
Gặp gỡ một Keigo Higashino “nhỏ nhẹ” như thế trong Người Mới Đến
Nếu phải chọn một từ để mô tả tác phẩm này của Keigo Higashino thì từ đó hẳn sẽ là: nhỏ nhẹ.
Thành thực mà nói, “nhỏ nhẹ” vốn không phải điều tôi mong chờ ở Người Mới Đến (dù rằng đây cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với tác phẩm của Higashino). Có lẽ vì đi đâu cũng thấy người ta khen tác giả không tiếc lời, nên tôi đã chắc mẩm sẽ có plot twist hay gì đó thật ghê gớm trong sách, nhất là khi Người Mới Đến được giới thiệu thế này ở bìa 4:
“Sau một sự cố, Kaga Kyoichiro thuyên chuyển về Cảnh sát Nihonbashi. Chưa được mấy hôm thì ở địa bàn xảy ra án mạng. Một phụ nữ sống độc thân bị siết cổ tại nhà riêng.”
Vụ án thì hiển nhiên không “nhỏ nhẹ”, vì liên quan đến mạng người mà, hơn nữa còn là bị sát hại. Nhưng nếu đọc Người Mới Đến, bạn sẽ hiểu vì sao tôi cứ gắn tính từ này cho nó.
Nhỏ nhẹ chính là cách kể chuyện của Higashino. Không có từ ngữ đao to búa lớn, tình tiết máu me giật gân, không có những màn hù dọa thách đố, cố ý vặn xoắn cốt truyện hòng làm khó độc giả, Người Mới Đến tập hợp những cuộc ghé thăm “rất thường” của anh cảnh sát khu vực Kaga Kyoichiro với mọi người trong khu phố truyền thống của Nhật Bản. Thậm chí, cả những nhân chứng tưởng như không liên quan gì đến vụ án cũng được Kaga để ý và ghé thăm vài bận, hỏi han những điều được nhận xét là “chẳng liên quan gì đến vụ án”.
Có điều, điểm đặc biệt của Kaga, hay Người Mới Đến lại nằm ở những chỗ “chẳng liên quan gì” như thế. Có lúc ta tưởng Kaga đang sa vào nhiệm vụ an ủi nạn nhân của vụ án mà bỏ quên công cuộc bắt kẻ thủ ác, nhưng thật ra, chính từ những chi tiết vụn vặt, tủn mủn thông qua quá trình tìm hiểu này sẽ dẫn tất cả tới chân tướng cuối cùng.
Nếu từng đọc Minato Kanae, hẳn bạn không lạ gì với cách viết xoay điểm nhìn liên tục, từ nhân vật này đến nhân vật khác. Đây là một phương pháp khá hay để xây dựng một bức tranh toàn cảnh, và Người Mới Đến cũng không chú mục vào duy nhất một nhân vật nào. Tuy nhiên, thủ pháp của Higashino trong cuốn này rất lạ lùng.
Ông để Kaga đi khám phá khu phố và làm quen với người dân - nhân chứng, do đó nếu hệ thống kĩ càng, ta sẽ được một hệ thống nhân vật khá đồ sộ so với dung lượng khiêm tốn của cuốn sách. Ấy cũng là lý do khiến tôi cảm thấy khó hiểu (thậm chí nôn nóng) khi đọc những trang đầu, vì cảm giác nhiều chuyện lông gà vỏ tỏi quá, mãi mà không đi vào vụ án chính. Nhưng sau khi đọc xong mới biết, mình đã đặt nhầm kì vọng cho một cuốn sách mà bản thân nó không phải như vậy. Không phải trinh thám, tâm lý xã hội mới là yếu tố nổi bật của Người Mới Đến.
Nếu Minato Kanae xoay điểm nhìn bằng cách để các nhân vật tự kể câu chuyện của mình thì Keigo Higashino lại chỉ thông qua một anh Kaga Kyoichiro để dẫn dắt người đọc đến với từng cuộc đời, từng gia đình. Và rồi, câu chuyện được hé lộ ấy, chúng ghép thành một bức tranh sinh hoạt nơi phố thị truyền thống. Toàn những chuyện tưởng giản đơn, nhưng ấm áp. Chuyện gia đình, chuyện bà với cháu, con cái với cha mẹ, mẹ chồng với nàng dâu… đọc để thấy nhiều khi người ta muốn sống tử tế với nhau, yêu thương nhau nhưng cách thể hiện lại chưa được như ý, thành ra hiểu nhầm. Đọc để tự mình bảo mình, từ giờ, mỗi ngày sống rộng lòng hơn một chút, để không bỏ lỡ những tình cảm trân quý trong những phút giây nóng giận hay vô tâm.
Nhỏ nhẹ cũng là cách Kaga tìm hiểu khu phố, lắng nghe và an ủi những người anh đã gặp. Kaga nói thế này: “Những người tổn thương tinh thần vì vụ án cũng là nạn nhân. Tìm cách an ủi họ cũng là một phần trách nhiệm của cảnh sát.” Tôi từng thấy có độc giả bình luận rằng muốn kết hôn với Kaga, tưởng rằng nói vui, đọc xong mới thấy anh ta thật sự tốt quá, bảo sao không xiêu lòng cho được. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin và tìm ra kẻ thủ ác, Kaga còn quan tâm đến những người đang có vấn đề cuộc sống mà mình gặp trên hành trình phá án nữa. Anh ta ít khi đi tay không, lúc thì mang cho người ta bánh gạo, lúc lại là bánh ngọt, cố tình ăn vận xuề xoà: áo phông bên trong, sơ mi cộc tay khoác bên ngoài, để người dân đỡ áp lực khi nói chuyện với mình. Tinh tế và tốt bụng thế đấy.
Đọc Người Mới Đến thì không nên kỳ vọng quá nhiều vào yếu tố trinh thám, vì trinh thám chỉ là nền cho một chủ đề khác là tâm lý xã hội. Qua những câu chuyện nhỏ lẻ tưởng không liên quan gì đến vụ án ban đầu, Higashino giải quyết và bóc tách vấn đề trong cuộc sống với những nhắn nhủ nhân văn, rồi cũng không quên xâu chuỗi chúng lại để “trả nợ” cho độc giả sự thật ở cuối sách.
Người Mới Đến thật sự là một cuốn sách nhỏ nhẹ, phù hợp để khơi dậy trí tò mò trong những ngày yên ả.
Đánh giá: 5/5 (đáng ra là 4/5, nhưng vì có Kaga nên sẽ là 5/5)
- 23
- 0Bình luận