logo-maybe-vn
Mở app

Có hay không khả năng bùng nổ dịch bệnh từ nấm như The Last of Us? (cụ thể là Cordyceps)

Series The Last of Us của HBO, chuyển thể dựa trên tựa game cùng tên của Naughty Dog và Sony Interactive Entertainment hiện đang làm mưa làm gió trong cộng đồng game lẫn phim. Một lần nữa, HBO không làm chúng ta thất vọng khi thực hiện thành công thêm một dự án nữa hứa hẹn góp mặt vào đại lộ danh vọng phim series cùng Game of Thrones (trừ mùa cuối ra), Westworld, Chernobyl…

The Last of Us lấy nấm làm nguồn cơn đại dịch, cụ thể là Cordyceps (mà về sau khoa học đã đặt lại tên thành Ophiocordyceps, đặt nó trong một họ nấm khác). Cơ chế sinh sôi của nấm trong bản game lẫn phim đều lấy cơ sở khoa học lẫn pha chút yếu tố hư cấu, phóng đại. Bài viết này sẽ cùng bạn phân tích khả năng những điều diễn ra trong phim có thể thành sự thật hay không, dựa trên suy luận từ những nhà nấm học (mycologist) có uy tín.

Một con Clicker trong The Last of Us
Một con Clicker trong The Last of Us

Cụ thể thì Cordyceps là gì?

Trong phim, các nhân vật đề cập nhiều đến cái tên Cordyceps, được cho là giống nấm gây nên đại dịch. Đây là chi nấm có thật ngoài đời, bao gồm 400 loài nấm khác. Tuy nhiên, chính xác thứ nấm có thể điều khiển trí não thuộc chi này là Ophiocordyceps. Năm 2020, Ophiocordyceps đã được tách ra, xếp vào một họ khác là Ophiocordycipitaceae gồm các loài nấm ký sinh. Tuy nhiên vì game và phim vẫn chỉ dùng vắn tắt Cordyceps nên khi bài viết này đề cập đến từ này, bạn hãy hiểu là Ophiocordyceps.

Một con kiến bị nhiễm Ophiocordyceps
Một con kiến bị nhiễm Ophiocordyceps

Ý tưởng dùng loại nấm này làm hiểm họa bắt nguồn từ một tập phim trong Planet Earth do Sir. David Attenborough dẫn chuyện. Trong tập “Jungles” khắc họa cách Ophiocordyceps nảy mầm trong vật chủ là một con kiến, hủy hoại toàn bộ cơ thể nó nhưng chừa phần não ra để điều khiển. Lúc này con kiến trở thành “zombie” với phần não do nấm điều khiển. Chúng sẽ bị dẫn ra khỏi đàn để tránh bị phát hiện, nấm sau đó sẽ phát triển khắp người con kiến đến giai đoạn cuối cùng là bắn bào tử. Bào tử nấm lửng lơ trong không khí bay đến tổ kiến hoặc lây lan vào những con kiến đi ngang qua, tiếp tục chu kỳ sinh sôi.

Khả năng Ophiocordyceps lây nhiễm sang người

Theo như The Last of Us, đại dịch xảy ra do Cordyceps đột biến trong môi trường. Bản series mở đầu rất hấp dẫn, các nhà khoa học bàn luận về khả năng lây nhiễm nấm ở người trong một talkshow. Trong đó, một vị giáo sư đã xác nhận rằng nhiệt độ cơ thể người quá nóng để nấm phát triển, thế nhưng, sẽ ra sao nếu Trái Đất ấm lên một chút khiến nấm đột biến để thích nghi theo? Đó là đoạn intro kỳ tài vì nó nhẹ nhàng luồn một nỗi sợ (nghe có vẻ) thực tế vào chúng ta. 

Giai đoạn cuối nhiễm bệnh, vật chủ bị phá hủy hoàn toàn và nấm giải phóng bào tử
Giai đoạn cuối nhiễm bệnh, vật chủ bị phá hủy hoàn toàn và nấm giải phóng bào tử

Thế nhưng thực tế thì như thế nào? The Last of Us kết hợp nhuần nhuyễn giữa hoa học và hư cấu để tạo nên đại dịch có thể xảy ra, nhưng sẽ cần biến số cực kỳ bất thường. Theo nhà nấm học João Araújo,  Ophiocordyceps thật ra chỉ tấn công kiến, mà lại còn là vài loài kiến cụ thể thôi. Nên để nó chuyển sang vật chủ là thú có vú, rồi con người thì sẽ cần rất nhiều thay đổi, có thể sẽ mất hàng triệu hàng triệu năm nữa để điều đó xảy ra. Để quá trình hàng triệu năm chậm chạp ấy tăng tốc lên vài chục năm như trong phim, có lẽ cần một biến số bất thường phi tự nhiên nào đó chăng?

Giáo sư đại học Duke chuyên ngành bệnh truyền nhiễm Ilan Schwartz cũng có lập luận tương tự, nhưng nhấn mạnh là nó có thể xảy ra, có điều sẽ rất chậm. Theo logic tiến hóa thì một loài nấm không tự dưng nhảy từ vật chủ này sang vật chủ khác chỉ sau một đêm hoặc vài chục năm.

