logo-maybe-vn
Mở app
Rosemary
Rosemarymột năm trước
Reading

Rừng Na Uy - Một Bản Nhạc Phiêu Đãng Trong Ngày Lộng Gió

Tác giả: Haruki Murakami

Dịch giả: Trịnh Lữ

Nếu chỉ có thể dùng một câu để mô tả Rừng Na Uy, thì đây chính là điều đầu tiên bật ra trong tâm trí tôi. Thật lạ khi một tác phẩm mang âm hưởng buồn thế này lại khiến tôi thấy thật phiêu đãng. Cứ như bản thân đang thả trôi theo dòng chảy của thời cuộc, nhẹ nhàng chạm đến, nhẹ nhàng ôm lấy nỗi đau của những thanh niên trẻ này, để rồi biến nó thành một trải nghiệm thật đẹp!

Có lẽ đối với dân mọt sách thì cái tên Haruki Murakami luôn là một đại điện sáng giá trong mảng văn học Nhật Bản. Dù đã được đọc những tác phẩm của ông hay chưa, thì chắc hẳn không ai là chưa từng nghe qua cái tên ấy. Những tác phẩm của ông luôn là một thế giới mông lung, lạ kỳ, không dễ để diễn tả; nhưng lại có một sức hút vô hình để rồi khi đã tiến vào thì không sao thoát ra được. Với Rừng Na Uy, ông đã trở thành một thần tượng văn hóa đại chúng, là một tác phẩm bất hủ và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Riêng ở Việt Nam, mối tình tay ba Naoko – Watanabe – Midori cũng đã làm nức lòng bao tâm hồn người đọc…

Cách đây nhiều năm, Rừng Na Uy đã đến với tôi từ những mỹ từ, lời ngợi ca lạ lùng mà chỉ đọc thôi tôi đã thấy bản thân như đang nhẹ nhàng nhón một chân vào thế giới mới lạ. Với kinh nghiệm đọc và tuổi đời khi ấy, tôi biết rằng mình chưa sẵn sàng để bước chân vào thế giới này của Murakami. Để đến ngày hôm nay, khi tôi đã trưởng thành hơn, đã được nếm trải nhiều thăng trầm, thì cái tên Rừng Na Uy lại tự nhiên xuất hiện trong tâm khảm. Để rồi tôi với tay lên giá sách, hít một hơi thật sâu, và sẵn sàng bước lên chuyến tàu tới vùng đất mông lung ấy… Với tôi thì thời điểm để trải nghiệm một cuốn sách là vô cùng quan trọng, không có mẫu số chung nào, chỉ đơn giản là lắng nghe trái tim mình, nó sẽ dẫn lối cho bản thân đến đúng với cuốn sách mình đang cần.

Rừng Na Uy là sự đan xen giữa những điều bình thường nhất trong cuộc sống thường ngày của tầng lớp thanh niên Nhật Bản những năm 60 đầy biến động, và thế giới nội tâm đầy mông lung của họ. Họ vẫn đi học, đi làm, sinh hoạt như bao người, nhưng cũng buông thả bản thân cho những lạc thú thể xác. Chưa bao giờ tôi lại thấy sầu thảm đến thế khi đọc những trang sách “nóng bỏng” đó.

Với Watanabe và Naoko, cuộc sống của họ là sự nứt vỡ sau bi kịch, không thể nào hàn gắn và phục hồi. Lúc bình thường thì họ vẫn như bao người, nhưng sau những lần trút bỏ đi y phục che đậy, thì bản thân họ lại trở nên yếu đuối, cô đơn và lạc lõng đến cùng cực. Dường như họ bế tắc đến mức mà, chỉ có tình dục mới cho họ một chút cảm giác tồn tại, cái cực cảm ngắn ngủi ấy lại càng khắc sâu hơn nỗi cô đơn không nói thành lời. Tuổi trẻ, sức xuân như một gánh nặng mà họ không biết làm thế nào để chạy thoát khỏi nó.

