logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.rmột năm trước
Reading

Thiện Xạ Tartarin: Chàng hiệp sĩ Don Quixote xứ Tarascon

(Warning: có spoil nội dung sách, nhưng chắc chắn không ảnh hưởng đến việc đọc sách đâu)

Có ai còn nhớ đến chàng hiệp sĩ Don Quixote và hành trình “trừ gian diệt bạo” cùng tên giám mã Sancho Panza không? Nhân vật mình muốn giới thiệu lần này cũng là một “vị anh hùng” so ra không kém ngài quý tộc xứ Mancha là mấy, đó là Tartarin – “người quân tử xứ Tarascon”. Chàng cũng là một quý tộc nửa mùa muốn thực hiện lý tưởng lớn lao (dù không tình nguyện lắm), và cứ thế chàng từ bỏ cuộc sống êm đềm để dấn thân vào gian khổ (nhưng khổ ít hay nhiều thì chắc còn tùy độc giả đánh giá).

Trước hết thì mình xin phép kể sơ về Tarascon, thành phố đất lành của những tay “thợ săn mũ”, còn tại sao lại “săn mũ” thì ấy là một câu chuyện rất dài. Ở Tarascon thì từ lớn đến bé ai cũng là thợ săn, hệ lụy của cái truyền thống săn bắn ấy là chẳng còn con thú hoang nào để săn cả. Thế nhưng họ biết làm gì vào ngày Chủ Nhật nếu không đi săn, họ đành bày ra trò mới: săn mũ. Những kẻ đi săn sẽ quăng chiếc mũ của mình lên và bắn rượt theo nó, ai bắn trúng nhiều nhất nghiễm nhiên trở thành vua của cuộc săn bắn. Hiển nhiên chẳng có ai vượt qua được chàng thiện xạ Tartarin của chúng ta.

Vì sinh ra ở cái xứ toàn những tay săn bắn cừ khôi như thế nên chàng Tartarin nào có muốn trở thành hiệp sĩ, thứ chàng muốn theo đuổi là một cái đầu sư tử hoang dã ở tận Phi châu! Và thế là chúng ta có một cuộc du hành đến tận xứ sở sư tử của chàng thiện xạ.

Nói đến chàng Tartarin, thì mình xin phép trích thẳng từ lời tác giả để cho các bạn tự có cái hình dung rõ ràng: “Đành phải thú thật với các bạn là, trong con người vị anh hùng Tartarin của chúng ta có hai bản chất rất khác biệt... ông ta mang trong mình cái tâm hồn của chàng Don Quixote, với cùng những thôi thúc hào hiệp ấy, cùng cái lý tưởng anh hùng ấy, cùng cái óc tiểu thuyết điên rồ và tâm lý hoang tưởng tự cao ấy, nhưng khốn nỗi...Thân hình của Tartarin, trái lại, một thân hình nói trắng ra là rất béo, rất nặng, rất ham khoái lạc, rất sợ nắng mưa, rất nhõng nhẽo, với tất cả những thèm thuồng của bọn trọc phú và những yêu sách của một ông chủ gia đình, cái thân hình bụng phệ và lùn xịt của chàng Sancho Panza bất hủ.”

Chàng Tartarin tận bốn mươi lăm tuổi vẫn chưa một lần qua đêm ngoài thành phố, vì một lần lỡ mạnh miệng mà phải xuôi thuyền đến tận xứ Teur tìm sư tử. Cũng giống như chàng Don Quixote, những mối nguy hiểm luôn rình rập chẳng qua cũng chỉ là thứ sinh ra từ ảo tưởng của Tartarin. Để rồi cuối cùng thì tay thiện xạ cũng nhận ra rằng chẳng có kẻ cướp nào đáng sợ bằng kẻ mạo danh bạn hữu, và chẳng có sinh vật nào nguy hiểm hơn một cô nàng Moor biết tiếng Pháp nhưng lại giả câm.

Chuyến đi săn của Tartarin nói cho đúng thì mình thấy cũng giống như một chuyến du lịch bất ổn vậy, và thứ gây trở ngại lớn nhất trong cuộc hành trình này là chính bản thân chàng Tartarin. Chàng ta là một người quá ngây thơ với tấm thân quen được sống trong nhàn hạ, chàng cả tin và dường như chỉ đến khi mọi chuyện vỡ lẽ rồi mới bắt đầu biết nghi ngờ. Nhưng tất nhiên bạn đọc đừng cho là sẽ có gì quá lâm li bi đát ở đây nhé, vì sự xui xẻo của Tartarin sẽ trở thành niềm vui của bạn sớm thôi.

Chuyến đi của chàng Thiện Xạ Tartarin chỉ vỏn vẹn trong 166 trang, có bao gồm hình minh họa nữa nên tính ra là một cuộc hành trình khá ngắn. Chàng ta sẽ dẫn độc giả dạo quanh một vòng Tarascon, đến tận hưởng trang viên ở Algérie, xoay sở với chút bất trắc ở sa mạc và rồi lại trở về với sự tung hô của dân thành Tarascon. Những tình cảnh dở khóc dở cười của Tartarin hẳn sẽ không làm bạn quá bất ngờ, nhưng cuối cùng thì chắc bạn cũng sẽ phải thốt lên rằng: “Chà, sao mà anh ta may mắn thế!”

Nếu bạn muốn đổi gió về với tác phẩm kinh điển nhưng lại ngán những tệp dày cộp của Alexandre Dumas hay Honoré de Balzac, thì mình nghĩ Alphonse Daudet chắc chắn là một lựa chọn tuyệt vời. Không cần phải tìm đến chàng Don Quixote với những cuộc “đại chiến cối xay gió” xa xôi để làm gì cho mệt, vì ngay ở đây chúng ta đã có cả Tartarin Quixote lẫn Tartarin Sancho rồi.  

Đánh giá cá nhân: 4/5

Bổ sung đôi chút về tác giả: Alphonse Daudet (1840-1897) được sinh ra ở miền Nam nước Pháp, sau đó chuyển đến Paris vì cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ và trở thành ký giả cho tờ Figaro khi mới 12 tuổi. Daudet bắt đầu viết từ năm 14 tuổi và đến năm 18 tuổi ông đã được đón nhận với thi tập Những Người Đàn Bà Đang Yêu (Les Amoureuses, 1858). Kể từ đó ông đã cho xuất bản hơn 30 tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và kịch. Tartarin được cho là nhân vật thú vị nhất của Alphonse Daudet, với bộ tác phẩm gồm: Thiện Xạ Tartarin, Tartarin Trên Núi Alps Tarascon – Thành Phố Cảng.

  • 42
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
41
hoanglinh.r
hoanglinh.rmột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)