
“Nàng Geum-ja thánh thiện”: Mãi là biểu tượng kinh điển cho sắc thái nữ của sự trả thù
Nhân dịp The Glory gây sốt với hành trình báo thù đậm tính nữ tinh tế, quyến rũ mà cũng không kém phần lạnh lùng và cay nghiệt, những khán giả yêu điện ảnh Hàn trong một khắc có lẽ đều bất giác nhớ đến Sympathy For Lady Vengeance – tác phẩm ra đời cách đây 18 năm đã là minh chứng đanh thép cho sự trả thù không khoan nhượng của phái nữ.
Được xem như phần kết mỹ mãn cho bộ ba báo thù đình đám của quái kiệt Park Chan Wook, Lady Vengeance xoay quanh Lee Geum-ja (Lee Young-ae), người phụ nữ đã bị kết tội bắt cóc và sát hại một đứa trẻ trong oan uổng, và cũng là kẻ đã kiên nhẫn chờ đợi trong tù suốt 13 năm cho một kế hoạch đền tội đích đáng. Trong tù, cô được biết đến với danh xưng “Geum-ja thánh thiện” bởi tính tình rất mực ôn hoà và tốt bụng, đồng thời có thể tập hợp nhiều đồng minh nhất có thể cho hành trình trả thù sau này. Sau khi được thả, Geum-ja với sự chuẩn bị tỉ mỉ từng ấy năm trời nhanh chóng tiến gần mục tiêu, nhưng đó cũng là lúc cô dần thấu suốt hết thảy sự mục ruỗng trong mình…
Trong phần phim cuối cùng, Park Chan Wook tập trung hoàn toàn vào một nhân vật nữ và tạo ra sự kết hợp độc đáo giữa hài đen, châm biếm báng bổ, bạo lực cực độ và đôi khi là chủ nghĩa nhân văn giải phóng, chủ yếu được miêu tả trong phân cảnh báo thù tập thể. Việc một số người bình thường có thể trở thành những kẻ giết người tàn bạo phần nào thể hiện thông điệp của Park, rằng đôi khi, trả thù bằng bạo lực là cách duy nhất để thanh tẩy thực sự. Để củng cố cho quan điểm này, Park tô vẽ cho nhân vật phản diện bằng những nét bút ghê tởm và đáng khinh nhất, đến mức bất kỳ hành động dã man nào chống lại gã đều được coi là xứng đáng, thậm chí công bằng.
Quay trở lại với nữ chính của chúng ta, nếu để dùng hai gam màu đặc trưng cho cuộc đời Geum-ja, mình sẽ lựa chọn sắc đỏ và trắng. Đầu tiên với phân cảnh ra tù, tại cổng là một cha đạo mang đến cho cô đĩa đậu hũ trắng muốt – một nghi thức chuộc tội và quay lại với đời thường, thế nhưng cô đã chẳng ngần ngại hất tung nó xuống đất, như thể cô không cần bất kỳ sự khoan dung nào và đã sẵn sàng để nhấn chìm bản thân vào đêm đen thăm thẳm, hoặc đi đến tận cùng của địa ngục. Đúng như vậy, ngay sau đó không còn là Geum-ja ngoan ngoãn và tử tế với các bạn tù nữa, trước mắt chỉ có người đàn bà đôi môi tô son đỏ, cặp mắt viền đỏ với ánh nhìn sắc lạnh ngự trị trên gương mặt cứng rắn và tàn nhẫn hơn bao giờ hết. Sắc đỏ mạnh mẽ cũng thường xuyên hiện diện trong những không gian có mặt nàng, tựa hồ một quyết tâm sắt đá “nợ máu trả máu”, “gây thương tích nào đến thương tích ấy” kể cả khi phía cuối con đường có là sự lụi tàn không thể tránh khỏi. Vậy mà dù lúc lôi kéo tòng phạm nhúng chàm cùng mình hay ra tay trừng phạt kẻ thủ ác đều không chút dao động là thế, sau cuối Geum-ja vẫn phải thẳng thắn đối diện rằng sâu trong cô thực chất luôn khao khát được cứu rỗi: khoảnh khắc nàng cầm trên tay chiếc bánh trắng tinh và điên cuồng vùi mặt vào nó đã nói lên tất cả. Trong một thoáng mình đã tự hỏi liệu có bao giờ Geum-ja hối hận về những lựa chọn của mình hay không, phần nhiều là không nhưng… mong ước được trong sạch trở lại của nàng, hệt như cái màu trắng tinh khôi không chút vấy bẩn ấy vẫn gợi lên những thanh âm day dứt khó tả…
Nghe thật hoang đường, nhưng đôi khi báo thù đâu chỉ có đắng cay và chua chát, mà dường như còn ẩn chứa cảm giác ngọt ngào điên dại kích thích mọi tế bào – thứ khoái cảm mà những ai đang phải gánh chịu bất công hay đau thương tột độ, nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ bị sa lầy vào hố sâu tội lỗi đến không thể quay đầu…
- 46
- 1Bình luận