logo-maybe-vn
Mở app

Cure (1997) - Khai phá ám ảnh đen tối trong tâm trí con người

Năm 1996, đạo diễn Kiyoshi Kurosawa can đảm làm một bộ phim về tiềm thức con người, một chủ đề khó nhai mà nếu có ai khác thực hiện, thì chắc chỉ dám qua loa đại khái bởi tiềm thức vốn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn phức tạp. Cure (1977) là phim thriller Nhật gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn lẫn khán giả quốc tế và đến tận bây giờ người ta vẫn còn bàn luận về nó.

Cure nói về thanh tra Takabe đang phải điều tra một loạt vụ án kỳ lạ trong thành phố. Tất cả nạn nhân đều bị rạch một dấu X lớn từ cổ xuống ngực, thủ phạm là những người khác nhau, bị bắt ngay tại hiện trường nhưng không ai nhớ mình đã gây án, cũng không có động cơ rõ ràng với nạn nhân. Song song đó, Takabe phải chăm sóc người vợ bị mất trí nhớ nghiêm trọng, gánh nặng cuộc sống đè lên vai anh gấp đôi.

Cộng sự của Takabe, bác sĩ tâm thần Sakuma có một nhận xét quan trọng, đó là đôi khi các vụ án “chỉ xảy ra” thôi, không có ý nghĩa gì đằng sau nó, kể cả đối với thủ phạm. Takabe phản đối điều này nhưng những gì diễn ra sau đó phần nào chứng minh lời Sakuma đúng. Trong Cure, những cảnh gây án diễn ra rất đơn giản, thậm chí không sử dụng âm nhạc, căng thẳng, hay bất ngờ. Ví dụ cảnh người cảnh sát bắn chết đồng nghiệp, nó diễn ra sau khi cả hai vừa trao đổi công việc bình thường, cùng bước ra đổ rác, trời nắng đẹp. Thủ phạm chỉ đơn giản rút súng ra và bắn vào đầu nạn nhân, khung hình vẫn giữ nguyên, không zoom, không cắt cúp. Sự việc chỉ diễn ra như vậy thôi.

Không đồng tình với Sakuma, Takabe tự mình tìm hiểu và tính đến khả năng thôi miên. Đầu dây mối nhợ dẫn anh đến nghi phạm Mamiya, cựu sinh viên ngành tâm lý học có khả năng thôi miên thiên tài. Mamiya dường như cũng mất trí nhớ ngắn hạn như vợ Takabe và không có ký ức gì về bản thân. Trong quá trình tiếp xúc với Mamiya, Takabe cũng dần bị thao túng. Bắt đầu từ đây, người xem sẽ không biết có nên tin vào những gì diễn ra trước mắt hay không.

Tuy là phim điều tra tâm lý giật gân, Cure không đi theo lối mòn “Ai là kẻ gây án?” hay “Ai chịu trách nhiệm cho những việc này?”, thay vào đó, phim hướng tới câu hỏi rộng hơn về góc khuất trong mỗi con người, vốn bị kìm nén và không được giải tỏa lành mạnh. Nếu để ý bạn sẽ thấy ẩn ý này ở đầu phim khi Takabe đi lấy đồ giặt và đứng cạnh một nhân viên văn phòng đang lẩm bẩm một mình đầy giận dữ về một chuyện trong công ty, nhưng khi nhân viên tiệm bước ra, ông trở lại như cũ. Tiếp theo đó là viên cảnh sát bất mãn vì không được thăng chức, nữ bác sĩ bị kỳ thị giới tính, hay Takabe với nỗi oán giận với cuộc sống cùng người vợ mất trí nhớ. Mamiya với thuật thôi miên chính là thuốc chữa (cure) cho họ, mặc dù theo cách không tưởng.

Sakuma từng nói rằng thuật thôi miên không thể sai khiến một người làm ngược lại tiêu chuẩn đạo đức của họ. Một người cho rằng giết người là tội ác thì không thể nào thực hiện hành vi đó cho dù bị thôi miên. Thế nhưng, từng người tiếp xúc với Mamiya đều đã gây án. Điều này thật đáng sợ vì có lẽ, sâu thẳm trong những nhân vật ấy, hay kể cả chúng ta, đều đang ẩn chứa khao khát bạo lực vốn bị dìm sâu bởi bài học đạo đức và tiêu chuẩn xã hội. Đáng sợ hơn nữa là cảnh Takabe và ảo giác nhìn thấy vợ mình tự sát, đó là nỗi sợ của anh hay là khao khát đen tối nhất? 

Cure (1997) có tiết tấu rất chậm (slow burn) nhưng từng chi tiết nhỏ sẽ len lỏi vào đầu óc khán giả, khiến chúng ta cũng như bị thôi miên. Đến nay, Cure vẫn là tuyệt tác xếp vào hàng kinh điển, đưa điện ảnh kinh dị Nhật ra thị trường quốc tế cũng như kích thích thị trường làm phim nội địa sáng tạo ra hàng loạt tác phẩm đình đám từ đầu TK21.

  • 49
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
20

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)