logo-maybe-vn
Mở app

List phim kinh dị với nhân vật nữ thái nhân cách đáng xem

Danh sách phim sau do tiến sĩ ngành Nghiên cứu Văn hóa Jonathan Doucette đề xuất, đăng tải trên Psychology Today. Theo Doucette, đây là những phim cung cấp cho ta cái nhìn mới về thao túng tâm lý, những bộ phim với chủ thể thái nhân cách sẽ có khả năng chi phối khán giả hệt như chính bộ phim là kẻ thái nhân cách, khiến người xem cảm thấy bị phản bội hệt như ngoài đời thật. Sau đây là 8 bộ phim khiến ta hiểu thêm về hành vi của người nữ thái nhân cách theo ý kiến của Doucette. 

LƯU Ý: Danh sách chỉ mang tính tham khảo và cần bàn luận thêm, là ý kiến cá nhân của tác giả, mọi vấn đề về chuyên môn nên  được tham khảo từ nguồn tài liệu chính thống khác.

Motherly (2022)

Phim nói về Kate (Lora Burke) và con gái Beth sống tại một ngôi nhà nông trại biệt lập giữa rừng. Chồng của cô đã tự sát trong tù sau khi bị kết tội sát hại một người bạn của Beth là Courtenay 2 năm về trước.

Bộ phim này tốt nhất không nên spoil gì cả. Dù chưa hoàn hảo nhưng cao trào cuối phim khiến người xem hồi hộp nhảy qua nhảy lại giữa các giả thuyết về kẻ tâm thần thật sự là ai.

The Stylist (2020)

Claire (Najarra Townsend) là nhà tạo mẫu tóc cô độc với ám ảnh không ngừng về việc giết người. Cô sát hại và cạo da đầu còn nguyên tóc của nạn nhân, sau đó đội lên cho mình và soi trước gương, nhằm thỏa mãn lòng tự trọng yếu ớt bệnh hoạn của mình.

Claire cô độc, không giỏi giao tiếp, khao khát thuộc về, những đặc điểm khiến ta dễ thông cảm cho chứng tâm thần của cô ta. Thế nhưng hãy cẩn thận, chúng ta đang xem phim về những kẻ thao túng. Cách Claire mong mỏi và lý tưởng hóa một tình bạn hoặc mối quan hệ lãng mạn rất gần với những nghiên cứu gần đây về nữ thái nhân cách. Tuy nhân vật này vẫn còn nằm trong khuôn mẫu điển hình của hình tượng nữ thái nhân cách, nhưng vẫn là ví dụ tiêu biểu cho kiểu nhân vật này.

Sissy (2022)

“Sissy” là bộ phim sẽ khiến khán giả đoán già đoán non đến tận phút cuối cùng. Cecilia/Sissy là một influencer thành công về phong cách sống. Cô tham dự tiệc độc thân với người bạn cũ Emma cùng một số nhân vật khác, đa số đều không có mấy thiện cảm với Sissy.

Ta sẽ thấy ở đây Sissy là nạn nhân, bởi tự cô cho mình là như vậy. Đây là bộ phim thách thức những kỳ vọng trước đây của khán giả về sức khỏe tinh thần, sắc tộc, xu hướng tính dục, đánh thẳng vào những vấn đề trong thời đại mạng xã hội.

What Keeps You Alive (2018)

Lại một bối cảnh kinh dị kinh điển, một cặp đôi tổ chức ngày kỷ niệm tại một cabin biệt lập ngoài rừng. Vào ngày kỷ niệm một năm của Jules và Jackie, người bạn thơ ấu Sarah xuất hiện và hé lộ nhiều câu chuyện đáng ngờ về Jackie. Jules bắt đầu nghi ngờ người mà mình ở bên cạnh bấy lâu có lẽ không như cô nghĩ.

Jackie là ví dụ điển hình cho lập luận thái nhân cách do bẩm sinh mà có. Jackie cũng tự nhận rằng bản thân bạo lực và nhẫn tâm như vậy do “bẩm sinh, không phải vì giáo dục”. Có một phân đoạn Jackie nắm tay Jules đặt lên mạch của mình và yêu cầu cô đếm nhịp tim, Jules kinh hoàng nhận ra trong thời khắc ấy nhịp tim Jackie vẫn đều nhịp.

