logo-maybe-vn
Mở app
Raven Guard
Raven Guardmột năm trước
Xinê House

Review 'Tro Tàn Rực Rỡ' và 3 lý do bạn nên ra rạp xem phim

#MaybeOriginal

Dự án phim Tro Tàn Rực Rỡ đã từng xuất sắc vượt qua 27 dự án khác để đoạt giải thưởng tài trợ ở hạng mục Asian Project Market, có trị giá 15.000 USD (tương đương 340 triệu VNĐ) tại Liên hoan phim quốc tế Busan vào năm 2017, sau đó là giải thưởng Inaugural Southeast Asia Co-Production Grant do Ủy ban Điện ảnh Singapore (SFC) trao vào tháng 11 năm 2019.

Sau hơn 7 năm ấp ủ và hoàn thiện thành phẩm, bộ phim được ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 35, tranh tài tại hạng mục chính (Main Section) của Tokyo Grand Prix cùng 14 tác phẩm xuất sắc khác của điện ảnh quốc tế vào tháng 10 năm 2022. Cuối cùng, sau khi mang về giải Khinh Khí Cầu Vàng (Montgolfière d'Or) danh giá tại Liên Hoan Phim 3 Châu Lục ở Nantes, Pháp, Tro Tàn Rực Rỡ được ấn định khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc vào ngày 2 tháng 12 năm 2022.

Có một số lý do chính khiến Tro Tàn Rực Rở trở thành tựa phim đáng xem vào dịp cuối năm nay, mình cùng điểm qua.

1- Phim chuyển thể không chỉ một, mà từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Tro Tàn Rực Rỡ (tiếng Anh: Glorious Ashes) là bộ phim tâm lý của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, được chuyển thể từ hai truyện ngắn là Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim không chỉ đánh dấu sự trở lại của vị đạo diễn người Hà Nội sau 10 năm vắng bóng, mà còn đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với những người yêu thích văn chương Nguyễn Ngọc Tư, khi một lần nữa truyện ngắn của cô được tái hiện trên màn ảnh rộng trong một dự án giàu tiềm năng, đưa điện ảnh Việt vươn ra quốc tế.

Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không dễ chuyển thể, nói chi là thêu dệt cả hai truyện vào một phim điện ảnh mà vẫn bám khá sát nguyên tác như cách mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã làm. Lấy bối cảnh ở xóm Thơm Rơm, Cà Mau, phim xoay quanh ba người phụ nữ là Hậu (Bảo Ngọc Doling), Nhàn (Phương Anh Đào), Loan (NSƯT) Hạnh Thúy) và mối quan hệ với ba người đàn ông mà họ yêu, bao gồm Dương (Lê Công Hoàng), Tam (Quang Tuấn) và Khang (Thạch Kim Long). Bên cạnh đó là sự hiện diện của sư thầy vô danh (Mai Thế Hiệp), mang lại những chi tiết mang tính giáo dục, giàu triết lý.

Tương tự như trong nguyên tác Tro Tàn Rực Rỡ, diễn biến phim được kể chủ yếu qua lời của Hậu, vốn là cô gái trẻ đã trót trao trái tim cho Dương. Tuy nhiên, cậu Dương vẫn bị ám ảnh bởi mối tình tuổi học trò với Nhàn và chỉ đến với Hậu vì một sự cố bất đắc dĩ. Trong khi đó Nhàn đã cưới Tam và đang cố gắng xây dựng một mái ấm hạnh phúc cho riêng mình. Chuyện tình éo le còn lại trong phim là về Loan người đàn bà điên điên khùng khùng vì từng bị Khang cố cưỡng bức vào năm 12 tuổi. Sau lần đó, không ai chịu cưới Loan, mà cô cũng phải lòng gã trai đã bức hại mình nhiều năm về trước.

Hậu là người kể chuyện chính trong phim. Mỗi câu nói của cô như lời thì thầm trong vô vọng dành cho người chồng tên Dương, bởi anh vắng nhà liên tục, tình nguyện ra nơi đầu sóng ngọn gió hiểm nguy trùng trùng để làm bạn chòi cho ghe biển. Dương không phải là không yêu, không rung động vì Hậu, mà anh ta có phần cảm thấy có lỗi với cô, cũng không thoát được tình cảm dành cho Nhàn suốt nhiều năm qua. Vì vậy mà Dương trốn chạy, thà đối mặt với sóng gió ở miền cực Nam tổ quốc, hơn là ánh mắt của người vợ nơi quê nhà.

