện. Cô hứa giúp cậu thoát khỏi kiếp sống hikikomori và bắt cậu kí một hợp đồng. Cùng nhau, họ làm những điều tưởng như vô nghĩa, ví như mỗi tối ra công viên ngồi nghe cô thuyết giảng, ví như lang thang vào thành phố cả ngày trời chẳng làm được gì cả. Cho đến một ngày, Sato nhận ra Misaki không phải người không có nỗi đau, rằng không chỉ bản thân mình bất lực với cuộc đời...
“Nếu cuộc sống của bạn tồi tệ thảm thương như một bãi shit thì đó là vì bạn chứ không vì bất cứ một ai khác cả.”
Câu chuyện không chỉ xoay quanh mỗi Satou, mà nó còn được mở rộng hơn với những người xung quanh cậu - những hikikomori khác hoặc giống với hikikomori. Thông thường, định nghĩa về hikikomori đơn giản chỉ là những người hầu như cắt đứt với các mối quan hệ xã hội bên ngoài, chỉ sinh hoạt trong phòng, chỉ giữ mức giao tiếp tối thiểu qua một vài thành viên trong gia đình. Nhưng sự thật vốn không đơn giản như vậy, vì căn bệnh đó vốn đã bám rễ từ lâu và bất cứ ai cũng đều mắc phải.
Trong các phim tài liệu mà đài truyền hình Nhật chiếu trên ti vi, lý do đưa ra cho căn bệnh hikikomori có muôn hình vạn trạng, nhưng tựu trung lại, có thể kể đến hai lý do khá phổ biến ở người trẻ: bị bắt nạt ở trường học, bị trù dập hoặc mối quan hệ không tốt tại chỗ làm việc. Là học sinh hay người đi làm, một khi đã không hòa nhập với môi trường mà đáng lý ra họ thuộc về, là điều đầu tiên gây cho họ cảm giác bị bỏ rơi và bế tắc nếu tình trạng đó kéo dài không có khả năng giải quyết. Dần dà mọi thứ cứ như nước chảy vô tình trên một tấm kim loại lành lạnh, dứt khoát chẳng vấn vương như những nhân vật trong tiểu thuyết này.
Misaki, Sato, Yamazaki, những con người ấy, họ đều có khuyết điểm, đều có những bí mật, họ luôn cố gắng tự mình thoát ra nhưng không thể. Sato, nhạy cảm và yếu đuối, vừa là người bị bắt nạt vừa là kẻ thiếu dũng khí đến một lời tỏ tình cũng không dám nói, chỉ để ôm hận mãi trong cái lốt hikikomori. Đàn em của anh, Yamazaki, cũng là một con nghiện nhốt mình trong thế giới ảo tưởng của loli và game ero, và cũng vì nỗi đau bị bắt nạt trong quá khứ. Misaki, một người luôn nghĩ mình thật vô dụng, chẳng giúp ích được gì cho xã hội thì cố đi tìm một kẻ vô dụng hơn mình, để rồi khi thấy người ấy thoát khỏi vỏ bọc hikikomori, cô lại thấy mặc cảm, mất phương hướng. Thật ra, Misaki muốn giúp đỡ Sato thật lòng hay là chỉ đang tìm cách cứu rỗi chính mình? Có phải Sato ngăn Misaki t.ự s.á.t là muốn cứu cô hay là muốn cứu cả linh hồn đang rệu rã vì yêu của mình? Đó đều là những câu hỏi mãi không có câu trả lời, và tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.
Với mỗi một hikikomori thì việc tái hòa nhập với xã hội là điều cực kì khó khăn. Họ vốn đã đứng mấp mé bên bờ vực thẳm, và cách tốt nhất chỉ có thể là tự cố gắng giúp đỡ cùng nhau sống tiếp trong thế giới này. Họ đại diện cho những số phận đã đắm chìm đến cùng cực của sự bế tắc chỉ khao khát có ai đó đến để bắt chuyện, hỏi han, đồng cảm dù chỉ trong chốc lát ngắn ngủi. Lắm khi, họ còn vờ như mình mắc một chứng bệnh hoang tưởng trầm trọng, luôn cười như kẻ điên, làm những hành động kì quặc chỉ để níu giữ chút hy vọng vào sự tồn tại của mình trong cõi đời này. Chính bởi vậy, Yamazaki không muốn viết cái kết cho bản game của mình, vì cậu nghĩ những người hikikomori như cậu cần phải chiến đấu, và tiếp tục đi tìm lý do để tồn tại và vượt lên cuộc sống khó khăn này. Satou cũng vậy, anh cũng phải đến lần thứ ba mới dám đối diện với Misaki đường hoàng chính chính, thừa nhận rằng thế giới này không chỉ độc một màu tối tiêu điều, và không phải cá nhân nào cũng hoàn hảo, cũng dễ dàng sống được là chính mình như anh từng ảo tưởng.
Câu chuyện này là một chuỗi việc làm điên rồ của những người sống khép kín, nhưng ẩn đằng sau đó, mỗi trò điên ấy lại là một mắt xích mà ở phần kết truyện kết nối với nhau, kéo những con người ấy đứng dậy.
Quyển sách nhỏ này chứa những điều tiêu cực, bạn có thể nói vậy, nhưng cũng không thể phủ nhận sự hợp lý, tính thực tế của chúng trong cuộc sống. Bạn có thể về phe số đông những người nhạo báng hikikomori, những kẻ thất bại dưới đáy xã hội để rồi nhận ra, chính bản thân họ cũng luôn nhìn nhận mình như thế. Nhưng bạn cũng phải hiểu một điều rằng, phải đặt mình trong tình cảnh của họ, mới thấy họ khổ sở như thế nào. Con người chúng ta sinh ra một mình, khi chết đi cũng chỉ có một mình, nhưng ngay cả khi sống, mà cũng chỉ có một mình, chỉ có thể tự nương mình vào bản thân mà sống một cách vật vã và cô độc, thì quả thật đáng thương lắm.
ĐÁNH GIÁ: 4/5
16/3/2023
- 38
- 0Bình luận