Môi trường lý tưởng cho Cordyceps sinh sôi

Trong bản game, Cordyceps thâm nhập vào con người qua thực phẩm từ những cánh đồng nhiễm bệnh. Trong series, loài nấm này được cho là bắt nguồn từ nhà máy sản xuất bột mì, nguyên liệu để làm bánh. Con người ăn bánh kem, bánh quy và nhiễm bệnh từ đó. Điều này lý giải vì sao cha con Joel không nhiễm bệnh, do ngày hôm đó Joel không mua bánh sinh nhật.

Cũng theo João Araújo, khả năng Cordyceps sinh sôi trong bột mì cũng không cao vì chúng cần môi trường ẩm, trong khi bột mì thì quá khô. Cơ mà nếu không phải Cordyceps thì loài nấm khác vẫn có thể giết người bằng bánh mì. Bằng chứng là vào thời trung cổ, 10,000 người đã chết vì bệnh St. Anthony's Fire, gây ra bởi lúa mạch đen nhiễm nấm Claviceps purpurea. Một trường hợp khác năm 1928 tại Manchester, 200 người mắc bệnh cũng do nấm trong bánh mì đen. Năm 1951, cả một thị trấn ở Pháp bị ngộ độc do bánh mì tại cơ sở địa phương. (nguồn: Vulture)

Bức họa có thể miêu tả những người sống sót sau  St. Anthony's Fire của họa sĩ Pieter Bruegel  ...
Bức họa có thể miêu tả những người sống sót sau St. Anthony's Fire của họa sĩ Pieter Bruegel ...

Nấm có lây nhiễm qua đường cắn không?

Trong bản game, Cordyceps lây lan bằng đường cắn lẫn bào tử - vốn có thể ngăn ngừa bằng cách đeo mặt nạ. Bản series đã loại bỏ bớt yếu tố bào tử. Câu hỏi đặt ra là, liệu ngoài đời tỷ như có dịch bệnh từ nấm, thì có thể khiến lây lan bằng vết cắn không? Theo giáo sư Schwartz, câu trả lời là có thể, hình thức phân phát bào tử này không hiếm trong tự nhiên. Đơn cử là Sporothrix brasiliensis, một loài nấm tồn tại ở thể nấm mốc và nấm men. Chúng lây lan qua đường hít bào tử lẫn vết cắt, cào từ mèo. Thứ này gây hàng ngàn ca nhiễm trùng hằng năm tại Brazil. Thử tưởng tượng bằng cách nào đó một con mèo mang Sporothrix brasiliensis vượt khỏi biên giới và lây lan nấm cho mèo khắp Nam Mỹ, đến tận Bắc Mỹ xem? Thật may vì giống nấm này không điều khiển được tâm trí.

Mèo nhiễm nấm Sporothrix brasiliensis
Mèo nhiễm nấm Sporothrix brasiliensis

Có thể ngăn chặn dịch bệnh từ nấm bằng cách…đánh bom?

The Last of Us của HBO dẫn ra một giải pháp khá u ám tại thành phố đầu tiên nhiễm Cordyceps, trong đó chuyên gia về nấm khi được hỏi về phương cách ngăn chặn dịch bệnh, bà tuyệt vọng cho rằng chỉ có đánh bom thành phố này cùng những con người trong đó họa may mới ngăn được nguy cơ lây lan. Series cũng nhấn mạnh rằng không có phương thuốc hay vaccines nào có thể ngăn được nấm.

Điều này đúng một phần. Thứ nhất, hiện tại đã có nhiều cách chữa trị các bệnh về nấm thông thường như nấm ngoài da, gàu, nấm men… nên nói không thể trị được nấm là sai. Tuy nhiên, đúng thật là đa số các chủng nấm khác rất khó trị, thậm chí loại nấm phổ biến nhất như nấm da đầu bạn cũng biết là rất khó dứt đúng không? Khoa học vẫn luôn miệt mài nghiên cứu cách loại bỏ nấm mà không hại vật chủ. Đánh bom có lẽ là giải pháp cực đoan cuối cùng.

Nói về thuốc chữa, tình hình hiện tại khá đáng sợ. Theo nhà vi trùng học Arturo Casadevall, do chưa mấy ai dấy lên quan ngại về nấm nên có rất ít nghiên cứu về thuốc trị nấm hoặc vaccines. Thế nên, tỷ như có một đại dịch nấm như trong phim đi, thì quả thực sẽ không có thuốc trị ngay lúc đó đâu.

Lời kết

Vậy khả năng về một hiểm họa đại dịch nấm trong tương lai gần là bất khả, nhưng ở một tương lai xa, dù là triệu năm nữa, khả năng ấy không phải thấp. Nếu là tiến hóa tự nhiên thì chúng ta vẫn còn nhiều thời gian. Hãy cầu nguyện rằng con người không quá táy máy, hứng chí lên phát triển Ophiocordyceps làm vũ khí sinh học, thì sẽ khó có một The Last of Us hiện thực.

  • 43
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
51

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)