Càng bi kịch hơn nữa là, nếu chỉ còn lạc thú ấy khiến họ giải tỏa bản thân, mà cũng không thể thực hiện, thì dường như chẳng còn gì để họ có thể bấu víu. Tôi rất nhiều lần tự hỏi bản thân, rằng Naoko và Watanabe, họ có thật sự muốn thoát khỏi bi kịch đớn đau mà mông lung này không? Tôi dám chắc là có. Tôi đã có chút cảm giác nhẹ lòng khi Naoko chấp nhận điều trị ở vùng núi yên tĩnh tuyệt vời đó. Những mảng màu đầy hy vọng đã hiện ra trước mắt cô ấy cũng như Watanabe. Đáng tiếc, nỗi đau mà Naoko chịu đựng, cũng như bao nỗi dằn vặt của Watanabe quá lớn lao, át đi tất cả hy vọng có thể mở ra. Tôi nghĩ quyết định của Naoko không phải là điều tốt nhất, nhưng, nên làm điều gì tốt hơn đây? Chính tôi cũng không dám chắc. Nỗi đau mất mát, sự khiếm khuyết của bản thân, món nợ thanh xuân đã kéo chìm những người thanh niên ấy xuống đáy sâu tuyệt vọng…

Ngược lại thì Midori như một ngọn lửa mãnh liệt đầy nóng bỏng, ở một khía cạnh nào đó thì cô đã sống dũng cảm, sống hết mình. Một điều thú vị ở đây là cô sẵn sàng lên tiếng về những điều “nhạy cảm” mà không phải ai cũng có thể nói ra, mặc dù chính họ cũng muốn tìm hiểu. Midori không cố kị điều gì, cô đến với Watanabe bằng tất cả những tình cảm nồng cháy nhất. Cũng chính vì vậy mà sự co cụm lại của cái thế giới mang tên “Watanabe” đã khiến cô tổn thương không ít. Nhưng không vì thế mà cô đánh mất đi nhiệt huyết của mình. Tôi không rõ liệu Watanabe có đến tìm cô ấy không. Nhưng hiện tại, chỉ có sắc xanh lá ấy mới có thể mang đến sự cứu rỗi cho anh, cho cái tuổi trẻ mà anh đang dằn vặt đớn đau…

Tôi nghĩ, cái hay nhất của Murakami, cũng như ở Rừng Na Uy, chính là sự bao hàm vô cùng tuyệt vời giữa những điều bình dị nhất và những nỗi niềm cảm xúc mơ hồ nhất. Nếu ở Ryu Murakami là những câu văn mang đầy hàm ý, để đưa người đọc đến một thế giới quái lạ không thể thoát ra. Thì ở Haruki Murakami, chính là thế giới nhiệm màu từ những áng văn bình dị nhất. Về mặt ngữ nghĩa, những câu văn của Rừng Na Uy không hề khó hiểu một chút nào, thậm chí lại vô cùng khoáng đạt. Tôi hoàn toàn có thể mường tượng rõ ràng cảnh sắc công viên nơi Naoko và Watanabe sánh bước, cũng như cảm nhận rõ từng tia nắng mơn man chiếu lên đôi bạn trẻ trên tầng thượng ngôi nhà… Để từ đó, những nỗi đau mơ hồ ấy từ từ tiến vào vào tâm trí tôi lúc nào chẳng hay.

Rừng Na Uy có khó đọc không? Tôi nghĩ là không. Nhưng sẽ không hề dễ dàng nắm bắt. Bởi vậy nên dù chưa đọc nhiều tác phẩm của tác giả, tôi vẫn tự tin rằng bản thân mình có thể dễ dàng nhận ra được những câu triết lý “bị nhét chữ vào miệng” mang danh Murakami đầy rẫy trên mạng!

Tôi nhớ rằng mình đã từng đọc được một nhận xét khá là khôi hài, nhưng lại vô cùng hợp lý với tuyệt tác Rừng Na Uy, đó là cuốn sách này hay mặc dù không hiểu gì, dù không hiểu gì nhưng lại không thể ngừng đọc… Đó là một sự tài ba không thể phủ nhận của tác giả. Dẫn dắt người đọc vào một mê cung mà họ không hề muốn thoát ra.

Rừng Na Uy không phải là tác phẩm khiến tôi đồng cảm cũng như hóa thân vào nỗi đau của nhân vật, có lẽ do thời điểm này tôi đang khá lạc quan và sống có mục đích. Nhưng không vì thế mà tác phẩm này trở nên kém hay với tôi. Như đã nói ở trên, tôi chỉ đơn giản là thả mình vào dòng chảy của truyện, phiêu lãng tâm hồn theo những nốt nhạc cất lên từ Rừng Na Uy, để rồi bất tri bất giác, nỗi đau từ những con người trẻ tuổi ấy dần trở nên hữu hình, len lỏi trong tâm trí để rồi tỏa ra khắp không gian. Tôi như một người đứng cạnh bên những cô cậu thanh niên ấy, tắm trong cái lạnh của mùa đông, ôm lấy những nỗi cô đơn không nói thành lời…

Đánh giá cá nhân: 9/10

  • 49
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
32
Rosemary
Rosemarymột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)