Những bộ phim về xã hội đen từng gây chú ý trong lịch sử OSCAR
Everything Everywhere All at Once đại thắng với 7 tượng vàng tại Oscar lần thứ 95 bại được đánh giá là một sự lựa chọn độc đáo từ Viện hàn lâm với những nhà phê bình thường được cho là bảo thủ, vốn chỉ ủng hộ thể loại phim chính kịch. Tuy nhiên, trong lịch sử Oscar, Viện Hàn Lâm cũng đã từng nhiều lần công nhận những tác phẩm đến từ một thể loại dường như ít được để mắt xoay quanh thế giới ngầm và xã hội đen. Những tác phẩm này đã nhận được nhiều đề cử và thậm chí còn giành được chiến thắng ở hạng mục lớn trong lịch sử giải Oscar.
The Untouchables (1987)
Bộ phim dựa trên cuốn sách cùng tên và các sự kiện trong đời thực nhưng phần lớn cốt truyện vẫn là hư cấu. Lấy bối cảnh nước Mỹ những năm 30, khi lệnh buôn bán rượu biến thứ đồ uống có cồn thành mặt hàng xa xỉ, phong trào buôn rượu lậu nhanh chóng lan ra khắp nước Mỹ, trong đó Chicago là một trong những điểm nóng. Ở thành phố này, tất cả băng đảng mafia chuyên buôn rượu lậu đều nằm dưới sự kiểm soát của ông trùm bất khả xâm phạm Al Capone Bộ Tài chính Mỹ quyết tâm bài trừ nạn buôn bán rượu lậu tại Chicago. Họ cử Eliot Ness - một đặc vụ xuất sắc của Cục điều tra liên bang (FBI) đến chỉ huy lực lượng chống lại đế chế Capone...
Mặc dù bị chỉ trích vì thiếu tính chính xác về lịch sử, The Untouchables đã nhận được sự đánh giá cao của Viện Hàn Lâm với bốn đề cử Oscar bao gồm: Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sắc, Trang phục xuất sắc và Nam diễn viên phụ xuất sắc (Sean Connery). Tuy nhiên, chỉ có tài tử Sean Connery giành được tượng vàng Oscar cho vai diễn Jim Malone.
Goodfellas (1990)
Được ra mắt vào năm 1990 trong thời điểm Hollywood tràn ngập những tác phẩm nói về giới gangster như The Godfather III, Miller’s Crossing, King of New York hay Men of Respect …Goodfellas của đạo diễn gạo cội Martin Scorsese vẫn được coi là một trong những bộ phim về băng đảng tội pham hay nhất mọi thời đại trong lịch sử với sự tham gia của Robert DeNiro, Ray Liotta và Joe Pesci. Bộ phim giành được tổng cộng 6 đề cử Oscar bao gồm cả Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Tuy nhiên chỉ nhận được một tượng vàng ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất của Pesci cho vai diễn Tommy DeVito.
Câu chuyện được dẫn dắt bởi Henry Hill, từ khi gã còn là cậu bé chạy việc nhìn sang ô cửa đối diện của đám anh chị với con mắt thèm thuồng cho tới khi gã trở thành một phần của những tên du thủ du thực đó. Henry Hill không hề đơn độc. Hắn có hai “cạ cứng” hành tẩu là Jimmy Conway (Robert De Niro) và Tommy DeVito (Joe Pesci). Nếu như Jimmy ra dáng của đàn anh và thường ủ mưu sâu đằng sau gương mặt luôn thân thiện với nụ cười thường trực thì Tommy đích thị là một ngọn núi lửa luôn chực phát nổ. Bối cảnh bộ phim được đặt trong giai đoạn từ 1955 tới 1980 và đã chứng kiến biết bao các phi vụ động trời mà Hill cùng đồng bọn đã nhúng tay vào. Mọi thứ từ bảo kê, cướp hàng, buôn chất cấm cho tới cả g.i.ế.t người …Tuy nhiên cái gọi là tình huynh đệ giữa đại ca và đàn em trong xã hội đen vốn dĩ có thể bị lật kèo bất cứ lúc nào.
The Godfather Part III (1990)
The Godfather Part III sản xuất năm 1990 là phần cuối cùng của loạt phim The Godfather do Francis Ford Coppola viết kịch bản và đạo diễn. Tập phim này là đoạn kết cho câu chuyện về Michael Corleone, một bố già Mafia tìm cách hợp pháp hóa cho đế chế tội ác của ông ta. Bố già phần III cũng đề cập tới một số chi tiết liên quan đến sự kiện có thực về cái c.h.ế.t của Giáo hoàng Gioan Phaolô I và vụ phá sản của Ngân hàng Banco Ambrosiano những năm 1981-1982. Bộ phim có sự tham gia của các ngôi sao Al Pacino, Diane Keaton, Talia Shire, Andy Garcia, Bridget Fonda và Sofia Coppola.
Mặc dù bị đánh giá thấp hơn so với hai phần phim trước, The Godfather Part III vẫn nhận được sự ưu ái của Viện hàn lâm với bảy đề cử Oscar tại lễ trao giải năm 1991 bao gồm cả Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Garcia. Tuy nhiên, đáng tiếc là bộ phim đã không giành chiến thắng trong bất kỳ hạng mục nào.
