logo-maybe-vn
Mở app
Rosemary
Rosemary2 năm trước
Reading

Thanh Gươm Do Dự - Đâu là công lý mà ta luôn theo đuổi?

Tác giả: Higashino Keigo

Dịch giả: Mộc Miên

Higashino Keigo là một tác giả đã vô cùng quen thuộc với độc giả Việt Nam, nổi bật với mảng trinh thám tâm lý. Mỗi một tác phẩm của ông là một màu sắc riêng biệt không thể hòa lẫn. Với gia tài đồ sộ hàng chục cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam, ông vẫn luôn là cái tên rất chất lượng và đủ tin cậy để những độc giả trinh thám nói riêng, và tâm lý nói chung lựa chọn để thưởng thức. Có thể nói đùa rằng, bốc đại một cuốn nào đó của bác cũng có đề tài để bàn luận. Và với Thanh Gươm Do Dự, sẽ là đề tài gì chờ đợi ta phía trước đây?

Việc cải tạo các thiếu niên lầm lạc rất quan trọng nhưng luật pháp hiện hành lại thiếu quan điểm về việc ai sẽ chữa lành vết thương tinh thần cho các nạn nhân của những sai lầm đó. Chẳng phải quá tàn nhẫn khi bắt những người vừa bị cướp mất con phải nghĩ tới tương lai của những kẻ phạm tội sao?

Một lần nữa, đề tài tội phạm trẻ vị thành niên lại được khai thác trong một tác phẩm mới được xuất bản tại Việt Nam cách đây không lâu của tác giả tài ba Higashino Keigo. Tôi tin rằng chúng ta vẫn sẽ không tài nào quên được nụ cười lạnh gáy của những đứa trẻ trong Thú Tội, hay là mưu đồ thâm độc không tưởng của Chu Triều Dương trong Đứa Trẻ Hư. Đây là một đề tài tuy không mới, nhưng vô cùng nhạy cảm, và luôn nhức nhối.

Con gái của Nagamine trong một lần đi xem pháo hoa cùng bạn, đã bị một nhóm trẻ vị thành niên bắt cóc, c.ư.ỡ.n.g h.i.ế.p cho đến chết rồi thả trôi sông. Bên cạnh hành trình điều tra vụ án của lực lượng cảnh sát, thì Nagamine cũng tự mình hành động dựa theo thông tin nhận được từ một người bí ẩn. Nhưng khác với cảnh sát là điều tra để bắt hung thủ cúi đầu trước vành móng ngựa, thì Nagamine quyết định dùng họng súng của mình để xử lý bọn chúng, cũng bởi ông không tin vào cái công lý mà luật pháp đang bảo hộ nữa rồi.

Theo từng bước chân của Nagamine cũng như quá trình điều tra của cảnh sát, người đọc dần tường tận hơn tội ác đáng kinh tởm của những thanh niên trẻ tuổi ấy. Chỉ để thỏa mãn cho dục vọng đê hèn, mà chúng không ngần ngại ra tay với những cô bé còn đang phơi phới tuổi xuân, thậm chí còn làm n.h.ụ.c, c.h.u.ố.c t.h.u.ố.c và quay video. Đến khi lỡ gây ra chết người, chúng cũng thẳng tay phi tang rồi lại quay về nhà ăn chơi sa đọa như chưa hề xảy ra sự việc. Điều khiến tôi thật sự phẫn nộ ở đây chính là chúng hoàn toàn ý thức được hành động sai trái của mình, nhưng như vậy thì sao chứ? Chúng không quan tâm, thậm chí còn trơ trẽn đến mức chẳng hề xóa đi video “thành quả” của mình. Đừng nói chúng không có kiến thức, chính vì sự hiểu biết về luật bảo vệ trẻ vị thành niên mà chúng lại càng thản nhiên hơn. Lo gì chứ, nếu bị cảnh sát bắt thì cùng lắm bị giam giữ vài năm là xong. Sau này ra vẫn còn trẻ, vẫn còn có thể giở trò, và… vẫn còn có thể trả thù tên đồng bọn đã khai ra mình!

Higashino Keigo đã khắc họa những tên tội phạm vị thành niên này bằng những hình ảnh xấu xa nhất, đáng phẫn nộ nhất. Như thể chừng đó là chưa đủ, tác giả còn khiến người đọc càng ám ảnh và xót xa hơn với mỗi bước chân tiến gần với Nagamine. Đứa con gái bé bỏng ông luôn nâng niu, lại bị những tên cầm thú ấy chà đạp không thương tiếc. Nỗi đau mà ông gánh chịu, sự nhục nhã mà con gái ông phải trải qua trước khi chết, ai có trách nhiệm đền bù và xoa dịu đây? Với những kẻ táng tận lương tâm đó, ông tin rằng pháp luật chẳng còn đủ răn đe nữa. Vậy nên, ông chấp nhận tiến sâu vào con đường tăm tối, trả thù cho con gái bằng cách riêng của mình. Trớ trêu làm sao khi mà giờ đây, ông lại thành đối tượng bị truy nã. Nếu xảy ra sự đối đầu giữa người cha bất hạnh ấy và tên tội phạm trơ trẽn, cảnh sát sẽ bảo vệ tính mạng cho ai? Có lẽ không cần nghi ngờ gì về câu trả lời nữa rồi…

