logo-maybe-vn
Mở app
K
Kmột năm trước
Reading

Bướm Trắng - Hành trình tự hủy của kẻ thất lạc cõi người

“Thu nói:

- Cây bông xòe ra một tí hoa lại tách ngay người ta mới thích trông.

Yên lặng một lát, nàng nói tiếp:

- Nghĩa là cái gì nó mong manh mới quý.”

Thử tưởng tượng một ngày nọ, bạn hay tin rằng mình không còn sống được bao lâu nữa, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ dửng dưng chấp nhận số mệnh đau khổ, hay tìm cách biến những ngày cuối cùng trở thành những ngày đáng sống nhất?

Anh sinh viên Trương đã có một suy nghĩ như vậy, ngay khi biết mình mắc căn bệnh lao quái ác mà bác sĩ chẩn đoán anh chỉ còn cùng lắm là một năm nữa. Và như cách một người gần đất xa trời vẫn thường tự vấn mình đã để lại gì cho cuộc đời, Trương cũng quyết định dấn thân vào một cuộc phiêu lưu kì lạ nhằm truy tìm lời giải cho câu hỏi tuyệt vọng đó.

Nhưng càng tìm, anh càng mơ hồ, càng băn khoăn hơn về số phận mình. Anh thấy những người phụ nữ anh từng trân quý ngày một xa rời anh. Anh nhận ra những thú vui tửu sắc ngày trước giờ chỉ còn đọng lại sự phù phiếm và vô nghĩa. Anh cũng nhận ra bản thân đã trở nên lạc lõng và hết muốn sống nữa. Nhưng rồi, Thu xuất hiện. Thu, cánh bướm trắng chập chờn, ảo mộng của thanh xuân, đến như để chất vấn anh tồn tại vì lẽ gì, vì lý gì, để anh lại một lần nữa soi chiếu lại mọi sự trong đời trước lúc ra đi mãi mãi.

“Các anh trông có giống một cây bông người ta đốt không. Chỉ khác là hoa đứng yên một chỗ mãi không rơi xuống.”

Trước khi Albert Camus viết nên Người Xa Lạ (The Stranger) và Dazai Osamu viết Thất Lạc Cõi Người (No Longer Human), Nhất Linh đã cho ra đời Bướm Trắng. Bướm trắng, vốn dĩ là tên loài sinh vật mỏng manh, yếu ớt, sống một đời tự do tự tại với thiên nhiên, không rõ bay về đâu hay thuộc về chốn nào. Còn Bướm Trắng của Nhất Linh lại bày ra một hành trình tự hủy kì lạ, đó vừa là một cuộc truy vấn lẽ sống mang tính hiện sinh, cũng là câu chuyện về sự sám hối và chuộc tội của một người từng đánh mất niềm tin vào cuộc sống rồi trở về để cố sức làm lại cuộc đời.

Vì yêu Thu, anh chối từ việc bày tỏ tình cảm, thậm chí là tiếp xúc thân mật với cô, vì anh không muốn để mối duyên này hóa âm dương lỡ hẹn. Cũng vì yêu, Trương mới cố vin vào những phức cảm hiện sinh lưu lại xuyên suốt cuộc phiêu lưu của mình.

Đã có lúc, anh thấy thật hạnh phúc khi ngồi một góc mỉm cười trong ngày hạnh phúc trăm năm của em gái.

Đã có lúc, anh đóng vai một người dưng nhìn ngắm Thu từ phía xa, cố bước những bước thật rón rén, thật cẩn thận cốt để cô không nhận ra mình.

Thậm chí, đã có lúc anh muốn đến viếng mộ cha chỉ để hít hà, cảm nhận mùi đất nghĩa trang thật sớm, với hy vọng sẽ vơi đi phần nào cái cảm giác tuyệt vọng trước ngày định mệnh.

Hay có chăng, Trương gặp bác sĩ thực ra cũng vì mong muốn biết được khả năng “sống” của mình liệu có khả quan hơn không. Hoặc cũng có thể anh chỉ muốn kiếm chút ít sự an ủi từ kẻ có thể cứu nhân độ thế duy nhất mà anh biết.

“Sống lúc nào cũng như phút này thì cảnh nào cũng đẹp. Nắng cũng đẹp mà mưa cũng đẹp…”

  Trong số những tác phẩm hiện sinh tôi từng đọc, Bướm Trắng có lẽ là cái tên độc đáo và tràn đầy sự tích cực nhất, và tất cả những điều đó đều hội tụ ở nhân vật Trương. Bởi dù cả cuốn tiểu thuyết này được phủ lấp bằng những nỗi buồn tuyệt vọng, thì bản thân Trương vẫn là một con người khát sống trong chốn địa ngục này. Nhưng “khát sống” tức là như thế nào? Là cái thế lưỡng nan đã loại người đã chán sống nhưng vẫn bám vào hy vọng sống, đã toan buông xuôi tất cả nhưng vẫn cố níu kéo đời bằng khao khát yêu đương cháy bỏng. Cái hạng người tầm thường, phù phiếm, nhu nhược này ấy mà, vậy mà lại chia sẻ chung một niềm đau với người sống: nỗi băn khoăn.