Prizzi's Honor (1985)
Prizzi's Honor là một bộ phim tội phạm hài đen của Mỹ năm 1985 của đạo diễn John Huston. Phim kể về Charley Partanna là một sát thủ làm việc cho gia đình Prizzi, một trong những gia đình tội phạm giàu có nhất đất nước. Charley không hề hay biết, Prizzi vừa thuê Irene Walker, một sát thủ khét tiếng khác để loại bỏ chính Charley Partanna. Trớ trêu thay, Charley Partanna và Irene Walker đã phải lòng nhau trước khi nhận nhiệm vụ...
Cho đến nay Prizzi's Honor vẫn là một trong số ít bộ phim hài đen về tội phạm nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của giới phê bình. Bộ phim đã nhận được tám đề cử Oscar bao gồm cả Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Tuy nhiên, chiến thắng duy nhất của bộ phim thuộc về con gái của đạo diễn John Huston, Anjelica Huston ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Bugsy (1991)
Xoay quanh chuyện tình của một tay gangster hào hoa và một nữ minh tinh nổi tiếng, Bugsy (1991) tái hiện một phần lịch sử của Las Vagas – sòng bạc nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Trong phim, Benjamin “Bugsy” Siegel (Warren Beatty) là một tay gangster quyến rũ có công việc làm ăn ở New York cùng với Meyer Lansky (Ben Kingsley) và Charlie “Lucky” Luciano (Bill Abraham). Được các cộng sự gửi tới Los Angeles làm ăn nhưng khi vừa đặt chân tới đây, Benjamin đã ngay lập tức bị quyến rũ trước vẻ đẹp và tài trí của nữ minh tinh Virginia Hill (Annette Bening). Trên đường tới Nevada, Benjamin nảy ra ý tưởng về một sòng bài ở Sa mạc và kêu gọi các đồng sự giúp đỡ cả vật chất và tinh thần. Ông tuyển Mickey Cohen (Harvey Keitel) phụ giúp; kêu gọi tài trợ từ Meyer Lansky và các cộng sự gangster khác ở New York, thu được gần 1 triệu USD để xây dựng sòng bạc. Benjamin ngay lập tức bắt tay vào xây dựng Flamingo Las Vegas Hotel Casino. Tuy nhiên, dự án nhanh chóng rơi vào thảm họa, bị đội vốn gấp 6 lần và lâm vào nợ nần. Sự ăn chơi của bộ đôi và tính ngông cuồng của “Bugsy” Siegel là điều không thể chấp nhận được đối với thế giới ngầm, nhất là với “ông trùm của các ông trùm” Lucky Luciano…
Bugsy là một câu chuyện tội phạm ở một góc nhìn khác với tình tiết đầy hấp dẫn nhờ phản ứng hóa học của bộ đôi Warren Beatty và Annette Bening. Bộ phim đã nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình và giành được chín đề cử Oscar tại lễ trao giải năm 1992 bao gồm cả Phim hay nhất. Tuy nhiên bộ phim chỉ đem về hai tượng vàng Oscar cho hạng mục Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Thiết kế trang phục đẹp nhất.
L.A. Confidential (1997)
Kịch bản của L.A. Confidential được viết dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1990 của James Ellroy, cuốn thứ ba trong bộ L.A. Quartet của ông. L.A. Confidential theo chân ba sĩ quan LAPD vào năm 1953 khi họ điều tra một chuỗi các vụ g.i.ế.t người. Mặc dù dựa trên một tác phẩm mà các nhà phê bình cho là không thể chuyển thể và bối cảnh đã quá cũ, bộ phim vẫn thành công trong việc khắc họa sức sống và sự nhiệt tình của những con người thời đại đầy trách nhiệm, nhiệt huyết.
Được coi là một trong những bộ phim hay nhất thập niên 90, L.A. Confidential đã nhận được chín đề cử Oscar bao gồm cả Phim hay nhất. Tuy nhiên, không may cho L.A. Confidential khi gặp phải đối thủ sừng sỏ năm ấy là Titanic của James Cameron, một bộ phim đã càn quét giải Oscar và giành được 11 trong số 14 đề cử. Chiến thắng duy nhất của L.A. Confidential là ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Kim Basinger.
The Godfather (1972)
The Godfather là một bộ phim hình sự sản xuất năm 1972 dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo và do Francis Ford Coppola đạo diễn. Bộ phim có dàn diễn viên hùng hậu nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ với bốn diễn viên chính là Marlon Brando, Al Pacino, Robert Duvall và Diane Keaton đều từng dành giải Oscar cho diễn viên chính xuất sắc nhất. Kết hợp với kịch bản hấp dẫn, The Godfather đủ sức được vinh danh với 10 đề cử Oscar và nhận được 3 tượng vàng cho Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Marlon Brando.
