logo-maybe-vn
Mở app

Tại sao phim kinh dị bị Viện Hàn Lâm 'làm lơ'?

Oscar lần thứ 95 khép lại với không quá nhiều tranh cãi. Nhìn chung 2022 là một năm rực rỡ nhiều tác phẩm hay. Tất cả các phim trong danh sách đề cử đều so kè sát nút nhau và có lẽ các thành viên bỏ phiếu của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh đã có thời gian đắn đo khá căng thẳng.

Pearl (2022)
Pearl (2022)

Thế nhưng có một điều dường như năm nào người ta cũng phân vân, đó là những bộ phim kinh dị đã bị Viện Hàn Lâm “bỏ quên”. Khoan đã, có thể bạn sẽ nói “vì phim kinh dị không hàn lâm”, “phim kinh dị không đủ chất lượng”. Thứ nhất, hãy định nghĩa “hàn lâm” trong lĩnh vực điện ảnh. Thứ hai, năm vừa rồi (thật ra là nhiều năm rồi) chúng ta được chứng kiến bước phát triển vượt bậc của các phim thuộc thể loại. Nope có một kịch bản gốc đáng cân nhắc, bản thân phim cũng đã vào danh sách rút gọn Oscar 95 hạng mục Best Original Score và Best Visual Effects. Diễn xuất của Mia Goth trong Pearl cũng xứng đáng cho cô một vé Nữ Chính Xuất Sắc hơn Ana de Armas (Blonde). Chưa kể đến tận bây giờ, người hâm mộ vẫn nuối tiếc cho Toni Collette bởi những gì cô đã làm được trong Hereditary (2018) nhưng không được Viện Hàn Lâm công nhận.

Nope (2022)
Nope (2022)

Đồng thời, “kinh dị” (horror) là thể loại rộng lớn, nó không chỉ có đâm chém hay hồn ma cong lưng bò lòng vòng. Hãy điểm lại số lượng ít những phim kinh dị được đề cử, thậm chí thắng Oscar: The Exorcist (1973), Jaws (1975), The Silence of the Lambs (1991), The Sixth Sense (1999), Black Swan (2010), and Get Out (2017). Các bạn có thể nói rằng Jaws là phim phiêu lưu hành động, The Silence of the Lambs, The Sixth Sense, Black Swan là phim tâm lý, giật gân… nhưng The Exorcist (1973) được đề cử Phim Hay Nhất, Get Out được 4 đề cử Phim Hay Nhất, Đạo Diễn, Nam Chính, Kịch Bản Gốc. Hai bộ phim xuất này rõ ràng là phim kinh dị. Vậy điều gì đã làm nên kỳ tích hai năm đó và tại sao nó không lặp lại nữa trong những năm gần đây?

The Exorcist (1973) - Phim kinh dị đầu tiên được đề cử Oscar.
The Exorcist (1973) - Phim kinh dị đầu tiên được đề cử Oscar.

Theo ý kiến của Richard Newby (AVClub), hiện trạng này có lẽ là do định kiến có sẵn của Viện Hàn Lâm. “Phim kinh dị thúc đẩy nổi sợ, có cách làm phim phá vỡ giới hạn, bất chấp kỳ vọng. Còn Viện Hàn Lâm lại quá an toàn, họ thích những thứ quen thuộc suốt mấy chục năm nay, cùng lắm là phá cách một chút mới lạ thôi. Nói vậy không có nghĩa những phim được đề cử không xứng đáng. Đương nhiên chúng xứng đáng và rất nhiều kiệt tác được tạo nên từ cảm giác quen thuộc. Nhưng trong cái lạ lẫm, trong bóng tối, chúng ta mới được thử thách. Đó chính là điều đáng sợ. Viện Hàn Lâm không ghét phim kinh dị, họ chỉ sợ nó”.

Toni Collette - Hereditary (2018)
Toni Collette - Hereditary (2018)

Cây bút Douglas Laman ở Collider cũng có ý kiến tương tự về định kiến của Viện Hàn Lâm, rằng “về cơ bản, Viện Hàn Lâm chỉ công nhận những phim họ cho là ‘đáng kính’ theo kiểu phim trong hạng mục Phim Hay Nhất. Với khuôn mẫu hạn hẹp này về cái họ cho là điện ảnh ‘đúng kiểu’ sẽ khiến phim kinh dị còn phải vật vã dài dài mới vào được danh sách”. 

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng Viện Hàn Lâm “làm lơ” nhiều thể loại phim lắm. Hoạt hình, phim hài, viễn tưởng, kỳ ảo hiếm khi chen chân được vào hạng mục quan trọng. Thậm chí khi đạo diễn Guillermo Del Toro lên nhận giải Phim Hoạt Hình Hay Nhất, ông cũng đã bày tỏ ý kiến thẳng thắn “Hoạt hình là điện ảnh. Hoạt hình không phải một thể loại”. Người ta chỉ ra rằng, quanh đi quẩn lại hằng năm tại Oscar là phim chính kịch, chiến tranh, tiểu sử…2023 đã là năm Oscar “thoáng” nhất rồi.

Giải thưởng đó có quan trọng không?

Nhiều người sẽ nói rằng giải Oscar không đại diện cho toàn bộ nền điện ảnh, rằng có đoạt Oscar hay không, một bộ phim hay cũng đã có chỗ đứng trong lòng khán giả. Thế nhưng, phải công nhận rằng Oscar vẫn là một giải thưởng lớn, có tiếng tăm nhất hiện nay. Việc nắm được trong tay giải thưởng này mở ra nhiều cơ hội cho diễn viên, nhà làm phim, ví dụ như những con người tài năng như Mia Goth hay Toni Collette, hay Jordan Peele, Ari Aster, Robert Egger… Việc đạo diễn, biên kịch, diễn viên chọn lựa làm việc với thể loại phim đó không nên là lý do khiến họ bị bỏ qua tại lễ trao giải lớn nhất năm này.

  • 31
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
49

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)