Nếu Hậu là người mãi không có được tình yêu dù đã hiến dâng sự thuần khiết của mình cho Dương. Thì Nhàn là người đã mất đi tất cả, một gia đình êm ấm, một người chồng yêu thương. Tam giờ đây chỉ là người đàn ông suy sụp, cứ chếnh choáng hơi men là lại đi đốt nhà. Anh bị đánh gục bởi nỗi mất mát quá lớn. Nhàn lại càng hiểu điều đó mà nhẫn nhịn bất chấp lời ra tiếng vào, vì cô luôn tự trách mình không tròn bổn phận.

Cả ba tuyến truyện, ba cặp đôi, đều rất phức tạp, ấy vậy mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có thể diễn tả nó bằng ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình thành một chỉnh thể đồng nhất, không chi tiết thừa. Thoạt nhìn, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn lối kể chuyện tưởng chừng như êm đềm, bình lặng như chính con người của miền Tây. Thế nhưng, trên thực tế nó ẩn tàng nhiều u uất, cái u uất lặng thầm ấy đến một lúc nào đó cứ như ngọn lửa chỉ chực chờ bùng lên với tất cả những đam mê, khao khát, hờn ghen… là chất xúc tác.

Tuyến truyện của Nhàn - Tam và Hậu - Dương đan xen, tạo nên một nút thắt chết chóc. Ngược lại, mối quan hệ của Loan và Khang cùng sư thầy vô danh dựa trên truyện Củi Mục Trôi Về lại có phần siêu thực, giàu triết lý Phật Giáo, đặc biệt là mối quan hệ nhân quả và nghiệp báo. Cuộc đời Loan “khùng” thay đổi từ lúc bị Khang xâm hại, nhưng rồi cô lại không quên được hắn, mà Khang cũng muốn “vấp chỗ nào thì đứng lên ngay chỗ ấy”, muốn quay về chùa Thổ Sầu, đối mặt với người dân, đối mặt với chính Loan.

Khang muốn tu nhưng “còn vướng bụi trần” thì tu sao đặng, nhất là sao khi nghe cô mượn rượu mà nói: “Anh cưới tui đi. Không là tui chết đó.” Hắn không mãi phủ nhận tình cảm và trách nhiệm của mình đối với Loan, đúng như sư thầy vô danh đã mắng: “Ông là thứ cỏ chỉ vô dụng. Tối ngày chỉ biết làm chuyện bá láp, may vô đất thì có ý nghĩa gì? Người ta té sông, ông đọc kinh sám hối thì tự dưng người ta nổi lên sao? Phải lấy tay mình kéo họ kìa, ông ơi.”

Cứ như thế, Tro Tàn Rực Rỡ đã điện ảnh hóa yếu tố văn học của Nguyễn Ngọc Tư, phim mang được cái hồn hậu, chất phác của nơi xóm nghèo tẻ nhạt, ngôi chùa Thổ Sầu nghèo rớt mồng tơi, tuềnh toàng đến mức không cửa, không rào lên màn ảnh. Những nhân vật chất chứa cơn bão lòng giữa bối cảnh đầy những hình ảnh tương phản như giữa lửa và nước, yêu và hận đó thực sự khiến người xem phải suy ngẫm, phải ngạc nhiên và đau xót. Thậm chí có thể phải tự hỏi rằng chuyện đời, chuyện người từ trang sách lên màn ảnh sao có thể bi thương như thế, mà cảm giác cũng rất thật như thế?

2- Đạo diễn, diễn viên sống cùng người dân miền Tây để nắm được cái tinh thần, cái linh hồn của vùng đất

Phim quy tụ dàn diễn viên tài năng ở nhiều thế hệ, trong đó 6 diễn viên thể hiện cho 3 câu chuyện tình đã chia đều nhau thời lượng phim, ai cũng có đất diễn, đem tới ấn tượng cho khán giả, mà cũng phải hết sức nỗ lực, chuẩn bị cả về thể chất và tinh thần để sống cùng vai diễn. Thậm chí, theo lời đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, họ cũng được yêu cầu xuống miền Tây sống với người dân bản xứ cả tháng liền, để thực sự nắm được cái tinh thần của vùng sông nước.

