logo-maybe-vn
Mở app
Trang Trang Thu
Trang Trang Thumột năm trước
Movie

THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI LỚN TUỔI CÓ NHỮNG GÌ? CÙNG TÌM HIỂU QUA LIST PHIM DƯỚI ĐÂY NHÉ!

Trong vài năm trở lại đây, những bộ phim với nhân vật trung tâm là người cao tuổi nhận được sự quan tâm từ phía khán giả. Nhiều bạn trẻ chia sẻ lại, thay vì các phim tình cảm lãng mạn hay hình sự, giật gân đơn thuần, giờ đây họ tìm đến những bộ phim có chiều sâu về cảm xúc, nhất là những thước phim về người già / người lớn tuổi. Một phần quan trọng không kém nữa chính là nhờ năng lực diễn xuất của các diễn viên gạo cội, thường những diễn viên lớn tuổi họ có cách diễn chân thật và nhập vai tròn trịa hơn hẳn lớp trẻ 1 bậc.

Không giống những bộ phim trước đây thường tập trung khai thác khó khăn trong cuộc sống của người già, cũng như nhắn nhủ con cháu phải chăm sóc ông bà cha mẹ, nhiều tác phẩm đặt người cao tuổi vào vị trí trung tâm. Họ được mô tả như những cá nhân độc lập, có tiếng nói riêng, thay vì chỉ là một phần của hậu cảnh. Cùng khám phá thế giới của người lớn tuổi qua những thước phim dưới đây nhé!

1. THE LIGHT IN YOUR EYES/DAZZLING

Plot twist bất ngờ và gây đau lòng nhất của Dazzling chính là sự ngược lại của tất cả nội dung mà khán giả vẫn đinh ninh từ trước tới nay. Ngay từ đầu, nữ chính Kim Hye Ja không hề có khả năng du hành thời gian mà bản thân vốn đã là bà lão 70 tuổi bị mắc chứng Alzheimer khiến trí nhớ suy giảm. Tất cả những hình ảnh của Kim Hye Ja 25 tuổi và Lee Joon Ha chỉ là tưởng tượng mô phỏng theo kí ức của bà về một thời tuổi trẻ. Dazzling từ một câu chuyện kì ảo biến thành một chuyện hiện thực đau lòng như thế, khiến khán giả vô cùng bất ngờ và nhận ra thật nhiều điều. Căn bệnh của Kim Hye Ja bất cứ người cao tuổi nào cũng có thể mắc phải, điều này khiến phim trở nên hợp lý và mang tính thông điệp cao.

Tên phim có thể hiểu là “Ánh sáng trong mắt bạn”/ “Đôi mắt rực rỡ”: Có lẽ bộ phim nói về những khoảnh khắc mà bạn nhớ đến con trai, con dâu, con gái làm tan nát trái tim bạn, đôi mắt rạng ngời ấy thật đẹp, nói đến khoảng thời gian rực rỡ trong tuổi trẻ của bạn. Một câu chuyện lấp lánh về những người cần tỏa sáng.

Không ai mong muốn mình bị già đi, đầu gối đau nhức, chỉ đi có một đoạn thôi cũng phải ngồi xuống nghỉ lấy sức, đầu óc không còn minh mẫn, nhưng tuổi già cứ thế mà ập đến thôi, và mình thì rồi cũng phải chấp nhận điều đó. Một chi tiết khiến mình ấn tượng, nằm ở tính cách thẳng thắn của Kim Hye Ja. Khi bị người trẻ chỉ trỏ vì ở cái tuổi gần đất xa trời mà còn đến thẩm mỹ viện, bà thẳng thắn chỉ trích và yêu cầu lấy một lời xin lỗi, đâu phải chỉ có người trẻ thì mới được quyền làm đẹp, dù có già yếu thì cũng có quyền đó chứ, ai cũng muốn bản thân mình xinh đẹp mà.

