logo-maybe-vn
Mở app
Maybe Tâm Lý
Maybe Tâm Lýmột năm trước
Tâm Lý Học

VÌ SAO TÂM LÝ KÌ THỊ, ĐẶT ĐỊNH KIẾN LÊN NGƯỜI KHÁC LUÔN XUẤT HIỆN TRONG XÃ HỘI?

“Các nghiên cứu tâm lý cho rằng việc đặt định kiến, rập khuôn và phân biệt đối xử với người khác có tác động xấu đến cả mục tiêu bị kì thị lẫn người có suy nghĩ định kiến lên người khác.”- —Antonio E. Puente, PhD, 2017 APA President

Ảnh: Nytimes
Ảnh: Nytimes

Khi nhắc đến kì thị, có phải trong đầu bạn đều sẽ xuất hiện một vấn đề gì đó mà bạn không thích đúng không?

Nhưng mà ở nhiều người chúng ta thật sự không biết rằng những suy nghĩ thường ngày của bản thân, đôi khi cũng là một sự kì thị nhắm đến một đối tượng hoặc một nhóm người nào đó trong xã hội.

Gần đây, mình thấy trên báo tràn lan những thông tin về những cô gái bị clip nhạy cảm, bị bạn trai cũ báo thù bằng cách tung những hình ảnh riêng tư,…hay thậm chí các bạn nữ sinh bị lừa gửi ảnh áo dài rồi bị đăng lên các trang web đen. Phản ứng của cộng đồng mạng, mà chủ yếu là nam giới là những lời bình luận cười cợt, cợt nhã, victim-blaming, là kì thị và cho rằng các cô ấy đáng đời bị như thế vì “dám” phát sinh quan hệ gần gũi với bạn trai cũ!

Ảnh: Hubpages
Ảnh: Hubpages

Và đó chỉ là một trong những định kiến, thói hư kì thị thường xuất hiện trong xã hội. Mà dưới đây, là rất nhiều những vấn đề nhức nhối khác.

Mà chính bản thân mỗi người đều không nghĩ rằng mình có suy nghĩ đó. Chúng ta thực sự học được từ những người xung quanh khi còn nhỏ, và những tư duy đó theo ta lớn lên và trở thành một điều “đúng đắn” từ khi nào không hay. Và đôi khi, những điều chúng ta biết lại không thực sự đúng, hoặc những điều là hiển nhiên với chúng ta, lại là một sự tổn thương đối với người khác.

Ở nước ngoài, người ta thường có các vấn đề kì thị người da màu (cả da đen và da vàng đó các bạn), kì thị người khuyết tật, kì thị người hồi giáo, kì thị người vô gia cư,… Và ở Việt Nam, sự kì thị mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống: kì thị vùng miền, kì thị ngoài hình người béo, người có làn da đen sạm, kì thị người nghèo, kì thị người bị tâm thần-tâm lý, kì thị người đồng tính,..

Nguyên nhân sâu xa của những định kiến này là từ đâu và có bao nhiêu loại kì thị trong xã hội?

Cho dù là ở những xã hội tiên tiến nhất như Nhật Bản cũng xuất hiện những tội ác man rợ như một tên biến thái giết người khuyết tật chỉ vì hắn muốn trừ khử “vì xã hội không cần họ”. Cho dù là những nơi có giáo dục phát triển, vẫn có những vụ việc mà nạn nhân trở nên thù ghét xã hội vì bị những lời châm biếm, trở thành trò cười giữa chốn đông người chỉ vì họ là người khác màu da, khác nhận dạng.

Ở những nước Châu Âu người Hồi Giáo sống trong lo sợ bị tấn công bởi “hate crime” (tội phạm xuất phát từ việc quá ghét một điều gì đó) chỉ vì truyền thông liên tục đưa tin về các vụ khủng bố mà kẻ cảm tử đến từ tôn giáo đạo Hồi.

Ở nơi mà những truyền thống cũ và mới trộn lẫn như Việt Nam, không hiếm để chúng ta tìm thấy những sự coi thường người khác từ những con người tự cho mình cái quyền làm “thẩm phán” để buộc tội người khác. Những sự kì thị, định kiến đó có thể kể đến: định kiến về giới tính (ghét và cười nhạo phụ nữ ko biết nấu ăn; chỉ trỏ sau lưng những cô gái có thai trước hôn nhân; thích khuyên bảo hay dạy dỗ những người trẻ có hành vi và đam mê không giống mình,…)

TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI KÌ THỊ NGƯỜI KHÁC?

