logo-maybe-vn
Mở app
K
Kmột năm trước
Reading

Điểm Đến Của Cuộc Đời - Cách chúng ta đối diện với nỗi đau

“Memento Mori - Hãy nhớ, mi sẽ chết.”

Đối diện với cái chết là một trải nghiệm khốc liệt, nhất là khi cái chết đã được dự báo từ trước và diễn ra một cách từ tốn, không hứa hẹn. Chỉ khi con người bị đẩy đến ranh giới tận cùng giữa sống - chết, họ mới bộc lộ hết buồn vui, nỗi âu lo và niềm hi vọng, sự sợ hãi hay sức mạnh vươn lên, và con người mới khao khát sống một cách "người" nhất, sống là mình nhất. Đó là những thông điệp nhân đạo mà Đặng Hoàng Giang đã gửi gắm trong Điểm Đến Của Cuộc Đời.

Dưới ngòi bút phân tích, bàn luận đầy sắc sảo và giàu tính nhân văn, Đặng Hoàng Giang tiếp tục không làm fan chân thành như tôi thất vọng với cuốn sách thứ ba này. Nếu Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can; Thiện, Ác Và Smartphone gây ấn tượng với tôi bằng tính thời sự cùng câu chữ trào phúng tinh tế thì Điểm Đến Của Cuộc Đời lại chứa đựng những câu chuyện đời thường rất đỗi cảm động và ý nghĩa. Trải nghiệm đặc biệt khi tác giả đồng hành với các bệnh nhân ung thư - những người cận tử đủ chạm tới ngóc ngách nhỏ nhất nơi tâm trí, thức tỉnh mỗi người về giá trị cuộc sống này. Bởi ai ai cũng sợ cái chết ập tới, nhưng đôi khi chính họ cũng không nhận ra bản thân đang sống một cuộc sống vô nghĩa, không mục đích, không lý tưởng

Biến đau thương thành hành động, biến nỗi mất mát thành động lực sống, đó là câu chuyện của Hà, mẹ Nam. Chị là người đã đồng hành cùng đứa con trai bệnh tật từ khi phát hiện ra bệnh cho tới những ngày tháng trước khi em qua đời. Trước những bất công của số phận, chị đã lựa chọn đón nhận với tâm thế không đòi hỏi. Bằng chứng là ngay sau khi đứa con trai qua đời, chị đã ở lại bệnh viện và tổ chức nhóm thiện nguyện cung cấp thức ăn đầy đủ cho các em bị bệnh khác, rồi dần trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần cho các bố mẹ các em.

“Người có lí do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.”

Mẹ của Liên cũng là một tấm gương mà tôi rất khâm phục trong tác phẩm này. Con gái cô cũng mắc căn bệnh ung thư quái ác, cũng ngày ngày ra vào viện, ngày ngày cởi áo soi gương và luôn lặp lại một câu hỏi thật xót xa: “Mẹ ơi, con muốn lấy chồng”. Chị chấp nhận sự vô thường, bất đắc dĩ của cuộc đời nhưng không bao giờ từ bỏ tình mẫu tử cao đẹp trong mình. Người phụ nữ ấy, quả cảm là thế, hiên ngang là thế, dám nhìn thẳng vào cái chết như con chị từng làm. Sở hữu một trái tim dũng cảm, khó khăn trước mắt có là bao. 

Trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, người ta vẫn luôn có cách sưởi ấm trái tim nhau bằng tình yêu thương chân thành. Câu chuyện về chị Vân, bệnh nhân ung thư 23 tuổi, chính là minh chứng sống cho chân lý đó. Ước muốn lớn nhất của chị là được hiến giác mạc trước khi mất. Ban đầu, gia đình chị đã phản đối quyết liệt, nhưng sau khi thấy lòng quyết tâm của chị, cùng với sự vận động nhiệt tình đến từ chính bác Đặng Hoàng Giang, họ đã chấp thuận mong muốn của chị cũng thành hiện thực. Điều cảm động nhất trong câu chuyện này là tình yêu giữa chị và chồng mình, Hoàng. Chị từng suy sụp nhiều lần trong cuộc sống hôn nhân khi nhận ra hai người luôn không hiểu tính nhau dù đã kết hôn rất lâu rồi. Thế nhưng, kể từ khi mắc bệnh, anh Hoàng đã dần thay tính đổi nết trở thành người đàn ông chu toàn, hết mình vì gia đình, khác hẳn trước kia. Cũng chính tình cảm sâu đậm của người chồng đã phần nào xoa dịu nỗi đau lòng của chị trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. 

“Người ta sẽ quên những gì bạn từng nói, người ta cũng sẽ quên những gì bạn từng làm, nhưng người ta tuyệt đối sẽ không bao giờ quên những cảm xúc mà bạn mang lại cho họ.” 

(Mary Angelou)

Quá trình đồng hành với những người cận tử cho tác giả cơ hội được "ngó vào nơi sâu thẳm nhất của con người", nhưng cũng đồng thời đẩy ông vào một cuộc hành trình cảm xúc dữ dội với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Từ đau xót, rối bời, bất lực đến hoang mang, lo sợ; rồi lạc lõng, dằn vặt. 

Điều này làm tôi nhớ tới thời Đức Phật ngày xưa, thầy thường cho các đệ tử của mình đến quán sát bên bãi tha ma. Nhìn những xác chết thối rữa đang bị ruồi bâu quạ mổ để thấu được sự vô thường mà phá tan những bám chấp về bản ngã, chấp trước rằng thân xác này là của ta, là vĩnh hằng bất biến. Với tâm thế của một người trẻ, tôi từng có lúc nghĩ rằng mình miễn nhiễm với bệnh tật và chẳng mảy may quan tâm tới cái chết. Nhưng sinh có hẹn, tử bất kì, sau nhiều năm chiêm nghiệm về cuộc sống, tôi hiểu rằng rồi mình cũng sẽ phải “chết”, phải trả lại cái thân xác tạm bợ này.

Bởi vậy, tôi mới nhận ra: Cái hữu hạn của đời người mới khiến cuộc sống đáng quý biết bao! Ta chẳng có quá nhiều ngày sống mà tiết kiệm yêu thương, sai lầm bất chấp hoặc lãng phí tuổi trẻ. Ta chẳng có quá nhiều ngày mai để làm lại, để sửa chữa, để hàn gắn. Ta chỉ có một cuộc đời. Hãy sống ý nghĩa để ngày nào đó bình thản an nhiên khi biết mình sắp lìa xa cõi đời. Lúc ấy, hữu hạn khép lại đời sống, nhưng lại mở ra vô hạn nhờ di sản một kiếp người - một kiếp người sống trọn vẹn, sống chẳng hề hối tiếc.

Và rồi, khi tôi đã vượt qua tất cả, cái còn lại chỉ còn là lòng can đảm, tôi biết rằng mình đã trưởng thành và vững vàng hơn, dám bình thản đối diện với cái chết như một phần tất yếu của sự sống. Kể cả khi căn bệnh hiểm nghèo giáng xuống. Kể cả khi hơi thở chực chờ hóa thinh không. 

ĐÁNH GIÁ: 4/5 

2/11/2022

  • 25
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
38
K
Kmột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)