Jackie đã dạy cho khán giả biết rằng, phản ứng bản năng chiến hay chạy không tồn tại ở kẻ thái nhân cách, hoặc bị suy giảm. Tuy nhiên, đáng lẽ bộ phim đã có thể khai thác nhiều hơn mặt tâm lý và thao túng cảm xúc hơn là chỉ dựa vào mặt sinh học để miêu tả hành vi thái nhân cách.

Speak No Evil (2022)

Bộ phim theo chân cặp đôi người Đan Mạch đến thăm nhà cặp vợ chồng người Hà Lan mà họ quen trong một chuyến đi. Đây là câu chuyện châm biếm thói xã giao đầy sĩ diện, thứ khiến các nhân vật chính rơi vào cái bẫy của những kẻ tâm thần chực chờ lợi dụng những con người không có khả năng nói không vì sợ kỳ thị xã hội.

Titane (2021)

Alexia là một phụ nữ tâm thần giết người không chớp mắt và thích quan hệ với xe thể thao. Trong quá trình chạy trốn cơ quan hành pháp, Alexia cải trang thành đứa con trai mất tích từ lâu của Vincent, một lính cứu hỏa. Chứng thái nhân cách giúp cô vượt qua bản năng giới tính, xem cơ thể mình như đất sét có thể nhào nặn. Alexia tự đập gãy mũi, bó ngực, bó cái bụng lùm xùm đang mang thai lại, bất chấp tất cả để sinh tồn.

Gây sốc là thế, nhưng Titane nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình và đã đoạt giải cao nhất tại Liên Hoan Phim Cannes, giải Cành Cọ Vàng.

Pearl (2022)

Cảnh cuối trong phim, Pearl có trường đoạn nhìn thẳng vào máy quay, nở một nụ cười rộng, biểu cảm gương mặt biến đổi đa dạng bất thường. Những kẻ thái nhân cách nổi tiếng ở khả năng bắt chước cảm xúc, những thứ mà họ không thật sự cảm thấy. Pearl chính là con tắc kè hoa như vậy. Cô có thể khiến người khác nhìn thấy mình như một con cừu ngây thơ, hay nạn nhân bất lực, tùy theo vai diễn cô đóng.

Thế nên đến cuối phim, khi không còn ai để Pearl bắt chước nữa, một loạt mặt nạ cảm xúc lướt qua cô, nhưng không có cái nào là thật cả.

Possessor (2020)

Bộ phim kinh dị tâm lý khoa học viễn tưởng lấy bối cảnh ở một hiện thực thay thế. Andrea Riseborough vào vai Tayas Vos, nữ sát thủ nhập thân chuyên xâm nhập vào vật chủ khác thông qua một thiết bị, nhằm thay cô thực hiện nhiệm vụ ám sát. Sau mỗi phi vụ, Vos sẽ khiến vật chủ tự sát.

Thường xuyên xâm nhập tâm trí người khác, Vos dần đánh mất danh tính của chính mình và hoang mang trong việc xác định bản thân khi tiếp xúc với gia đình. Cô đành lấy danh tính vật chủ làm thành của mình và bị ám ảnh bạo lực.

Một trong những phân đoạn nổi bật của phim là khi Vos xâm nhập vào vật chủ của mình. Quá trình một kẻ thái nhân cách đánh cắp ý thức về bản thân của mình người được hình tượng hóa qua một loạt phản ứng như âm thanh, hình ảnh bị bóp méo, cơ thể Vos và nạn nhân đan vào nhau không còn phân biệt được. Thế nhưng, phân cảnh này chúng ta không thể giải thích bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận ảnh hưởng của nó. Nếu trong nỗ lực hiểu bộ phim mà bạn cảm thấy bối rối, không thoải mái, lạc lối thì đúng rồi đấy, bạn đang cảm thấy những gì nạn nhân của Vos cảm thấy.

Nguồn: Jonathan Doucette/Psychology Today

  • 30
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
28

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)