1. “The thrill-seeking” - Là những người gây ra hoảng sợ, kì thị tới người khác. Họ thường là một nhóm người trong đám đông, họ sẽ cười cợt, tấn công người khác (ví dụ như bạo lực học đường, bạo lực đường phố) mà nạn nhân thường là những người mà họ nhìn nhận là YẾU THẾ HƠN (ít có khả năng đáp trả như cơ thể yếu ớt, gia cảnh nghèo không thể phản kháng, hay quá non nớt). Họ bắt nạt, họ nhắm vào những người đã quá nhiều tổn thương như người bị bệnh từ nhỏ, người có các vấn đề về thần kinh, người không có vẻ ngoài xinh đẹp như họ nhìn nhận,… để thể hiện quyền lực và mua vui cho bản thân,

2. “Defensive” - những người mang suy nghĩ kì thị để bảo vệ bản thân và lợi ích của bản thân. Thường là mâu thuẫn trong suy nghĩ của những nhóm người khác nhau trong xã hội. Những người sợ rằng nhóm người khác sẽ lấy đi quyền lợi cơ bản của họ, những nơi, những vật, những việc thuộc về họ. Ví dụ như ở đây có thể nói đến việc phân biệt vùng miền trong một thành phố, nơi mà người dân sinh ra ở đây sẽ có suy nghĩ khó chịu và đổ lỗi cho người tỉnh khác đến làm bẩn và gây mất trật tự nơi họ sống. Họ cảm thấy quyền lợi của họ, nơi mà đáng lẽ thuộc về họ đang bị tước đi bởi những “kẻ ngoại tộc”.

Tranh: Kristen Uroda
Tranh: Kristen Uroda

Vấn đề này thường cũng xảy ra theo cách mà các phương tiện truyền thông đưa tin trên tivi và mạng xã hội. Khi mà các thông tin về các vụ cướp, giết người hay ma tuý mà tội phạm là những người ở vùng khác, người nước khác, những sự việc nguy hiểm xảy ra ở xung quanh họ khiến họ càng muốn tránh xa những người mà họ cho là sẽ tước đi sự bình yên của họ.

Ở Mỹ, bạn có thể thấy vấn đề Trump muốn xây tường giữa Mỹ và Mexico cũng là một kiểu “defensive” để bảo vệ quyền lợi cho “người mình” .

3.”Retaliatory” - kì thị và ghét một ai đó vì mong muốn phục thù.

Nói đơn giản dễ hiểu thì là bạn ghét các chàng playboy vì bạn đã từng bị một chàng play boy làm tổn thương vậy đó. Nói sâu xa hơn, 1 người có suy nghĩ ghét một ai hoặc một nhóm người vì họ hay người thân của họ từng có trải nghiệm xấu bởi “một người nào đó hoặc cộng đồng của họ”. Giống như vụ việc nhiều người ghét hoặc kì thị người Thanh Hoá, chính là vì họ nghĩ rằng có quá nhiều người Thanh Hoá là người xấu nên họ đánh đồng tất cả với nhau và muốn xả giận lên những người Thanh Hoá khác.

4. “Mission” - kì thị và thù ghét người khác vì nghĩ rằng đó là một nhiệm vụ mà bản thân cần làm. Nhằm thanh tẩy những người không cần thiết trong xã hội. Mà phần này thường thuộc về những người có suy nghĩ cực đoan, tên biến thái nhân cách, giết người hàng loạt, những người có các vấn đề nào đó về lệch lạc tâm lý.

Ví dụ này có thể lấy Adolf Hitler và việc diệt trừ người Do Thái làm mẫu.

Hoặc vụ việc xả súng kì thị người đồng tính ở trên cũng có thể xếp vào loại này.

4 kiểu định kiến dẫn đến thù ghét trong xã hội này đôi khi có thể là một, nhưng đôi lúc sự thù hằn này đến từ một nguyên nhân trên mạnh mẽ hơn các nguyên nhân còn lại .

Vậy lý do gì mà những kì thị đau lòng này không bao giờ kết thúc?

“ SỰ KÌ THỊ THƯỜNG ĐƯỢC CHE GIẤU DƯỚI CÁC MÁC LÀ “ĐÙA GIỠN” “

- Chứng sợ hãi, kì thị và thù ghét đồng tính thường xuât phát từ nhận định xã hội.Sự khác biệt và đi ngược lại với tôn giáo nơi mà giới tính phải được phân biệt rõ ràng và mỗi giới có mỗi nhiệm vụ khác nhau không thể nhầm lẫn.

Ngoài ra còn có sự yếu kém trong việc tiếp xúc với kiến thức xã hội, họ ít được trải nghiệm tầm nhìn mở, khách quan. Họ ít liên hệ hay sống trong môi trường giúp họ dễ tiếp cận những suy nghĩ thực sự của người đồng tính, để có thể có sự đồng cảm với họ. Như con người với con người.

Ngoài ra những tin đồn thất thiệt và cách phương tiện truyền thông đưa tin về những mặt xấu của người đồng tính nhiều hơn mặt tốt càng làm xã hội có cái nhìn thù địch hơn với việc sống thật với giới tính của người khác.

