logo-maybe-vn
Mở app

Tìm hiểu Greek Weird Wave - Làn sóng phim kỳ dị Hy Lạp

Greek Weird Wave là làn sóng điện ảnh của Hy Lạp thu hút sự chú ý quốc tế khoảng 20 năm gần đây. Đặc điểm của nó là ảnh hưởng của tình hình đất nước lên dự án. Hy Lạp giai đoạn đại suy thoái đã nhào nặn nên một làn sóng những bộ phim mang màu sắc ảm đạm, kỳ lạ, cách biệt. Nó phản ánh tâm tư con người Hy Lạp trước tình hình đất nước, dẫn dắt số phận từng con người trong đó sang một lối rẽ bất định. Đó là những bộ phim gói ghém trong kinh phí hạn hẹp, bộc lộ quan điểm chính trị, xã hội theo qua câu chuyện và cách truyền đạt có thể gây khó chịu cho người xem.

Yorgos Lanthimos là đại diện tiêu biểu cho làn sóng phim Hy Lạp kỳ dị, người có vô số tác phẩm vươn tầm thế giới. Đầu tiên phải kể đến tam phẩm động vật (đây không phải tên chính thức, bạn đọc đừng nhầm với Animal trilogy thập niên 70s của Dario Argento) Dogtooth (2009), The Lobster (2015), The Killing of a Sacred Deer (2017), ngoài bộ tam phẩn là Alps (2011), The Favourite (2018). Sắp tới ông sẽ chuyển thể tiểu thuyết Poor Things của Alasdair Gray, bộ phim dự kiến sẽ mang nhãn R do tình tiết khó chịu, bạo lực và cảnh khỏa thân.

Dogtooth (2009)
Dogtooth (2009)

Hai tác phẩm nói tiếng Hy Lạp Dogtooth (2009)Alps (2011) được phát hành vào thời kỳ suy thoái đỉnh cao ở Hy Lạp, chúng mang nặng mối bận tâm và thế giới quan của đạo diễn đối với tình hình đất nước. Tiếp theo đó, hai phim điện ảnh nói tiếng Anh The Lobster The Killing of the Sacred Deer của Lanthimos cũng thể hiện đời sống xã hội bất thường, bởi môi trường xung quanh tác giả đang xoay vần, quá nhiều biến đổi khôn lường xảy ra trong bối cảnh chung đất nước.

The Lobster (2015)
The Lobster (2015)

Thế nên, khi xem phim của Lanthimos hay những đạo diễn nổi lên trong bối cảnh đó, ta dễ bị sửng sốt “Cái *** gì đang xảy ra thế này?”. Trong các bộ phim ta dễ nhận ra những yếu tố chung như sự cô lập, xa lánh giữa cá nhân đối với xã hội/gia đình, gia đình với xã hội, con cái với cha mẹ… nói chung nhân vật chính thường là đối tượng cảm thấy không thể hòa hợp với một khuôn khổ, một cộng đồng. Điều đó dẫn đến kết quả tất yếu là trốn chạy hoặc giải thoát.

Dogtooth (2009)
Dogtooth (2009)

Ví dụ trong Dogtooth là một gia đình nơi người cha (nhân vật có quyền hành) cô lập con cái mình khỏi thế giới bên ngoài, khiến chúng méo mó vì thiếu giao tiếp, thiếu thông tin. The Lobster là mối bận tâm của nam chính với hệ thống kết đôi bắt buộc nếu không sẽ bị biến thành động vật. Anh bỏ trốn sang nơi khác nhưng rồi cũng không hòa hợp nổi với cộng đồng độc thân cấm yêu đó. 

Attenberg (2010) của Athina Rachel Tsangari càng làm nổi bật tính dị biệt với nữ chính Marina - cô gái 23 tuổi không biết gì về yêu đương và không gắn kết với loài người. Marina sống cùng người cha bệnh sắp chết và chiêm ngưỡng cuộc đời qua những thước phim động vật của Sir David Attenborough, nghe nhạc Suicide. Thế nhưng đừng nhầm tưởng Marina là cô gái lập dị đáng yêu kiểu Zooey Deschanel.

Attenberg (2010)
Attenberg (2010)

Tất cả những câu chuyện đó đều là ẩn dụ phản ánh tâm tình người Hy Lạp. Đó là mất mát toàn thể khi đất nước rơi vào lao đao toàn diện thể hiện qua Alps, là sự phân rẽ thế hệ khi người trẻ Hy Lạp bị chững lại con đường phát triển trong cảnh khủng hoảng trong Dogtooth, cũng như chính trị mục ruỗng thể hiện qua các vai nắm quyền hành trong hầu hết các phim. Nhân vật của làn sóng kỳ dị Hy Lạp đều bị kiểm soát bởi một người hoặc một nhóm thế lực, một hệ thống. Họ đi lại giữa kiến trúc lạnh lùng, dần xuống cấp, u tối, đó là Hy Lạp đang sụp đổ cả về ngoại hình.

The Killing of the Sacred Deer (2017)
The Killing of the Sacred Deer (2017)

Thế nhưng, đó là chuyện của một thập kỷ trước. Hiện từ năm 2020 Hy Lạp đã và đang đang từng bước khôi phục lại đất nước, chậm mà chắc. Điều này làm dấy lên dự đoán rằng có thể phong cách nghệ thuật mà các nhà làm phim Hy Lạp thể hiện cho thế giới thấy sẽ đổi khác. Đạo diễn trẻ Christos Nikou, người với phim đầu tay Apples (2020) cho biết “Tôi tin là có một làn sóng phim Hy Lạp cụ thể nào cả. Tôi sẽ làm những bộ phim gần với những tác phẩm tôi yêu mến với tư cách khán giả”. Có thể trong tương lai, phim Hy Lạp sẽ không “dị” nữa, khi thế hệ đạo diễn, biên kịch mới được sống trong bối cảnh tươi sáng hơn, lạc quan hơn.

Apples (2020)
Apples (2020)
  • 24
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
46

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)