
Tại sao người ta lại tham gia giáo phái?
Phim tài liệu về giáo phái In the Name of God: A Holy Betrayal dài 8 tập của Hàn Quốc hiện đang có mặt trên Netflix và được đánh giá là gây sốc bởi những tình tiết biến thái cùng tàn bạo của nó. Giáo phái là vấn đề nhức nhối tại khắp nơi trên thế giới. Từ trước đến nay chúng ta chỉ biết ở các quốc gia Âu Mỹ phơi bày tình trạng này với những vụ án chấn động như Jonestown và ít khi được nghe những câu chuyện từ xứ sở châu Á. Thế nên In The Name of God khiến khán giả bất ngờ bởi ai mà tin được một quốc gia lộng lẫy, nổi tiếng với phim truyền hình và văn hóa thần tượng lại có những góc khuất ghê tởm như vậy.
Tập đầu tiên của loạt phim thu hút sự chú ý bởi câu chuyện ghê tởm của nó: lãnh đạo một giáo phái dụ dỗ các thiếu nữ vị thành niên để quan hệ với họ, nhân danh thánh thần. Đây đương nhiên là tà giáo chứ chẳng thánh thần nào cần những việc này. Các nạn nhân cũng bị thao túng, tin mình là “cô dâu” và chịu đựng sự giày vò cho đến khi hiểu ra sự việc và lên tiếng. Một phim tài liệu nổi tiếng khác của HBO là "The Vow", vạch trần giáo phái NXIVM cũng lạm dụng vô số nạn nhân nữ, nhưng đồng thời cũng trả lời cho một câu hỏi nhức nhối.
Một điều mà ta thường thắc mắc, đó là làm thế nào người ta lại đồng ý tham gia vào những giáo phái và để chúng hành hạ? Thậm chí nhiều nạn nhân còn bị “ném đá” là ngu ngốc. Chúng ta luôn tự tin rằng bản thân “không dễ dụ”, là tỉnh táo nhưng liệu điều đó có chắc chắn? Nếu không bị tà giáo đeo bám hoặc thoát khỏi cạm bẫy của chúng, thì lý do là bạn may mắn không hội tụ đủ một số điều kiện mà đám thú săn cần ở con mồi của mình. Bài viết sau sẽ trình bày một số giả thiết, giả thích lý do vì sao con người lại tham gia giáo phái/tà giáo.
Nạn nhân là đối tượng dễ tổn thương
Tất cả những người bị chiêu dụ vào hội nhóm tà giáo đều ít nhiều có những điểm dễ lợi dụng. Đối tượng của giáo phái thường là những người dễ tổn thương (vulnerable) như nữ giới, trẻ vị thành niên, thiếu sự quan tâm của gia đình, có lòng tự tôn thấp… Dựa vào những điểm này, giáo phái sẽ đưa ra những hứa hẹn hấp dẫn hoặc thao túng tâm trí. Đối với người tự trọng thấp hoặc bị bỏ bê, đó là lời hứa về một cộng đồng chấp nhận mình. Đối với người trẻ thì là tò mò về hệ thống niềm tin hoặc đơn giản là quá trẻ để nhận ra mình bị lợi dụng.
Nữ giới dễ tham gia vào giáo phái hơn nam giới
Nữ giới thuộc nhóm dễ bị tổn thương như đã đề cập ở trên, tuy nhiên, thói quen sinh hoạt xã hội của họ cũng dễ dẫn đến điều này. Các nhà tâm lý học có nhiều giả thiết khác nhau về điều này. Dr. David Bromley của trường ĐH Virginia Commonwealth cho rằng nữ giới thường tham gia hội nhóm cộng đồng đù là tôn giáo hay không, điều này dẫn đến việc họ dễ tham gia vào giáo phái. Một số ý kiến khác cho rằng do phụ nữ đã chịu nhiều chèn ép suốt chiều dài lịch sử nên trong vô thức họ dễ chấp nhận một hình tượng quyền lực áp đặt lên mình. Tuy nhiên ý kiến này cũng vấp phải nhiều phản đối.
Một vấn đề nữa là nữ giới dễ gia nhập một giáo phái hơn nếu người giới thiệu là một phụ nữ. Họ cảm thấy an toàn khi đối tượng là người cùng giới và dễ sa vào bẫy.
Nhiều thành viên giáo phái đã từng theo tôn giáo chính thống
Tiến sĩ Stanley H. Cath, nhà phân tâm học và giáo sư ĐH Tufts từng điều trị cho 60 cựu thành viên giáo phái trong suốt sự nghiệp của mình. Từ đó ông phát hiện ra một điều bất ngờ: nhiều người trước khi gia nhập giáo phái đều đã từng sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo chính thống và không chấp nhận nó. Điều này khá lạ lùng vì dù sao giáo phái cũng mang tính tôn giáo hoặc chí ít tự cho nó là vậy. Cath cho rằng có một nguyên nhân sâu xa hơn trong chuyện này. Những người mà giáo sư chữa trị đều còn trẻ và thông minh, lớn lên trong môi trường bao bọc. Cat thấy rằng nhiều cá nhân có tiền sử “thiếu tình thân, hoặc hay đổ lỗi cho người khác về thất bại của mình, truy cầu sự hoàn hảo”. Những đặc điểm cá tính này khiến họ trở thành mục tiêu của dị giáo. Nếu một giáo phái chứng minh rằng bản thân nó tốt đẹp hơn cộng đồng cũ của nạn nhân hoặc khiến họ cảm thấy có giá trị thì sẽ thu phục được nhiều tín đồ kiểu này.