- Trong Xã hội học, ví như “Social learning theory”: lý thuyết học tập xã hội giải thích rằng sự kì thị này thường được người ta học từ lúc còn nhỏ, họ học những suy nghĩ phân biệt người này và người nọ từ những người lớn xung quanh họ.

Khi họ trưởng thành, trong suy nghĩ của họ những điều này luôn đúng và những sự khác biệt của người khác rõ ràng là một thứ kì lạ. Và đôi khi là khó chấp nhận.

Trong các gia đình mà bố mẹ không trực tiếp nói về sự kì thị và định kiến một cách khách quan. Họ sẽ “truyền” những kiến thức tiêu cực, những trải nghiệm chủ quan đến trẻ con bằng cách đùa giỡn và thậm chí nói móc về những người; những nhóm người; những vấn đề trong xã hội mà đối với họ đó là một việc để mua vui, không thể chấp nhận nổi và buồn cười.

- Trong tâm lý học, “định kiến” là cách mà một người nhìn nhận về hành động của người khác.

Chúng ta nhận dạng về một nhóm người nào đó rằng họ PHẢI như thế nào, phải KHÔNG ĐƯỢC làm gì và nên làm gì.

Ví dụ như bài trước về “tính cách nhẫn nhịn của phụ nữ Á Đông”, nhiều người nhìn nhận và áp đặt góc nhìn của họ vào một người khác và muốn sửa để người đó giống mình.

Ví dụ từ nhỏ họ đã được học rằng con gái là phải mềm yếu, chịu đựng và nhẫn nhịn vì người khác. Nhưng khi họ giao tiếp xã hội, họ gặp phảimột cô gái có lối sống tự do, độc lập; một người phụ nữ tự tin, bản lĩnh không chấp nhận thua kém ai, họ sẽ nghĩ cô gái đó “không biết điều” và “không có sự truyền thống” cũng như thiếu đi bản sắc của một cô gái mà họ được học.

Đôi khi, ta phải học lại tất cả những điều mà ta biết về cuộc sống này. Vì những gì mà ta từng nghĩ nó đúng, chưa chắc đã đúng khi ta bước ra ngoài xã hội.

Đôi lúc ta nghĩ rằng những điều mà ta nhìn nhận về xã hội xung quanh là đúng. Vì nó đúng với những kiến thức và trải nghiệm ở môi trường xung quanh; hoặc nó đúng vì ta chưa gặp ai đó nói rằng điều đó sai. Nhưng sau đó, những trải nghiệm và những vấn đề mới trong công việc, trong môi trường sống lại khiến ta nhận ra hoá ra mình luôn hiểu lầm về cuộc sống này!

Sự kì thị cũng bắt nguồn sự so sánh giữa con người với nhau trong xã hội.

Chúng ta so sánh những người thua kém hơn chúng ta, yếu thế hơn chúng ta và bắt đầu nhìn nhận giá trị của họ là thấp hơn chúng ta. Cho dù không nói ra, nhưng có thể một suy nghĩ nhỏ nhoi ấy trong đầu cũng đủ để chúng ta hành động và nói những lời mỉa mai tới người khác.

Những nước phát triển đã làm gì để giảm thiểu sự kì thị trong xã hội?

- Họ dạy người trẻ - những người dễ dàng dùng sự kì thị để gây tổn thương lên người khác cách chấp nhận sự khác biệt của mỗi người. Không phải ai cũng giống nhau và đúc ra từ một khuôn mẫu.

Họ tăng cường báo cáo lên chính quyền những người có dấu hiệu kì thị, bắt nạt người khác. Họ giảm thiểu hoặc cân bằng các bản tin truyền thông để người dân có cái nhìn khái quát hơn và nhìn rõ hai mặt của một vấn đề.

- Bản thân những người bị kì thị cũng học được cách tự bảo vệ bản thân, tự tìm đến những nơi có thể giúp chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho họ. Cũng như nhiều người đồng tính hay hồi giáo ở nước ngoài lấy sự cố gắng của bản thân để chứng minh cho xã hội thấy rằng họ là những người có giá trị riêng và đáng được tôn trọng.

Bài viết này viết sơ lược một vài vấn đề khái quát chứ chưa đi sâu cặn kẽ vào từng nguyên do và ví dụ nhỏ, nên nếu bạn nào muốn giúp mình bổ sung thông tin hay suy nghĩ của các bạn thì hãy comment bên dưới nhé.

Nguồn: Psychological facts - Tâm lý học và xã hội học Việt Nam. Bài viết được đăng dưới sự cho phép của tác giả NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
49
Maybe Tâm Lý
Maybe Tâm Lýmột năm trước
Tâm Lý Học

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)