logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Hamột năm trước
Reading

Ai Hát Giữa Rừng Khuya hay một giai thoại nhuốm màu linh dị của lịch sử

“Cuộc sống ồn ào đã đánh tan âm khí, ma thiêng phải bạt đi xa. Những linh hồn, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng khó lòng hiện lên được, vì khí dương mạnh quá. Có lẽ các ma thiêng đều chạy cả về những chốn đồng rừng xa vắng, ở lẩn lút trên đồi, trên ải, không còn hi vọng gì phảng phất ở những đô thành.”

Sự mượt mà, bay bướm trong giọng văn quả thực đã làm dâng lên trong tôi cái tưởng tượng xa xôi về một thời đã qua. Một thứ cảm xúc thật hoài cổ và mong manh, mơ hồ. Ấy là về một giai thoại lịch sử mà ở đó, con người và tín ngưỡng hãy còn là một mối liên kết bền chắc, keo sơn. Người và ma hãy còn sống gần nhau lắm, và những tiếng động, tiếng hát ban đêm khiến người ta tò mò thích thú chứ không hẳn là sợ hãi.  

Câu chuyện ly kỳ xảy ra ở Đồng Giao, nơi được mô tả là có khí hậu rất độc, địa thế lại hiểm hóc. Cái sự âm u, buồn thảm của Đồng Giao đã xuất hiện ngay từ khi tác giả bước xuống ga tàu. Ông đến đây để thăm một người bạn. Trong đêm khuya, đương khi ông và bạn đang nằm tâm tình cùng nhau, bên tai bỗng văng vẳng tiếng hát, mà lại còn là tiếng hát ả đào! Thật kì dị lắm thay. Vùng núi rừng này chẳng có nhà tổng lý nào mở tiệc, cũng không có lấy một đoàn hát xướng nào. Vậy tiếng hát ở đâu ra?

Theo lời người bạn thân, tiếng hát cô đào ấy vọng ra từ trong rừng, lắng tai nghe kĩ, còn có nhịp phách đệm theo. Tiếng đàn ca não ruột giữa đêm mưa tuôn rả rích lại càng khiến người ta thấy lạ lùng. 

Mà quả thực là lạ, vì đây không phải tiếng đàn của người. Đó là tiếng hát của nàng Oanh Ca. 

Ai Hát Giữa Rừng Khuya là câu chuyện dài kì về Hổ hại người - một trong những chủ đề vô cùng quen thuộc trong dân gian. Nhưng cách TchyA xây dựng lớp lang lại khiến tiểu thuyết này có phần mới lạ hơn và cũng vừa đủ cuốn hút để tôi đọc hết câu chuyện, dù đôi khi, chính cách viết quá chi tiết và bay bướm, làm dáng của tác giả khiến tôi thấy mệt mệt cái đầu, điển hình là màn miêu tả chi tiết vẻ đẹp của một thiếu nữ: TchyA viết ngót 6 trang giấy và chốt lại “Cứ tỉ mỉ tả mãi vẻ đẹp giai nhân, biết mấy pho sách mới chép xong câu chuyện? Thôi, ra chỉ biết qua Oanh Cơ dung mạo tuyệt trần, thân hình kiều diễm, thế là đủ.”.

Cái yếu tố định mệnh, yêu ma quỷ quái,... khiến tiểu thuyết có sự hấp dẫn như ta đang đi vào một ngôi đền, với sự tò mò không biết có điều gì trong này chăng? Dù tóm tắt lại thì cốt truyện cũng khá đơn giản: Cố sự về cuộc đời thăng trầm của cô đào Oanh Ca. Từng đàn hát cùng anh chị em để kiếm sống qua ngày, sau gặp được tráng sĩ Lê Khải Việt thì đem lòng yêu mến. Rồi các yếu tố hồng nhan bạc phận, cường hào ác bá… sẽ đẩy truyện lên cao trào. 

Chi tiết khiến câu chuyện về cuộc đời Oanh Ca trở nên đặc biệt là định mệnh của nàng gắn với Hổ - hay còn gọi là Thần trùng hổ. Một con hổ đã thành tinh luôn nung nấu ý định phải bắt nàng cho kì được. Nó bắt chẹt, hành hạ các oan hồn để tìm cơ hội tiếp cận Oanh Cơ. Nó rình mò trong bóng đêm, xung quanh căn nhà của nàng, chực chờ cơ hội để là nhào tới. Ngày qua tháng lại, con hổ tinh này chưa bao giờ nguôi được mong muốn đẫm máu này. 

Song, thành thực mà nói, Ai Hát Giữa Rừng Khuya không mang lại cho tôi cảm giác sợ hãi hay giật gân - vốn là cảm giác tôi mong chờ khi đọc truyện kinh dị. Có lẽ chi tiết hiếm hoi khiến tôi hơi rợn tóc gáy là khi ông thầy bói bấm đốt ngón tay và chỉ ra, số Oanh Cơ vốn sẽ bị hổ vồ, có lẽ vì những thứ liên quan đến định mệnh thường làm ta thấy giật mình và bồn chồn hơn chăng?

Dù dòng chảy câu chuyện được viết dưới những từ ngữ huyền diệu, mang hơi hướng dẫn dắt, nhưng vẫn có độ êm chứ không bị giật đùng đùng (có lẽ do cách người xưa đối đáp nhau?). Và càng về cuối khi tấm màn bí mật dần được vén lên, thì tiếc thay, truyện lại càng… đuối. Đặc biệt là một chi tiết mang tính nút thắt nhưng (theo tôi) lại là lỗ hổng to đùng: Nhà họ Lê vốn được biết đến là nhà gia giáo, có học thức, song cả mẹ già lẫn nàng dâu đều không hề đọc kĩ đơn khiếu nại mà đã kí tên, thành ra mới có cố sự tan cửa nát nhà. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, TchyA xây dựng lớp lang cho tác phẩm khá tốt, cách móc nối các chi tiết về tổng thể là ổn cho một câu chuyện truyền kì. Nguyên do gì mà có 2 con ma không đầu đánh nhau trên núi Gôi? Tại sao tiếng hát ban đêm lại cứ vọng vào trong rừng, và có tận 3 chiếc bóng? 

Cũng như tiếng hát vô hình dạng từ rừng khuya, người trần mắt thịt của những thế hệ sau không thể biết hết thực hư câu chuyện. Chúng ta chỉ có thể nghe lời kể của những người già còn sống, và nếu được, tiếp tục lưu truyền để câu chuyện không bị mất đi. 

Đánh giá cá nhân: 2/5. 

Ps. Trong tiểu thuyết, nhân vật tôi chủ yếu đóng vai trò là người nghe chuyện và thu thập tin tức, vậy nên cũng không có quá nhiều chi tiết bộc lộ quan điểm cá nhân. Song đôi lúc nhân vật này vẫn khiến tôi cảm giác đây hẳn là một người gia trưởng, dù chỉ là một vài lời bình vu vơ về gia đình. 

Đôi nét về tác giả: Nhà văn TchyA (1908 - 1969) tên thật là Đái Đức Tuấn. Bút danh TchyA từng được giải thích là viết tắt của Tôi Chẳng Yêu Ai hoặc Tôi Chỉ Yêu Angèle. 

Ông nổi tiếng với thể loại truyện truyền kỳ, mang nhiều màu sắc thần bí và định mệnh. 

  • 50
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
38
Ha Ha
Ha Hamột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)