Tuổi càng cao, người ta càng dễ cảm thấy cô đơn, cho nên những người cao tuổi trong Dazzling thường đến một trung tâm chăm sóc đặc biệt để được gặp bè bạn, cùng ca hát và sinh hoạt. Nhiều người trong số họ dẫu tuổi đã cao nhưng vẫn rất lạc quan, một số thì mang trong lòng nỗi đau không được con cái quan tâm chăm sóc. Mỗi người một câu chuyện, cùng nhau, họ cho khán giả những cảm giác chân thật và buộc ta đặt mình vào vị trí của những người lớn tuổi để mà suy ngẫm về trách nhiệm của bản thân.

Phim đề cập gián tiếp tới sự vô tâm của con cái đối với cha mẹ. Họ tin rằng để bố mẹ đến hội quán là an toàn và yên phận, không tìm hiểu kĩ càng về nơi đó nhưng vẫn để cho bố mẹ mình đi, để bỏ bớt gánh nặng, rồi để cho những người già không còn minh mẫn bị dụ dỗ mua thực phẩm chức năng, bảo hiểm.

2. AN OLD LADY

Nữ diễn viên Ye Su Jeong vào vai Hyo Jung - người phụ nữ cao tuổi tìm cách chứng minh mình là nạn nhân của một tội ác tình dục. Khi tới bệnh viện trị bệnh, bà đã bị một nam y tá 29 tuổi cưỡng hiếp. Bà nói với Dong In (Ki Joo Bong), người sống chung cùng mình và báo cảnh sát. Tuy nhiên, khi xét về độ tuổi của bà và việc nam điều dưỡng kia mới ở ngưỡng tuổi đôi mươi, viên cảnh sát phụ trách không xem xét vụ việc này một cách nghiêm túc. Thậm chí người điều dưỡng đó còn tuyên bố rằng mối quan hệ đó xảy ra do sự đồng thuận, Hyo Jung và Dong In trở nên điên cuồng phẫn nộ. Sau một vài ngày, cảnh sát từ chối lệnh bắt giữ. Dong In đã lập kế hoạch riêng cho Hyo Jung.

Phim khép lại với cái kết mở. Lim Sun Ae, tác giả của bộ phim, cho biết cái kết là cách để cô thể hiện thông điệp: “Cuộc sống vẫn tiếp diễn dù người ta đã ở bên kia con dốc cuộc đời”.

“Bộ phim không nói về cách người ta phải kính trọng hay quan tâm chăm sóc người già, mà tập trung vào chuyến hành trình hai người cao tuổi nhận ra phẩm giá của bản thân và giúp đỡ lẫn nhau”, đạo diễn Sun Ae chia sẻ tại sự kiện họp báo tổ chức hồi trước khi An Old Lady được phát hành.

Nữ diễn viên Ye Su Jeong chia sẻ bà quyết định tham gia An Old Lady bởi phim không xây dựng người cao tuổi như một nhóm yếu thế trong cơ cấu dân số với những định kiến chung chung. Thay vào đó, cuộc sống của họ trên phim được khám phá như một con người độc lập với những màu sắc độc đáo riêng.

“Cũng như bao người trẻ tuổi khác, người già chúng tôi có những suy nghĩ riêng và đời sống độc đáo”, bà Su Jeong phát biểu tại sự kiện ra mắt phim, đồng thời nhấn mạnh việc cần có thêm nhiều tác phẩm mô tả cuộc sống của người cao tuổi theo những cách khác nhau. Khán giả xem phim cũng có những cảm nhận tương tự: “Thưởng thức bộ phim, tôi nhận ra độ tuổi của nhân vật Hyo Jung không hề quan trọng. Khi Hyo Jung đã quyết tự lực tự cường, không ai, hay bất cứ điều gì có thể ngăn cản bà ấy bảo vệ phẩm giá của mình”.

