logo-maybe-vn
Mở app
Hoài Trinh
Hoài Trinhmột năm trước
Movie

Lớp 3A, Từ Giờ Các Em Là Con Tin Của Tôi: Câu chuyện đáng suy ngẫm về những đứa trẻ lớn lên trong thời đại công nghệ

Là khám phá đầu tiên của mình với trinh thám Nhật, Lớp 3A – Từ Giờ Các Em Là Con Tin Của Tôi (Class 3A: From Now On, You Are Hostages, Mr. Hiiragi's Homeroom) có thể xem là trải nghiệm “đáng đồng tiền bát gạo” bởi ngoài khía cạnh hình sự giật gân thông thường, mình thật sự bị choáng ngợp bởi những thông điệp không mới nhưng được truyền tải rất đỗi sâu sắc của phim.

Trong khi chỉ còn 10 ngày nữa là diễn ra lễ tốt nghiệp, thầy giáo chủ nhiệm vốn hiền lành trầm tính Hiiragi Ibuki bất ngờ thực hiện vụ bắt cóc chấn động: 29 học sinh lớp 3A trở thành con tin ngay trong chính phòng học quen thuộc hằng ngày của chúng. Giữa bầu không khí đầy hoang mang và lo sợ ấy, thầy Hiiragi mới thong thả tiết lộ mục đích của việc làm điên rồ này không gì khác ngoài tìm ra chân tướng về cái chết của Kageyama Reina, cô bạn cùng lớp là ngôi sao bơi lội đã tự tử vài tháng trước. Cứ như thế mỗi ngày, thầy lại chia sẻ một manh mối và yêu cầu chúng đưa ra câu trả lời chính xác vào lúc 8 giờ tối, nếu thất bại thì sẽ lấy đi mạng sống của bất kỳ ai trong số họ. Song song với các diễn biến nghẹt thở trong lớp, cuộc điều tra ráo riết của cảnh sát lẫn những phản ứng khác nhau của toàn xã hội mang đến nhiều sắc thái đa chiều khi bi kịch dần được bóc tách.

Về mặt trinh thám, phim duy trì được nhịp độ khá hấp dẫn xuyên suốt, đan xen những tiến triển ở hiện tại là các mảnh ghép từ quá khứ theo dòng hồi tưởng, từng chút đưa khán giả đến gần hơn sự thật về cái chết thương tâm của Reina trong khi không ngừng lột trần bản chất của mỗi học sinh lớp 3A. Ở đó chẳng ai hoàn toàn vô tội mà cũng không ai tận cùng xấu xa, ai cũng có những nhỏ nhen, ích kỷ, ganh đua đôi khi rất vớ vẩn mà chỉ vì một phút vội vàng, một phút bồng bột mà đưa ra lựa chọn không thể vãn hồi… Thế nhưng như thầy Hiiragi đã nói, “Em đã qua cái độ tuổi mà mọi điều sai em làm cũng được tha thứ rồi”, thật vậy dù ngưỡng mười tám đôi mươi có ẩm ương và bốc đồng thế nào đi nữa thì cũng chẳng thể bao biện cho những cái sai rành rành ra đấy, những lầm lạc chỉ có thể vượt qua khi thẳng thắn đối diện với sự xấu xí của chính mình. Và thế là, bài học chúng nhận được từ thầy chỉ trong mười ngày ngắn ngủi mà cảm giác còn vô giá hơn bất cứ kiến thức sách vở nào, rằng “khoảng thời gian ấy thật sự đã định hình cả tuổi trẻ của chúng em”…

Mặt khác, mình cũng rất thích cách dạy dỗ cương nhu đúng lúc của thầy Hiiragi, vừa chân thành bộc bạch tâm sự mà cũng không quên nghiêm khắc và nặng lời khi cần, nhưng có là bấy nhiêu hung dữ và gàn dở cũng chẳng thể che lấp được tấm lòng đang đánh đổi quá nhiều vì tương lai các em. Đặc biệt càng về cuối phim, tình thầy trò lại càng trở thành điểm sáng khó quên, là khoảnh khắc tường tận về điều đã khiến thầy quyết định đi xa đến mức này, là chứng kiến những đứa trẻ ngỗ ngược đang dần thay đổi và trở nên tốt hơn, là bao nhiêu nỗ lực mệt nhoài của thầy cuối cùng đã chạm được đến chúng,...

Bên cạnh những gửi gắm ý nghĩa về trách nhiệm của người trẻ trên hành trình trưởng thành, các vấn đề nhức nhối trong trường học lẫn xã hội cũng được phim triển khai mạch lạc. Trong đó đáng chú ý nhất chính là thực trạng bắt nạt trên không gian mạng, nơi không ít những anh hùng bàn phím vẫn đang ngày ngày vin vào cớ “tự do ngôn luận” mà ra sức mạt sát nạn nhân, với sự vô cảm không mảy may nghĩ đến hành động của mình có thể góp phần cướp đi cuộc đời của ai đó… vì lời nói đâu chỉ cứu sống, mà có thể vĩnh viễn huỷ hoại một người.

Tựu chung lại, dẫu với mình tình tiết phim đôi chỗ còn hơi ngô nghê và dông dài, tổng thể đây vẫn là một tác phẩm đáng xem với đầy đủ cung bậc cảm xúc cùng thông điệp vẹn nguyên sức nặng.

  • 38
  • 3Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
34
Hoài Trinh
Hoài Trinhmột năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)