logo-maybe-vn
Mở app
Hoài Trinh
Hoài Trinh2 năm trước
Movie

Sự hợp tác giữa Park Chan Wook và Chung Chung Hoon đã tạo nên thế giới điện ảnh duy mỹ như thế nào?

Thành công cho đến nay của Park Chan Wook – một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của thế kỷ 21 hẳn không thể thiếu đi sự góp sức của người cộng sự, nhà quay phim, đạo diễn hình ảnh tài ba Chung Chung-hoon. Thật vậy, trọng tâm công việc của Park trong một thời gian dài chính là sự hợp tác với Chung. Từng là diễn viên nhí học điện ảnh tại Đại học Dongguk, anh bắt đầu quay bộ phim đầu tiên của mình – Yuri với đạo diễn Yun-ho Yang vào năm 1996. Mong ước được cộng tác với Park nảy sinh sau khi xem Sympathy for Mr. Vengeance (2002), thế nhưng khả năng để anh có thể kết nối với ông khá là mù mịt. Tuy nhiên, một người bạn của Chung là Kim Sang-bum, trong một lần tình cờ làm việc cùng Park với tư cách là biên tập viên liền giới thiệu Chung. Vị đạo diễn ngay sau đó đã mời Chung cùng làm Oldboy khi thậm chí chưa từng xem bất kỳ tác phẩm nào của anh. Chung kể lại rằng Park sau đó đã xem phim trước đó của anh và không mấy ấn tượng, suy đoán rằng tuổi của anh trẻ hơn so với các DOP (Director Of Photography) Hàn Quốc khác và có lẽ chính sự tin tưởng của Park đối với người bạn của Chung mới giúp anh có được cơ hội quý giá này.

Quả thật không có nhiều bộ đôi Đạo diễn - DOP đã tạo ra nhiều tác phẩm đa dạng và mang phong cách riêng như Park Chan-wook và Chung Chung-hoon. Sáu bộ phim của họ đều độc đáo không thể xóa nhòa, đồng thời vẫn giữ được dấu ấn riêng biệt. Bằng cách tiếp cận từng bộ phim từ góc độ hiểu các nhân vật một cách trực quan, sau đó lập kế hoạch cẩn thận để truyền cảm hứng cho sự tự do trên trường quay, Park và Chung phát triển phong cách cộng tác đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trên khắp thế giới và xây dựng nên không ít tác phẩm thuộc hàng xuất sắc, quan trọng và tiêu biểu nhất của thế kỷ 21.

OLDBOY (2003)

Oldboy tựa như cuộc rượt đuổi không chỉ đối với các nhân vật chính mà cả những nhà sáng tạo của bộ phim. Cả Park và Chung đều quan tâm đến động cơ trả thù không ngừng của Oh Dae-su và muốn tạo ra một thế giới có thể truyền tải mạnh mẽ sự bạo liệt này. Bộ đôi đã cố gắng mang lại cảm giác chuyển động liên tục của nhân vật chính bằng cách chủ yếu dựa vào ống kính tiêu cự cố định và ống kính zoom, đồng thời xây dựng phong cách hình ảnh với nhiều cảnh quay từ phía sau cũng như kỹ thuật quay phim mượt mà.

Điều quan trọng đối với cả hai là phát triển tính bạo tàn của bộ phim theo trí tưởng tượng của khán giả hơn là thể hiện nó hoàn toàn trên màn ảnh. Họ dường như rất thận trọng trong việc thể hiện dạng bạo lực nào và khi nào, sắp xếp các khung hình cho phép bạo lực xảy ra ngoài màn hình, giữa các phân đoạn hoặc chỉ trong tâm trí người xem.