Phim đã chiến thắng giải thưởng KNN Award - Giải thưởng do khán giả bình chọn trong hạng mục New Currents của Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019.

3. ĐIỀU BA MẸ KHÔNG KỂ

Bộ phim là câu chuyện về vợ chồng già Cho Nam Bong và Lee Mae Ja. Họ cùng mắc căn bệnh mất trí nhớ. Sau 45 năm chung sống, họ nhận ra thời gian đã khiến mình dần quên vài thứ, trong đó có những ký ức thanh xuân tươi đẹp. Vào những ngày cuối đời, họ cùng nhau tạo nên những kỷ niệm mới và tô đậm tình yêu của mình.

Đạo diễn Lee Chang-geun chọn cách khai triển câu chuyện chậm rãi. Ở phần đầu, anh dành nhiều thời gian mô tả cuộc sống gia đình Jo với loạt cảnh về vai trò, tính cách từng người. Khi khán giả quen nhịp sinh hoạt này, đạo diễn phá vỡ nó bằng cách giới thiệu căn bệnh. Tác phẩm vẫn giữ nhịp điệu chậm về sau, ở nhiều đoạn mang phong cách slice of life (lát cắt cuộc sống), tập trung vào các mẩu chuyện đời thường hơn tiến triển chặt chẽ đường dây kịch bản.

Thông điệp phim thể hiện rõ từ trailer. Khi đến lúc cuối đời, con người mới kịp dừng lại và nhớ về câu hỏi "Ước mơ của anh là gì vậy?" và chúng ta đã thực hiện được ước mơ? Sau tất cả, chúng ta vẫn ở bên nhau và cùng viết tiếp những ký ức tươi đẹp bằng sức mạnh của tình yêu.

Điều ba mẹ không kể chưa hẳn là một bộ phim xuất sắc nhưng tác phẩm có nhiều khoảnh khắc để lại ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Những giây phút vợ chồng Nam Bong và Mae Ja hành động như trẻ con, nụ cười âu yếm họ dành cho nhau lúc tuổi xế chiều,... chứa đựng thông điệp nhân văn về mối quan hệ gia đình, con người. Bộ phim còn là hiện thực cuộc sống mà những người lớn tuổi sắp phải đối mặt - căn bệnh mất trí nhớ, khiến con người dần cảm thấy chính "cái tôi" của mình đang tan rã. Những trải nghiệm giúp định nghĩa con người nhưng sẽ ra sao nếu họ dần quên đi hoặc không còn nhớ chính xác chúng? Điều ba mẹ không kể mang lại sự thật khắc nghiệt nhưng cũng chỉ ra được cách đối phó với căn bệnh này. Chính tình yêu thương, tình cảm gia đình là liều thuốc tinh thần chữa lành mọi vết thương.

4. DEAR MY FRIEND

Dear My Friends được tvN lựa chọn làm dự án phim kỉ niệm 10 năm thành lập đài cáp tên tuổi của Hàn Quốc. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của những con người ở độ tuổi trung niên, mỗi người mang một câu chuyện của riêng mình, chẳng ai giống ai. Những mẩu chuyện của họ được kể lại dưới ngòi bút của Park Wan (Go Hyun Jung), một dịch giả đã sắp sửa sang tuổi 40 nhưng vẫn chưa lập gia đình, con gái của một người phụ nữ từng bị chồng phản bội. Park Wan thường chở mẹ mình và những người bạn của bà tới buổi họp lớp. Mỗi năm, buổi họp lớp lại một vắng, bởi người già là như thế, "mỗi lần họp lớp là lại có đám tang".

Đó là câu chuyện về một bà góa sống với nỗi ám ảnh rằng chồng mình chết trong tủ quần áo, một bà lão khác thì lại chọn cuộc sống phục vụ chồng con "như trâu như ngựa" chỉ vì một lời hứa của chồng rằng sẽ cho bà đi du lịch khắp thế giới khi ông về hưu. Đó cũng là câu chuyện về một người mẹ thường xuyên mâu thuẫn với cô con gái lớn tuổi chưa chồng; chuyện về một người phụ nữ luống tuổi sống cô đơn và chiến đấu với bệnh ung thư; một người phụ nữ khác lại quyết tâm lựa chọn cuộc sống độc thân cho đến khi khuất bóng,...