The Godfather được bình chọn là bộ phim xếp thứ 2 trong Danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ, thay đổi quan niệm về dòng phim tội phạm, là kiệt tác điện ảnh thế giới nửa thế kỷ qua. Phim xoay quanh diễn biến của gia đình mafia gốc Ý Corleone trong khoảng 10 năm từ 1945 đến 1955. Mở đầu vào ngày hè ở New York năm 1945, "Bố già" Don Vito Corleone (Marlon Brando) đón nhận nhiều niềm vui trong đời. Ông tổ chức đám cưới cho con gái độc nhất thì cậu con út Michael (Al Pacino) cũng trở về nhà sau Thế chiến thứ hai. Giữa bữa tiệc, Michael không ngừng kể cho bạn gái Kay Adams (Diane Keaton) về những tội ác của bố - trùm mafia, hứa rằng mình không như ông. Chẳng bao lâu, Don Vito bị kẻ thù ám sát giữa đường, may mắn không chết nhưng đẩy gia đình rơi vào trận chiến với các băng nhóm khác. Lúc này, Michael không còn cách nào khác phải cùng anh cả Sonny (James Caan) thay cha gánh vác trọng trách.
The Irishman (2019)
The Irishman năm 2019 đánh dấu một phần tư thế kỷ kể từ khi Martin Scorsese hợp tác với Robert De Niro và Joe Pesci. Bộ ba tái hợp trong The Irishman qua một cốt truyện sâu sắc khác về tội phạm và chính trị, kéo dài sáu thập kỷ kể câu chuyện về Frank Sheeran (Robert De Niro), một tài xế xe tải trở thành sát thủ cho gia đình tội phạm Bufalino và được cho là có liên quan đến vụ mất tích của ông chủ nghiệp đoàn Teamster Jimmy Hoffa vào tháng 7/1975. Phim được chuyển thể từ I heard you paint houses - cuốn sách bán chạy của Charles Brandt.
The Irishman là một trong những tác phẩm được đánh giá cao nhất của đạo diễn gạo cội Martin Scorsese. Bộ phim đã nhận được sự hoan nghênh lớn từ các nhà phê bình với cốt truyện hấp dẫn và diễn xuất của dàn diễn viên. The Irishman đã nhận được mười đề cử Oscar tại lễ trao giải năm 2020, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất.
Bonnie And Clyde (1967)
Bonnie and Clyde là một bộ phim điện ảnh đề tài hình sự tiểu sử của Mỹ năm 1967 do Arthur Penn làm đạo diễn, với sự góp mặt của hai diễn viên Warren Beatty và Faye Dunaway trong hai vai chính Clyde Barrow và Bonnie Parker. Bộ phim được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh đầu tiên của kỉ nguyên New Hollywood, tạo nên bước ngoặt cho lịch sử điện ảnh. Bonnie and Clyde đã xuất sắc đoạt hai giải Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất trên tổng số 10 đề cử. Tác phẩm còn nằm trong danh sách 100 bộ phim điện ảnh đầu tiên được lựa chọn bảo tồn tại Viện lưu trữ phim quốc gia Hoa Kỳ.
Giữa thời buổi đại khủng hoảng, Bonnie Parker và Clyde Barrow tình cờ gặp gỡ nhau tại Texas khi Clyde cố gắng lấy trộm xe của mẹ cô. Vì chán nản với công việc làm bồi bàn, Bonnie bị Clyde quyến rũ và rồi quyết định cùng anh lên đường và trở thành đối tác của anh trên hành trình tội phạm. Họ đã tiến hành một số vụ cướp không vũ trang trót lọt, nhưng vì còn thiếu chuyên nghiệp cũng như tùy lúc cao hứng mà những vụ cướp của họ không đem lại nhiều lợi nhuận lắm. Cặp đôi dần chuyển sang hình thái phạm tội có tổ chức hơn khi kết nạp một nhân viên trạm bơm xăng tên C.W. Moss. Tiếp đó anh trai của Clyde là Buck cùng bà vợ – con gái của một nhà truyền giáo Blanche cùng gia nhập băng cướp. Bonnie và Clyde chuyển từ những vụ trộm nhỏ sang cướp ngân hàng chuyên nghiệp. Những vụ án của họ ngày càng trở nên bạo lực hơn. Băng đảng bị cơ quan chức năng truy đuổi gắt gao. Sau khi Buck bị b.ắ.n c.h.ế.t trong cuộc truy sát. Bonnie và Clyde tiếp tục chạy trốn để sống hạnh phúc bên nhau nhưng mọi chuyện đâu suôn sẻ như vậy.
The Godfather Part II (1974)
Hai năm sau thành công của phần đầu tiên, The Godfather Part II một lần nữa khiến giới phê bình và khán giả thán phục. Phần phim thứ hai tiếp tục là những diễn biến trong gia đình Corleone trước những sự kiện xảy ra ở phần đầu cũng như miêu tả quá trình trở thành ông trùm của Vito Corleone.
Bố già phần II được một số nhà phê bình đánh giá là xuất sắc hơn cả phần đầu tiên, vốn đã là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Hoa Kỳ. Bộ phim được đề cử tới 11 giải Oscar và giành được 6 giải trong đó có giải cho Phim hay nhất.
- 41
- 0Bình luận