Thao túng nạn nhân bằng phép so sánh “chúng ta và bọn họ”
Bổ sung thêm cho những điều trên, các tổ chức dị giáo còn có một cách thức dụ dỗ nạn nhân đó là cô lập họ khỏi hệ thống hỗ trợ như gia đình, bạn bè, cộng đồng tôn giáo chính thống. Những kẻ đứng đầu sẽ thuyết phục các tín đồ rằng chúng thượng đẳng hơn các mối quan hệ cũ của nạn nhân và nếu như tham gia cùng chúng, thì nạn nhân cũng sẽ đạt được đẳng cấp như vậy. Điều này đánh vào những người có tâm lý cầu toàn, muốn phát triển bản thân.
Lãnh đạo giáo phái là những chuyên gia thao túng
Để thu hút một lượng lớn tín đồ, chắc chắn kẻ cầm đầu cũng phải có điểm gì thu hút và điểm đó chắc chắn là khả năng thao túng. Một số phương thức bẻ gãy tâm lý chúng hay dùng như sau:
- Hạ nhục công khai: các thành viên mới đến có thể sẽ được dỗ ngon dỗ ngọt trong thời gian đầu. Nhưng cho đến khi nạn nhân chính thức gia nhập rồi thì chúng bắt đầu sử dụng đòn tra tấn tâm lý. Một cách thức thường thấy đó là bắt nạn nhân rồi trên một chiếc ghế, vây xung quanh là các tín đồ khác. Tại đó nạn nhân sẽ phải thú nhận những lỗi lầm, khuyết điểm của họ. Từ đây chúng bắt đầu nhấn mạnh vai trò của giáo phái trong việc giúp nạn nhân “rửa sạch tội lỗi”, khiến họ nghĩ giáo phái là cách duy nhất giúp họ hoàn thiện bản thân.
- Tự buộc tội: Một phương thức yêu thích của Jim Jones, đó là yêu cầu các thành viên viết văn bản kể về nỗi sợ hoặc sai lầm của họ. Sau đó hắn dùng những thông tin này để công khai hạ thấp nạn nhân.
- Tẩy não: thủ lĩnh giáo phái là những kẻ chuyên nói dối và lật lọng, khiến nạn nhân bối rối không còn phân biệt được thật giả nữa.
- Hoang tưởng: Để duy trì cảm giác yên bình giả dối, các giáo phái thường đưa ra thông tin sai sự thật để tín đồ cảm thấy giáo phái là nơi an toàn nhất. Ví dụ như bịa chuyện về tận thế hoặc chính phủ để nạn nhân từ bỏ lối sống cũ mà đi theo con đường khai sáng của tà giáo, tin rằng giáo phái sẽ bảo vệ họ. Jim Jones là một ví dụ.
Khao khát được thuộc về
Con người là loài mang tính xã hội, thế nên không có gì ngạc nhiên nếu một cá nhân muốn trở thành một phần của tổ chức nào đó. Điều này có liên hệ với điều 1, những cá nhân dễ tổn thương. Nếu một người thiếu đi gắn kết gia đình, cộng đồng, họ có xu hướng tìm kiếm một hội nhóm để tham gia. Trong “The Vow”, phim tài liệu về bê bối giáo phái NXIVM, một nạn nhân nữ tên giả là Jane nói rằng cô tham gia giáo phái này vì cảm giác tập thể nó mang lại, cũng như cuộc đời cô chưa từng có mối quan hệ tốt với phụ nữ nên một hội nhóm toàn nữ có thể giúp cô cải thiện điều đó.
Hóa ra NXIVM chỉ là giáo phái phục vụ tình dục cho Keith Raniere, tên biến thái thao túng nhiều phụ nữ vào đường dây của hắn, thỏa mãn nhu cầu cho một mình hắn. Vụ án này có sự tham gia của nữ diễn viên Smallville Allison Mack, cô vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm.
Chúng ta không biết mình nằm trong giáo phái
Rachel Bernstein, chuyên gia trị liệu đã từng làm việc với nạn nhân của NXIVM cho biết, chúng ta thường không hiểu được “Làm sao một người bị dính vào giáo phái?”, nhưng sự thật đó là chẳng ai có được cái nhìn toàn cảnh cả. Chúng ta không biết đó là giáo phái khi mới gia nhập một hội nhóm, chúng ta được trao thông tin từng phần một và nhỏ giọt và phán đoán dựa vào đó. Không ai có được quyết định sáng suốt dựa trên thông tin toàn phần cả.
Làm thế nào để nhận diện một giáo phái?
Nếu tâm trí con người dễ bị dẫn dắt như vậy, chúng ta cần trang bị một danh sách để xem xét trước khi tham gia bất kỳ một cộng đồng nào. Theo Cult Education Institute, sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo một hội nhóm có phải giáo phái/tà giáo hay không.
- Chủ nghĩa chuyên quyền tuyệt đối mà không có trách nhiệm giải trình
- Không chấp nhận góp ý hoặc câu hỏi
- Không công khai ngân sách và những việc liên quan đến tài chính
- Sợ hãi vô lý những vấn đề thuộc về thế giới bên ngoài (chính phủ theo dõi, tận thế, người ngoài hành tinh…)
- Cho rằng các tín đồ cũ sai lầm khi rời đi và không bao giờ chấp nhận lý do hợp lý của việc rời đi.
- Bạo hành thành viên.
- Hồ sơ, sách, tài liệu ghi lại hành vi bạo hành của lãnh đạo
- Các thành viên luôn cảm thấy bản thân không đủ tốt
- Tin rằng thủ lĩnh luôn luôn đúng
- Tin rằng chỉ người thủ lĩnh là phương tiện đưa ra sự thật hoặc lời xác nhận.
Nguồn: Tổng hợp, Verywellmind
- 33
- 0Bình luận