Rất nhiều câu chuyện nhỏ như thế về những phận người, phận đời đan xen trong Dear My Friends và nó chân thực một cách kinh ngạc. Người xem trẻ tuổi đến với bộ phim như đến với một thế giới trong gương phản chiếu đời sống của thế hệ ông, bà mình, những người già chật vật sống và cố gắng giao tiếp với cuộc đời, với thế hệ trẻ.

Nghĩ đến tuổi già, chúng ta thường cảm thấy thật đáng sợ như vậy. Câu chuyện của những người già trong Dear My Friends không giúp khán giả hoàn toàn tránh khỏi cảm giác sợ hãi về một mai mình ra đi, nhưng lại được thể hiện rất khéo để giảm bớt nỗi lo âu và thay vào đó là mang lại sự lạc quan, tự tin cần thiết. Người xem lâu lâu lại được phen rợn người khi nghe các nhân vật nói về cái chết một cách đầy thản nhiên, nhưng cũng không ít lần bị chinh phục bởi sự mạnh mẽ, độc lập của những ông bố, bà mẹ đã trải đủ mọi chuyện trên đời.

Sau tất cả, bộ phim chạm tới trái tim của khán giả bởi bức thông điệp yêu thương lan tỏa trong những thước phim. Hãy yêu thương cha mẹ bạn khi còn có thể. Hãy sống chậm lại một phút trong quỹ thời gian mỗi ngày để lắng nghe họ và quan tâm đến họ, sẻ chia cùng họ, bởi với những người già, chẳng ai biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Họ có thể ra đi trong lúc đang ngủ, hay nói lời giã từ trong một cơn đột quỵ tức thì, hoặc cũng có thể là chứng mất trí nhớ ập đến, khi họ dần lãng quên tất cả.

Nam diễn viên Lee Kwang Soo đã từng chia sẻ thế này khi anh đóng vai khách mời là con trai của một bà lão trong phim: "Khi diễn cảnh tôi nổi giận và hét lên với mẹ nhưng sau đó cũng lại ôm bà trong vòng tay mình, tôi cứ nghĩ mãi tới cha mẹ tôi. Tôi hối hận vì đã không làm những việc đó với họ. Tôi cảm thấy như mình đang nhìn vào chính bản thân mình vậy. Tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt biết bao nếu như các bậc cha mẹ và con cái cùng nhau xem bộ phim này. Họ sẽ không bao giờ phải hối tiếc".

5. THE WAY HOME

Bộ phim được Lee Jeong-hyang viết kịch bản và sản xuất, dựa trên những hồi ức về bà ngoại mình. Ngoài vai cậu bé Sang Woo (do Yoo Seung Ho đảm nhận), những diễn viên trong phim đều được tuyển từ những cư dân của một ngôi làng hẻo lánh tại Youngdong, tỉnh Bắc Chungcheong, Hàn Quốc.

Theo dõi những hành động của bà đối với Sang Woo, cảm thấy dường như đi đến đoạn cuối cuộc đời, tình yêu thương của bà đều được gom góp lại để trao cho đứa cháu yêu dấu. Và để đáp lại tình yêu thương ấy, cậu bé Sang Woo hôm qua còn cau có, nay đã biết chăm bà ốm, dọn bữa cho bà, rút áo quần khi trời đổ mưa, dạy bà viết chữ, tặng cả món đồ chơi yêu thích nhất của mình cho bà,... Những chi tiết nhỏ nhặt ấy, được đạo diễn Lee Jeong-hyang khéo léo sắp đặt trong bộ phim, khiến chúng dệt thành bức tranh đẹp về tình thân giản đơn, tình thân có thể cảm hoá mọi thứ.

