Sát Nhân Bắt Chước: Sẽ thế nào khi kẻ sát nhân hàng loạt là bậc thầy thao túng truyền thông?
Được chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của nhà văn Nhật Bản Miyuki Miyabe, Copycat Killer (Sát Nhân Bắt Chước) là series tội phạm mới của Đài Loan vừa lên sóng Netflix vào ngày 31/03. Bộ phim có sự tham gia của nhiều cái tên đình đám trong làng giải trí xứ Đài như Ảnh đế Ngô Khảng Nhân, Thị hậu Kha Giai Yến từng làm mưa làm gió trong Muốn Gặp Anh hay Lâm Tâm Như dù góp mặt vai khách mời nhưng cũng có thời lượng xuất hiện đáng kể.
Lấy bối cảnh vào cuối những năm 90 xoay quanh án giết người hàng loạt đầu tiên tại Đài Loan, ngày càng nhiều cô gái trẻ mất tích và sau đó là thi thể được tìm thấy hầu hết trong tình trạng rất tồi tệ. Trong khi đó, kẻ thủ ác vốn am hiểu sức mạnh của truyền thông đã lợi dụng điểm này để biến mỗi án mạng thành các sân khấu trình diễn man rợ, ra sức chế giễu, khiêu khích hệ thống tư pháp - cảnh sát đồng thời kích động quần chúng khiến trật tự xã hội trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Ở phía bên kia chiến tuyến, kiểm sát viên mẫn cán Quách Hiểu Kỳ (Ngô Khảng Nhân) dẫn đầu cuộc điều tra vừa không ngừng trấn áp những chấn thương tâm lý từ quá khứ. Đồng hành với anh còn có các cộng sự đến từ các lĩnh vực khác nhau như thanh tra cảnh sát, tâm lý học, phóng viên nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn thêm nhiều tội ác tiếp diễn…
Phản diện chính của phim về cơ bản là một kẻ thái nhân cách ái kỷ điển hình, khao khát sự nổi tiếng và thèm muốn được là trung tâm của mọi chú ý, vậy nên hắn xem nạn nhân chẳng khác gì các diễn viên phụ tô điểm cho “tác phẩm”, hào quang và quyền uy của riêng hắn. Theo đó không chỉ là giết người, mà là khoái cảm thích thú đầy bệnh hoạn trong mỗi lần “hành sự”, sử dụng nó để gieo rắc nỗi sợ hãi, hành hạ nạn nhân lẫn những người thân yêu của họ.
“Tôi là tất cả những gì các người nghe thấy. Tôi là tất cả những gì các người nhìn thấy. Tôi là sự thật.”
Ngoài ra, Copycat Killer cũng đào sâu các khía cạnh nóng của truyền thông như đạo đức làm nghề, đưa tin bất chấp đúng sai hay ranh giới mong manh giữa sự thật và dối trá. Là khi có thể vì tỷ suất người xem mà không ngại xát muối lần nữa vào nỗi đau của thân nhân người bị hại, là khả năng thao túng và dẫn dắt dư luận đôi khi dễ dàng đến không ngờ ấy đã trở thành miếng mồi ngon cho những dã tâm hung ác nhất,…
“Sự thật là một cuộc thi kể chuyện. Để xem ai nói nhanh hơn và thuyết phục hơn.”
Về diễn xuất, ngôi sao sáng nhất của phim chắc chắn là Ngô Khảng Nhân khi hoá thân thành một nhân vật rất gần với vai diễn đỉnh cao của anh trong Khoảng Cách Giữa Chúng Ta Và Cái Ác. Tuy rằng kiểu người tốt ngoan cường phá án, không cúi đầu trước nguyên tắc mà quyết đi đến cùng của chân tướng chẳng còn quá mới mẻ trong dòng phim này, màn trình diễn của Ngô Khảng Nhân vẫn mãn nhãn và thực sự lay động trong từng nỗ lực tìm kiếm manh mối đến mệt nhoài, khoảnh khắc hướng ánh mắt kiên định về phía máy quay như lời tuyên chiến khẳng khái với hung thủ hay dáng vẻ bất lực, bi thương khôn tả khi không thể bảo vệ điều quý giá nhất của bản thân.
Nhìn chung, Copycat Killer vẫn còn đấy một vài thiếu sót nhất định nhưng tổng thể với mình vẫn là một tác phẩm trinh thám đáng xem, khắc hoạ tương đối tròn trịa về cái ác sâu bên trong mỗi người và một lần nữa cho thấy hiểm hoạ khôn lường của thời đại tin tức chi phối như hiện nay.
“Tin tức từng đại diện cho sức mạnh của sự thật. Nhưng bây giờ, nó chỉ là những chương trình thực tế nối tiếp nhau.”
- 20
- 0Bình luận