Một trong những cảnh nổi tiếng nhất của Oldboy là cảnh đánh nhau ở hành lang. Đó là một khoảnh khắc đầy ấn tượng mà Park và Chung muốn có cảm giác gần giống như một trò chơi điện tử màn hình ngang, đáng chú ý đã được quay hoàn toàn trong một lần duy nhất mà không qua bất kỳ chỉnh sửa nào. Với 17 cú máy hơn 3 ngày, nó khắc hoạ một cách tàn bạo quyết tâm có phần lỳ lợm của Oh Dae-su với sự phối hợp chặt chẽ giữa toàn thể diễn viên và máy quay. Yếu tố VFX duy nhất là con dao ở sau lưng Oh Dae-su, một phần CGI vô hình ở đó chỉ để phục vụ hành động và nhân vật hơn là thu hút sự chú ý như một hiệu ứng.

SYMPATHY FOR LADY VENGEANCE (2005)

Trong Sympathy For Lady Vengeance, Park thể hiện mong muốn hoàn thành nhiều thứ cùng lúc qua kỹ thuật quay phim. Đầu tiên, ông muốn thể hiện sự vô ích của việc trả thù một cách trực quan, tạo ra cảm giác bị cô lập sâu sắc đến mức cuối cùng, chính nhân vật như trở thành người quan sát hơn là được thỏa mãn cảm xúc khi trả thù. Thứ hai, vị đạo diễn có vẻ muốn nâng cao kỳ vọng của khán giả về cả thể loại lẫn nữ chính bằng cách thu hút họ thoạt tiên thông qua khuôn mẫu của dòng phim báo thù để rồi nâng cao trải nghiệm bằng cách lột trần họ.

Màu sắc rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong phần phim thứ ba này. Chung và Park đã tạo ra một phiên bản khác của bộ phim có tên là “Fade to Black and White”, trong đó màu sắc sẽ dần mất đi độ bão hòa trong suốt bộ phim cho đến khi kết thúc bằng sắc đen trắng. Nhưng ngay cả trong phiên bản được phát hành rộng rãi, bộ đôi vẫn rất chú ý đến thiết kế ánh sáng và màu sắc, cố tình khử màu cho tủ quần áo, hệ thống chiếu sáng và các yếu tố khác để làm cạn kiệt mọi tông màu hoa mỹ vào thời điểm cuộc trả thù được thực hiện.

I’M A CYBORG, BUT THAT’S OK (2006)

Sau khi đạo diễn bộ ba báo thù và một phim ngắn về chủ đề tương tự, Park dấn thân sang thể loại hài lãng mạn với sự thay đổi rõ rệt về hình ảnh và sắc thái cảm xúc so với các tác phẩm trước. Ông và Chung vẫn duy trì phong cách đặc trưng của họ với một bộ phim đầy màu sắc biểu cảm, bao hàm sự kỳ lạ trong nội dung cũng như cách trình bày của nó.

I’m A Cyborg, But That’s Ok chủ yếu được kể bằng một loạt hiệu ứng sống động, nhằm mục đích truyền tải nhiều nhất có thể qua máy quay và sau đó bổ sung bằng CGI mà không phá vỡ tính chân thực của hình ảnh bất chấp mọi thứ có trở nên kỳ quặc đến đâu. Như bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa siêu thực đại chúng trong hoạt hình, bộ đôi tìm cách mang lại sự nhẹ nhàng vừa điên rồ vừa thi vị cho một thế giới thường không được đối xử bằng niềm vui hay hài kịch. Bộ phim được quay gần như hoàn toàn trên sân khấu âm thanh, cho phép cả hai kiểm soát tối đa môi trường và ngôn ngữ máy quay để đẩy ngôn ngữ hình ảnh của phim lên tầm siêu thực.

THIRST (2009)

Bất chấp bản chất của việc kể một câu chuyện về ma cà rồng, đối với Park và Chung, Thirst trước hết vẫn là một câu chuyện tình yêu. Chung muốn tác phẩm sẽ phản ánh mối quan hệ của con người khi trót đánh giá sai về nhau và đưa ngôn ngữ hình ảnh đó vào những kỳ vọng rộng lớn hơn của thể loại này.