Chúng ta đều hiểu rằng pháp luật hiện hành không cho phép tự ý lấy mạng của người khác dù với bất kỳ lý do gì. Điều mà Nagamine làm về lý đương nhiên không đúng, nhưng về tình, có lẽ chúng ta cũng như nhiều nhân vật khác trong truyện, đều hiểu và có phần thông cảm, cũng như xót xa cho ông ấy. Có sai trái không khi mà tôi lại có phần chờ mong Nagamine trả thù được trước khi cảnh sát bắt được tên tội phạm trẻ tuổi ấy? Mục tiêu của pháp luật là răn đe, giáo dục và đưa tội phạm về với con đường đúng đắn. Nhưng với những kẻ thủ ác ở đây, tôi nghĩ pháp luật đã không còn tác dụng nữa rồi. Chúng trốn chạy chẳng phải vì sợ hãi, chỉ là muốn lánh đi và tin rằng mọi chuyện dần dần sẽ lắng xuống. Không chỉ lệch lạc về nhân cách, mà dường như trong suy nghĩ của chúng không còn chút gì gọi là ý thức về đúng sai.

Chính vì tất cả những điều đó mà với cương vị những người thực thi công lý, lực lượng cảnh sát điều tra cũng không ít lần lung lay trước điều mà họ luôn đấu tranh để bảo vệ. Rốt cuộc tại sao họ phải tìm cách để đưa tên tội phạm vào lồng giam an toàn một thời gian, để rồi vài năm sau chúng đường hoàng trở về với xã hội với một nhân cách thối nát không thể cứu chữa! Thanh gươm công lý mà họ nắm giữ, không ít lần đã phải do dự và run rẩy khi nó bắt buộc phải chĩa về hướng mà họ không hề mong muốn. Nhưng nếu chính họ cũng hành động tự do được như Nagamine, được như những suy nghĩ của chúng ta, thì tương lai sau này sẽ ra sao? Khi mà ai cũng có thể thẳng tay trả thù mà không cần quan tâm luật pháp…

Như một vòng luẩn quẩn không lối ra, bản thân luật pháp thì không đủ răn đe, nạn nhân của nỗi đau giờ lại trở thành một tên tội phạm, còn tội phạm gây ra tội ác đáng phẫn nộ thì không có một chút gì là hối hận hay run sợ! Biết rằng ở một khía cạnh nào đó, thì luật pháp cũng đang bảo vệ Nagamine, không để ông ấy nhúng chàm thêm nữa. Ai cũng hiểu rằng một khi đã xuống tay thì mình không thể quay trở lại, thậm chí nếu đạt được mục đích rồi, bản thân mình cũng không được cứu rỗi. Ai cũng biết điều đó, xã hội ngày ngày rao giảng điều đó, thậm chí Nagamine cũng biết, nhưng ông chấp nhận mọi thứ để có thể thực thi “công lý” của riêng ông. Từ khi nhìn thấy con gái mình hiện lên trên video k.i.n.h t.ở.m kia, thì ông đã chấp nhận bỏ đi những tháng ngày sau này của bản thân, bước vào vùng tối đen không lối thoát.

Tất cả những điều này, nguyên nhân là do đâu? Nếu có thể lý giải rõ ràng thì có lẽ sẽ không còn những sự day dứt, những tiếng thở dài của lực lượng cảnh sát nữa rồi… Bi kịch ấy có còn không? Chừng nào xã hội vẫn còn những đứa trẻ với tâm hồn méo mó, thiếu vắng sự quan tâm của gia đình, thì sẽ còn nhiều cô bé phải chịu đớn đau, nhiều Nagamine gào khóc bất lực trong bóng đêm…

Higashino Keigo đã “ném” vào người đọc một vấn đề luôn gây nhức nhối và nhạy cảm, để rồi mỗi người phải tự tìm ra câu trả lời của mình cho công lý hiện hữu. Những đứa trẻ lầm lạc ấy tồn tại là vì đâu? Là do bản tính hung ác lệch lạc bẩm sinh, hay là do thiếu vắng sự quan tâm đúng mức từ gia đình? Dù thế nào đi nữa thì với hành vi lớp trẻ gây ra, những người cha người mẹ đều phải chịu ít nhiều trách nhiệm, chứ không chỉ khăng khăng rằng “Con tôi ở nhà ngoan lắm”. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, giáo dục con mình đúng cách, và phải xem đó là trách nhiệm của mình, đừng quăng nó cho xã hội. Khi mà luật pháp hiện hành còn chưa đủ hoàn thiện để chữa lành vết thương của nạn nhân, thì đừng để con mình thành đối tượng mà luật pháp phải “bảo vệ tương lai”.

Thanh Gươm Do Dự là một tác phẩm vô cùng gây ám ảnh, tôi không hề thấy le lói dù chỉ là một chút ánh sáng của hy vọng. Song song với sự tranh cãi của việc có nên bỏ luật t.ử h.ì.n.h hay không, thì hệ thống luật pháp dành cho trẻ vị thành niên vẫn luôn là đề tài gây tranh luận. Phải như thế nào thì thanh gươm công lý mà cảnh sát nắm giữ mới không còn do dự nữa đây? Và với một câu chuyện nặng nề như thế này, thì công lý trong bạn là gì?

Đánh giá cá nhân: 8.75/10

  • 32
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
38
Rosemary
Rosemary2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)