logo-maybe-vn
Mở app
K
Kmột năm trước
Reading

Sống - Nan đề khó giải đáp về lẽ tồn tại

Tiểu thuyết Sống của Dư Hoa là lựa chọn cuối cùng của mình sau hàng giờ vò đầu bứt tai tìm kiếm giải pháp nhằm thoát khỏi cơn “hype” (nghiện) dành cho Số Phận Con Người của Mikhail Sholokhov. Nhưng hài hước làm sao, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, cái hồn của anh lính Andrey (*) vậy mà vẫn cứ bám víu mình cho đến khi gặp gỡ Dư Hoa lần đầu. Tuy có phần xúc phạm, nhưng xin thành thực với bạn, mới đầu mình còn tưởng Sống chỉ là phiên bản Trung Quốc của Số Phận Con Người, với một cốt truyện tràn ngập nỗi thống khổ và nhân vật chính cứ hết lần này đến lần khác bị vướng vào vòng trầm luân, để rồi từ đó giác ngộ chân lý nào đó. Nhưng rồi, chỉ đến khi nghe tiếng khóc thống thiết cùng cái quỳ rạp như thể cúi lạy của nhân vật chính, mình biết mình đã lầm rồi.

“À, ra vậy. Thực ra mỗi người có những niềm đau riêng và cách họ đối mặt chúng cũng không giống nhau, lịch sử mỗi người, mỗi dân tộc cũng đâu giống nhau mà đưa đẩy con người ta phải chọn lựa, hay ứng xử giống nhau”. 

Đó, mình đã nghĩ như vậy đấy. Và cũng chính tiếng khóc rống đó, cùng với hành trình của nhân vật chính, lại giác ngộ ngược lại cho chính mình. Chỉ đơn giản là vậy thôi: Con người không phải ai cũng lý tưởng như những nhà thơ, nhà văn tô vẽ. Con người là một khối thịt có đau có buồn, có yêu có hận. Hãy cứ thuận theo lòng, theo thời mà sống như những nhân vật của Sống. Hãy sống, để tìm ra ý nghĩa của sự tồn tại.

Cốt truyện Sống tuân theo lẽ “cực thịnh tất suy” trong văn hóa của người Trung Quốc. Một gia đình giàu có lâm vào cảnh suy tàn giữa thời loạn lạc. Một người chồng ham mê cờ bạc, phó mặc sự đời xoay vần. Một người vợ lâm cảnh khốn cùng phải bế con ra đường tự mình mưu sinh. Liên tiếp những biến cố ập đến như đày đọa cuộc đời của những nhân vật, với những cuộc nội chiến đầy hỗn loạn, rồi từ giai đoạn Đại Nhảy Vọt sang Cách Mạng Văn Hóa. Sự xui xẻo, khổ ải và cái chết luôn hiện hữu khiến người xem không khỏi bịn rịn tiếc thương.

Nhân vật chính của Sống, Phú Quý, vừa là nhân vật nếm trải những hỉ nộ ái ố đó, cũng là người để lại nhiều trăn trở nhiều nhất về ý nghĩa của sự sống. Số phận một con người, liệu có thể chịu đựng sự đau đớn tới mức nào? Những người anh yêu quý nhất, những niềm hy vọng mà anh cố bấu víu, cứ nối đuôi nhau mà ngã gục trước mặt anh. Người vợ tần tảo Gia Trân sống khổ sở rồi mất vì bệnh nhũn xương quái ác. Con trai Hữu Khánh bị người ta lấy máu bán cho đám nhà giàu. Con gái Phượng Hà mất ngay khi chuẩn bị sinh con. Người con rể Nhị Hỷ bỏ mạng khi đang lao động công ích. Đến hạng người thấp bé như Khổ Căn còn ra đi bởi một cái bệnh mà có lẽ chỉ có người thiếu ăn lâu năm mới mắc phải: bội thực.

Nhưng thứ đáng hận, đáng oán nhất vẫn là cái dòng chảy lịch sử đang xoay vần quanh gia đình anh. Nó hệt như ngọn roi vút liên tục, cứ tàn nhẫn mà hành hạ, mà giày vò họ đến sức tàn lực kiệt. Thậm chí, ở giây phút Phú Quý tin rằng đó là tột cùng của sự đau đớn, thì một nỗi đau khác thậm chí còn lớn hơn lại ồ ạt tấn công không khoan nhượng.

Có người nói đời Phú Quý như vậy là đáng lắm. Đáng vì quá khứ nhơ nhuốc của anh ta. Nhưng nói vậy thì chẳng lẽ Phú Quý không đáng thương? Có, đáng thương lắm chứ! Mấy ai lắm “không” như anh? Không gia đình, không bạn bè, không tri kỷ. Không, không gì sất. Phú Quý cũng chẳng phải hạng anh hùng lý tưởng vững chí bền gan. Anh vốn dĩ chỉ là một con người hết sức tầm thường giữa cái guồng quay của lịch sử. Nếu một thằng chai sạn trải đời như Chí Phèo còn rưng nước mắt khi thấy khuôn mặt “mới ngoài bốn mươi mà đã như sắp đến dốc bên kia cuộc đời” thì lẽ nào người như Phú Quý lại không được quyền khóc, được quyền ngã khuỵu khi thấy vợ con c.h.ế.t? Khi thấy số phận mình như phận phù du cánh mỏng trước bão giông cuộc đời? Cái quỳ của anh, có chăng là sự buông xuôi, hoặc cũng có chăng là tâm thế thanh thản của một con người cuối cùng đã ngộ ra chân lý “lúa chín cúi đầu”.

Bởi vì phải từng cảm thấy hạnh phúc người ta mới biết sự tồn tại của đau khổ. Nhưng cũng nhờ đau thương mà ta có quyền tin rằng còn có hạnh phúc đâu đó quanh mình.

"Tao quỳ nửa đời người rồi, đã đứng lên được là không quỳ xuống nữa!"

(Vĩ Tuyến 17 Ngày Đêm).

Việc ghi lại sự thật niên đại thời bấy giờ có lẽ sẽ khiến người ta không thoải mái, đặc biệt là trong những tình tiết nhạy cảm liên quan đến cuộc Cách Mạng Văn Hóa và Đại Nhảy Vọt đẫm m.á.u. Tuy rằng, trong tiểu thuyết, mình nhận thấy mục đích của các nhân vật đều là cố hết sức để sống còn, nhưng điều đó cuối cùng lại được đúc kết bằng một câu nói vừa buồn cười vừa bi thương:

“Con gà lớn rồi biến thành thiên nga, thiên nga lớn rồi lại biến thành con dê, con dê lớn lên lại biến thành con bò.” 

Trong Sống, Dư Hoa đã vẽ nên một bối cảnh lịch sử mà cảm giác như ở đó, mọi hạnh phúc hay bi kịch đều là một hệ quả tất yếu buộc mỗi con người phải chấp nhận và phải tìm cách để chung sống, tồn tại. Sống, rốt cuộc có ý nghĩa gì? Để mỗi ngày lại thêm đau khổ? Hay sống chỉ để dằn vặt, hành hạ lẫn nhau? Hay ngược lại, sống là để đùm bọc, chở che lẫn nhau? Hay có chăng, sống chính là để đứng hiên ngang trước đời?

CHÚ THÍCH

(*) Andrey: Nhân vật chính trong Số Phận Con Người của Mikhail Sholokhov

ĐÁNH GIÁ: 4/5

19/11/2022

  • 32
  • 2Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
47
K
Kmột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)