Trong đoạn cuối của The way home, hình ảnh người bà còng lưng đi bộ trên con đường dốc, loanh quanh trở về nhà, là khoảnh khắc chất chứa nhiều day dứt, xót xa. Những đứa con lớn lên và ra đi. Những người già ở lại, thu xếp đời mình từng ngày, cô đơn, và trôi dần về với cát bụi. Sau 20 năm, xem lại tôi vẫn khóc như lần đầu.

6. NHỮNG CÂU CHUYỆN TRONG HOMETOWN CHA-CHA-CHA VÀ OUR BLUES

“Người bà quốc dân” Gam Ri trong Hometown Cha-cha-cha là người lớn tuổi nhất phim, sống một mình ở vùng quê Gongjin mặc dù có con trai đang làm việc ở Seoul. Cứ mỗi khi quay tới bà Gam Ri là người xem thấy được sự lo lắng của bà cho người con của mình. Bà lặn lội mang cua ngâm tự mình làm lên Seoul cho con trai nhưng lại không thể gặp được con.

Hay già làng Kang Ok Dong - một người phụ nữ kiệm lời, có nhiều hiểu nhầm với con trai của mình. Bên ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng bà lại rất lo lắng và quan tâm cho con của mình.

Họ đã dành cả cuộc đời của mình để lo cho con cái, mong cho con có một tương lai sáng thoát khỏi vùng quê nghèo. Những người mẹ già còn giấu cả bệnh tật của mình với con cái vì sợ chúng lo lắng và tốn kém. Bà Gam Ri cắn răng chịu đau và nghĩ rằng mình chính là áp lực cho con trai. Bà cụ Kang Ok Dong với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đang lây lan vô cùng nguy hiểm nhưng cũng chẳng nửa lời nói với con trai mình.

Những người mẹ gia đơn độc ấy cứ cho đi mà chẳng một lần mong chờ sự báo đáp. Họ sống lặng lẽ với nỗi cô đơn, chờ thời gian qua đi, và đón nhận cái chết đến gần.

7. MY LOVE, DON’T CROSS THAT RIVER

My Love, Don’t Cross That River (Người yêu ơi, đừng băng qua sông) là phim tài liệu dài 85 phút của đạo diễn Jin Mo Young, kể về cuộc sống lãng mạn có thực của vợ chồng ông Jo Byeong Man (98 tuổi) và bà Kang Gye Yeol (89 tuổi).

"My Lover, Don’t Cross That River" trở thành hiện tượng điện ảnh dịp cuối năm 2014 ở Hàn Quốc. Cuộc sống giản dị nhưng đầy ắp tình yêu thương như cặp chim rừng của họ trôi qua như thế được 75 năm. Bộ phim đã lấy đi nước mắt của người dân Hàn Quốc cũng như quốc tế bởi sự chân thành, xúc động của tình cảm vợ chồng. Nhiều nhà bình luận đánh giá phim đã dùng từ “phi thường” để miêu tả câu chuyện tình yêu trọn vẹn của ông bà, bởi lẽ có ít ai đã yêu đến chừng ấy tháng năm vẫn còn có thể cho nhau những điều ngọt ngào nhỏ bé, trọn vẹn ấm áp. Hai cụ chưa từng cãi nhau, vì họ nhận ra chẳng còn nhiều thời gian dành cho nhau và vì thế họ cố gắng yêu thương và trân trọng nhau nhất có thể.

Tên phim lấy cảm hứng từ cảnh cuối, khi bà Gye Yeol ngồi bên bờ suối và màn hình chạy lên câu thoại như lời hát dân ca: “Người yêu của em, đừng bỏ lại em một mình. Đừng băng qua con sông mà không có em theo cùng”.

  • 27
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
29
Trang Trang Thu
Trang Trang Thumột năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)