Bộ đôi đã hợp tác chặt chẽ với nhà thiết kế sản xuất Ryu Seong-hye để tạo nên không gian xung đột sâu sắc cho Sang-hyun và Tae-ju. Điều này sẽ chứng minh sự khác biệt giữa cách trang điểm của họ với tư cách là các nhân vật, cũng như gợi ý cho khán giả về diễn biến cảm xúc của cốt truyện. Một điều quan trọng khác là phải đối chiếu phần mở đầu tràn ngập ánh sáng của bộ phim với những nơi tăm tối mà cuối cùng mọi bi kịch đạt đỉnh. Cả hai cũng tạo ra các thiết kế ánh sáng phù hợp với từng phân đoạn, thường kết hợp màu xanh lục với đèn tungsten để làm nổi bật các phối màu đối lập. Chung cũng quay bằng ống kính góc rộng hơn so với những lần cộng tác trước đây cùng Park, mang đến những khung hình trong đó các diễn viên di chuyển tự do hơn và khán giả có thể cảm thấy gắn kết hơn với các nhân vật và thế giới của họ.

STOKER (2013)

Stoker như một thử nghiệm nơi kỹ thuật quay và thiết kế sao cho mang lại cảm giác nguy hiểm rình rập nhất trong thế giới của các nhân vật. Park và Chung đã chọn cách quay cùng góc máy bám sát nội tâm, gia tăng sự dữ dội cho những khuôn hình đẩy lo âu. Hình học trực quan và việc sử dụng các góc mạnh đã trở thành phần cốt lõi trong chiến lược tạo khung của Chung. Hành lang, cửa ra vào, hoa văn và thậm chí cả cạnh bàn được sử dụng làm các yếu tố cấu thành và đôi khi tạo ra những bất ngờ trong khung hình như thách thức kỳ vọng của khán giả về mức độ bao phủ thông thường.

Màu sắc là một yếu tố quan trọng không kém đối với cách kể chuyện bằng hình ảnh. Màu đỏ, thường gắn liền với sự nguy hiểm có ý nghĩa ẩn dụ rõ ràng mà bộ đôi muốn gieo rắc xuyên suốt bộ phim, thông qua sự hợp tác chặt chẽ với đội thiết kế sản xuất, ánh sáng, phục trang, làm tóc và trang điểm để đảm bảo rằng màu đỏ được sử dụng chính xác vào những thời điểm thích hợp – cho đến việc Park chỉ định chính xác màu tóc của Nicole Kidman trong từng phân cảnh.

THE HANDMAIDEN (2016)

Đối với The Handmaiden, Park và Chung tập trung vào phong cách hình ảnh di chuyển liền mạch giữa sự gợi cảm và nguy hiểm tiềm tàng. Họ đã loại bỏ các kế hoạch ban đầu để quay bộ phim ở định dạng 3D với nhiều độ sâu trường ảnh khác nhau cho từng phần của bộ phim, khi cảm thấy như kỹ thuật này cuối cùng sẽ gây xao nhãng. Cả hai sau đó tập trung nỗ lực vào việc kể một tác phẩm hướng tới nữ quyền với những cạm bẫy lắt léo pha trộn với hài kịch đen tối đầy nhục dục, tin tưởng các nhân vật và câu chuyện sẽ dẫn dắt khán giả điêu luyện mà không cần phải áp đặt điều đó qua máy quay.

Chung thực hiện The Handmaiden trên Arri Alexa, sử dụng ống kính cổ điển để cố gắng tái tạo chân thật bầu không khí của thời kỳ mà câu chuyện diễn ra. Đồng thời làm việc chặt chẽ với chuyên gia chỉnh màu Park Jin-Ho, người đã mất hai tuần để hoàn thiện bộ phim. Mục đích là để lớp màu phản ánh môi trường ẩm ướt và oi bức trong suốt câu chuyện. Park Jin-Ho thường thêm mây và mưa vào các cảnh, sau đó khử bão hòa khung hình và thay thế các màu ấm hơn bằng xanh lam và trắng để tạo cho bộ phim sắc thái lạnh hơn và trông đe dọa hơn.

  • 28
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
25
Hoài Trinh
Hoài Trinh2 năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)