logo-maybe-vn
Mở app
Hoài Trinh
Hoài Trinhmột năm trước
Movie

Happy End (1999) - Choi Min Sik & Jeon Do Yeon

Sau những dấu ấn đạo diễn Jung Ji Woo mang đến trong phim truyền hình đầu tay Somebody, trải nghiệm cùng Happy End – tác phẩm đánh dấu sự ra mắt của nhà làm phim họ Jung là một khám phá khá thú vị về phong cách và nhãn quan điện ảnh thời kỳ đầu của vị đạo diễn. Bộ phim đã nhận được đề cử Best Asian Film tại Hong Kong Film Awards 2002, giành nhiều chiến thắng cho nam nữ chính và đạo diễn mới xuất sắc nhất từ Giải thưởng Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh Hàn Quốc, Hiệp hội phê bình phim Busan (BCFA), Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương,…

Mở đầu bằng phân cảnh ái ân mãnh liệt giữa Choi Bo Ra (Jeon Do Yeon), một phụ nữ đã có gia đình với nhân tình của cô là Kim Il Beom (Joo Jin Mo), Happy End sau đó cho thấy sự tương phản rõ rệt khi Bo Ra quay trở lại với đời sống hôn nhân yên bình mà nhàm chán, cùng người chồng thất nghiệp Seo Min Ki (Choi Min Sik) thường dành cả ngày để đọc tiểu thuyết lãng mạn trong hiệu sách cũ hoặc xem phim truyền hình dài tập. Cả hai có một cô con gái nhỏ và việc nuôi nấng cô bé dường như là điểm chung duy nhất của họ.

Cốt truyện của phim về cơ bản là đơn giản và tường minh: ngoại tình, ghen tuông và trả giá. Các góc máy đậm tính riêng tư mang đến cảm giác như đạo diễn đang âm thầm lén lút ghi lại những diễn biến đời thường, cá nhân nhất trong nội tâm và hành động của nhân vật. Một người chồng vốn nhẫn nhục cam chịu dù có phát hiện ra sự không chung thuỷ của vợ, để rồi khi giới hạn lên đến đỉnh điểm thì ra tay lạnh lùng đến không thể dửng dưng hơn; người vợ tuy đắm chìm với bao đam mê xác thịt cùng gã nhân tình nhưng vẫn không thể từ bỏ mái ấm của mình; và kẻ thứ ba tham lam không bao giờ thoả mãn với những gì hiện có.

Chẳng quyết định nào là đúng mà cũng không hẳn hoàn toàn sai, ai cũng muốn hướng đến một “kết thúc có hậu” nhưng liệu có thể khi dẫu đã cân đo đong đếm, mỗi lựa chọn họ đưa ra cơ hồ đều đầy cảm tính và bất chấp đạo đức? Kẻ trả giá bằng thân xác thì cũng có người mãi bị đoạ đày trong địa ngục của tâm hồn… tựa đề Happy End như một nghi vấn hơn là sự khẳng định, như hạnh phúc ngay trước mắt nhưng cũng cực kỳ khó nắm bắt… Mặt khác, dù không chủ đích nhưng theo một nghĩa nào đó, bộ phim cũng đặt ra suy ngẫm về tác động của suy thoái kinh tế đối với hôn nhân, vai trò giới tính và áp lực của đàn ông trong một xã hội gia trưởng nặng thành tích.

Bi kịch của bộ phim là cái gì đó quen thuộc đến mức ta có thể thấy nhan nhản trên các báo lá cải. Tuy nhiên Happy End thành công vượt lên tất cả những gì tầm thường để giữ được chiều sâu nhất định, là bế tắc và bức bối cùng cực hoặc tuôn trào cảm xúc từ ghê tởm đến tuyệt vọng…

  • 25
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
45
Hoài Trinh
Hoài Trinhmột năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)