Đi Tìm Những Bóng Người: “Mình tàn tro trở lại với nơi xanh lời”
Tôi nhận được tập thơ Đi Tìm Những Bóng Người vào một ngày cuối tháng chín, nó nằm trong bưu kiện có dấu gửi từ nơi xa. Sách rất mỏng, chỉ hơn trăm trang, tác giả thì trẻ măng, vậy mà có những câu thơ chạm lòng đến không ngờ. Thú thực rằng đến giờ, nhiều lúc tôi vẫn không tin năm nay Vĩ Hạ mới bắt đầu lên đại học. Ở cái độ tuổi mà với nhiều người, lúc ấy thế giới mới chính thức mở ra, em đã nhận ra mình đang “bên xứ lạ với bản thể của mình”, và muốn đi tìm chính mình. Rất nhiều bạn bè tôi mãi đến sau này mới nhận ra điều Vĩ Hạ đã nhận ra, và trút vào Đi Tìm Những Bóng Người.
Đọc thơ Vĩ Hạ, tôi không khỏi nhớ đến những Nguyễn Quang Thiều, những Nhã Thuyên, những nhà thơ mà không ít lần Vĩ Hạ đã cảm ơn với sự chân thành vô cùng, bởi họ đã im lặng bước vào thế giới của em. Những điều được đề cập đến tập thơ này là tình yêu, ngôn ngữ, sự cô độc, kết nối và lìa xa. Những người xuất hiện trong thơ Vĩ Hạ là “tôi” (tất nhiên), là mình, là mẹ, là ba, là em, là những người lạ của đời “tôi”. Có nhiều bài hay, còn tôi cực kì thích bài Sinh Ra Rồi Chết Đi, xin trích lại đây để mọi người cùng đọc:
“mình đã được sinh ra
trên vùng đất cỏ cây nhuộm máu để sống
đôi cánh mỏng của mình
bay dưới bầu trời nhuộm khói để xanh.
mình đã hoá kiếp mình thành tro tàn trước khi chết
dưới ánh trời hôm nay
mình đã bay đi.
mình bay trên miền trời không tên
rồi hạ cánh bên miền cỏ nỗi nhớ.
đám cỏ dài quấn chặt thân trắng hoang
khi mình nằm nhìn xanh im đang ngủ.
cuối cùng,
mình tàn tro trở lại với nơi xanh lời.”
Tôi thích không khí của bài thơ, nó là sự hòa trộn giữa nỗi buồn của cái chết và niềm hân hoan của tân sinh. Tôi không nhớ bao người mình từng gặp trong đời đã hoá tàn tro trước cả khi nhắm mắt, và mải miết muốn đi tới những nơi khác để tìm kiếm cái mình cần. Một thế hệ lạc lối và cô độc, luôn đau đáu làm sao để vượt thoát và biết lý do mình tồn tại. Tôi không muốn hiểu câu khép bài là một sự giải thoát, rồi chấm hết. Tôi muốn nghĩ nó là một khởi đầu mới, để vòng tuần hoàn của sự sống tiếp tục. Sinh ra rồi chết đi, rồi lại sinh ra.
Bên cạnh đó, ẩn dụ của bài thơ này cũng duyên dáng quá, tôi không sao quên được. Tôi tìm được mối liên kết với đất nước và dân tộc chỉ qua bốn câu thơ đầu tiên, và có gì đó rất xúc động dâng lên trong lồng ngực. Có lúc tôi cảm thấy tự ti khi đối thoại với Vĩ Hạ, bất kể theo cách nào, trực tiếp hay gián tiếp, bởi thái độ nghiêm cẩn của em với việc sáng tác khiến kẻ tuỳ hứng như tôi thấy xấu hổ. Thêm vào đó, những suy tư của Vĩ Hạ về cuộc đời và con người, những hoang mang cùng hằng đêm mất ngủ “anh quên mất cách phải viết anh ra sao/ anh quên mất anh nằm chết gốc cây nào”, cũng khiến tôi phải thở dài. Cũng có bận, tôi đã quên mất cách viết mình ra sao.
Vĩ Hạ viết thơ tình cũng hay (dù tôi không biết có nên gọi đó là thơ tình hay không, hay chỉ nên nói là thơ tặng người lạ). Thơ em luôn có sự chân thành rất mực, đọc Vài Lời Nhắn Nhủ Cho Em Về Tình Yêu và Tặng Nghi, cảm thấy tim mình run rẩy, cái này là sự thực. Tôi cứ có cảm giác người viết muốn mang hết tất cả tặng cho Nghi, nhưng “tất cả” đôi khi lại chẳng là gì cả, vậy nên Vĩ Hạ tỉ mỉ ngồi liệt kê từng chút một: “tặng em/ một vùng nỗi nhớ/ ở trọ thời gian”, “tặng em/ một cơn gió trẻ/ thổi những ngô nghê/ qua gồ ghề/ tiếng khóc/ qua những gì trống rỗng”, “em này,/ anh tặng em ước mơ/ một nơi ta biết mình/ còn sống”... và cả “tặng em/ tặng em cái đẹp/ tất cả của anh”. Đôi khi có những câu thật ngộ: “tôi luôn thích những buổi chiều này/ chiều mưa vintage/ hoà mắt em classic/ khi đó thơ tôi mắt xích/ vượt thời gian Cobalt…”
Hay ho thế đấy, chân thành thế đấy, sao mà không rung động cho được.
Khi mà nhiều người vẫn đang mắc kẹt mãi với những gì họ biết từ sách giáo khoa và ngỡ mình hiểu hết cả nền văn học Việt Nam này, khi nào tranh luận hay giới thiệu cũng chỉ nhõn mấy cái tên quen thuộc, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, vân vân, thì cuộc sống sáng tác thật sự ngoài kia đã xuất hiện những người như Vĩ Hạ. Trong tập thơ này em thử nghiệm mọi thứ, từ thơ tự do đến cái mà chắc nhiều người sẽ gọi là văn-xuôi-xuống-dòng, kết hợp tiếng Anh trong thơ Việt, lợi dụng khoảng trống cách dòng để trình hiện mục đích và làm giàu tính năng biểu cảm cho câu từ. Tôi cảm thấy thật đáng tiếc nếu không giới thiệu Đi Tìm Những Bóng Người (điều mà tôi nên làm sớm hơn thời điểm viết bài viết này) để người khác cùng biết.
Tay gấp của cuốn sách này chỉ có độc một bức ảnh đen trắng của tác giả, không rõ mặt. Vậy nên tôi cũng chỉ có thể cung cấp cho các bạn mấy thông tin lặt vặt như sau: Vĩ Hạ tên thật là Trần Duy Bảo Khang, năm 2022, em bắt đầu cuộc sống đại học, vẫn đang bền bỉ sáng tác vì cảm thấy văn chương đã cứu rỗi cuộc đời em.
“ai cũng mơ là
ai cũng mơ
cả thế giới yêu
cả thế giới.”
Đánh giá: 4/5
- 21
- 0Bình luận