Băn khoăn là một cảm giác gờn gợn, là một nốt trầm nhẹ giữa bản nhạc hòa nhã. Nó ngăn những kẻ nghĩ vội, nghĩ quẩn bước vào con đường tự hủy, nó khiến người ta phải tự phân trần giữa đúng và sai, giữa cái lý của mình và cái lý mà xã hội mặc định là đúng. Giống như Trương, tôi cũng thường băn khoăn nhiều điều lắm, như Liệu mình có đủ dũng khí để yêu hết mình không? Liệu bản thân đã có hay chưa lòng can đảm để đón nhận những đau khổ từ tình yêu? Hay rằng, tôi sống trên đời chỉ là để sống hay để tồn tạ? Chính trong thời điểm cái tôi cá nhân thức tỉnh như vậy, tôi cũng đi đến kết luận như Trương, rằng mọi sự vô thường, sống hay tồn tại, yêu hay không yêu, vươn lên hay sa ngã, hay kể cả chuyện muốn khát sống hay buông thõng đời như Trương, … đều do bản thân tự định đoạt. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, hà cớ chi mới nếm chút đau khổ đã vội nản lòng, vội muốn c.h.ế.t?

Tình yêu của Trương, tôi từng nghĩ, có lẽ chỉ là cái cớ, khi anh ta đang lạc lõng và cần một cái gì đó để bấu víu hay biện minh cho bản thân. Mà đúng thật, Trương có đầy đủ điều kiện của một chàng trai tốt thời bấy giờ: một sinh viên trường luật am hiểu hai thứ tiếng, thông minh, đẹp trai, duyên dáng. Nhưng Trương mượn cớ mình sắp c.h.ế.t nên không muốn làm khổ Thu, rồi anh lại cố quên Thu bằng cách lao vào những thú tiêu khiển không lành mạnh. Một người đang khỏe mạnh đàng hoàng bỗng dưng hóa bệ rạc, già cỗi, không hẳn sống mà cũng không hẳn c.h.ế.t, thậm chí gọi là tha nhân cũng không đáng, vậy mà vẫn biện minh là “vì tình yêu”. Vậy là do lỗi ở tại số mệnh hay tự thân ta làm mình khổ?

Hài hước làm sao, ở cuối truyện Trương đã thốt ra một câu nghe thật lõi đời: "Đời có ra sao, vẫn là do mình quyết định". Nhưng rồi, cái kết mà người đọc đã mường tượng trước vẫn xảy đến với kẻ giác ngộ muộn màng này: thân xác bị phá hủy đến tám chín phần bởi sa đọa, còn tinh thần đã xuống dốc hẳn đến loạn óc, loạn trí.

Người đời sẽ hỏi, tại sao có kẻ lại cứ phải đày đọa bản thân mình như thế. Tôi chỉ có thể từ tôi mà suy ra nỗi thống khổ của một kẻ đơn độc muôn đời đứng bên rìa đời sống kia.

Một phần có thể là do từ máu thịt con người, trong Trương có sự ham muốn của kẻ cả đời thích hưởng lạc, nhưng vẫn đang mày mò đi tìm kiếm những điều chỉ thuộc về thế giới lý tưởng.

Một phần có thể là do chính anh ta quá nhạy cảm, quá lo âu, quá tiêu cực hóa cuộc đời này.

Nhưng cũng có thể, đó là do nỗi mặc cảm, tủi phận âm thầm trong tâm hồn đã dẫn đến nỗi tuyệt vọng vô chừng. Cũng vì tuyệt vọng nên anh ta mất hết niềm tin vào cuộc đời và luôn tìm đến sự hủy hoại bản thân không thương tiếc. Kẻ cô đơn luôn nổi loạn, dù không định làm gì ầm ĩ, nhưng rốt cuộc, sâu thẳm trong tâm lại là một kẻ khát hơi người, một kẻ thèm được oằn mình trong bể khổ cuộc đời nhất.

Tôi không hy vọng nhân vật như Trương được yêu thích, thậm chí còn mong có nhiều người ghét, chửi rủa, xỉ vả anh ta hơn nữa, vì chỉ có thế mới biết có nhiều người vẫn còn lòng tin vào cuộc sống này. Chỉ có vậy, Bướm Trắng mới đích thực là một tác phẩm để chiêm nghiệm về sự sống và cái c.h.ế.t, về tội lỗi và sự trừng phạt, và để tự thân ta ý thức sâu sắc hơn về mỗi lựa chọn của chúng ta.

ĐÁNH GIÁ: 5/5

26/2/2023

  • 42
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
39
K
Kmột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)