Bảo Ngọc Doling là cô gái 20 tuổi được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tuyển chọn từ năm 13, đến nay nỗ lực của cô mới mang lại quả ngọt. Cô nàng mang dòng máu Anh và Việt Nam đã luyện tập cật lực để nhập vai, giỏi bơi, chèo ghe, đi xuồng máy, chẻ củi, làm chuối khô chẳng khác gì dân bản địa. Được biết, trong quá trình quay phim, chính Bảo Ngọc Doling nhiều lần chèo ghe chở đoàn phim di chuyển.

Tài năng của Phương Anh Đào lại cũng là một phát kiến độc nhất vô nhị mà NSƯT Hạnh Thúy và Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tốn bao công sức mới tìm được. Phương Anh Đào sinh ra ở Bạc Liêu, về chất giọng, kiểu cách, chính là rất phù hợp, diễn như không diễn, trở thành lựa chọn hàng đầu cho vai Nhàn - người phụ nữ có thiên chức làm mẹ, làm vợ, quán xuyến trong ngoài.

Trong khi đó, nam diễn viên được mệnh danh “chàng thơ phim độc lập” Lê Công Hoàng có một vai diễn gần như không thoại, nhưng mỗi lần anh cất giọng đều tạo nên một khoảnh khắc đắt giá. Lại nói, Tam là một vai khó diễn, vì đây là nhân vật có vấn đề nghiêm trọng về tâm lý, phải đối mặt với rối loạn căng thẳng sau sang chấn, trong nguyên tác không hề có thoại, chỉ là một người đàn ông suy kiệt, ghiền lửa đến mức: “No nê thỏa thuê, bụng căng đầy lửa, anh ngủ đến cả ngày sau. Nằm vạ vật bất cứ chỗ nào.” Để trị được vai này, đúng là cần đến cái kinh nghiệm của Quang Tuấn.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng bộ phim chỉ thực sự sống động khi “chứa đựng được tinh thần” của vùng đất mà nó muốn kể. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị, ông đã về miền Tây, về Cà Mau nhiều lần ngay cả trước khi viết kịch bản, bởi những chuyến đi giàu cảm xúc đó mới giúp hiểu rõ về đất và người nơi đây, cuộc sống thường nhật của họ và những khó khăn mà họ phải đối mặt. Nếu không nhìn tận mắt, làm sao thấu được cái bấp bênh trong đời sống bình lặng của họ?

Có lần, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về rất ngẫu nhiên, gặp những người dân sống bên các con kênh, các làng nghề truyền thống, tàu cá lên đênh trên biển. Lại nói, biển ở vùng cực Nam tổ quốc không đẹp, nó đục ngầu, đầy phù sa, bùn đất theo nghĩa đen, không trong xanh mướt mắt như ở Nha Trang, Vũng Tàu, nhưng nó mang cái mùi vị đặc trưng, là cái không khí không thể nhầm lẫn của vùng đất, cũng chính là linh hồn, là huyết mạch của bộ phim.

3- Tro Tàn Rực Rỡ không chỉ là tác phẩm điện ảnh, mà còn là tư liệu văn hóa quý giá

Cảnh cháy đúng như tên lẫn tinh thần của nguyên tác “Tro Tàn Rực Rỡ”, là những cảnh huy hoàng nhất và cũng đau đớn nhất. Để đạt được hiệu quả như ý, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng như đội ngũ thiết kế và quay phim phải thực hiện nhiều lần, tốn nhiều tâm huyết và công sức. Đạo diễn hình ảnh K’Linh thì phải tính toán về màu sắc, sao cho càng về cuối phim màu càng ít dần, chỉ thực sự nổi bật khi được ngọn lửa rực rỡ soi sáng, chính là để làm tương phản nổi bật lên cái đẹp trong sự hủy diệt.

Những căn nhà dùng để quay cảnh cháy trong phim được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và họa sĩ Lê Văn Thanh lấy cảm hứng chính từ không gian nhà người miền Tây, vốn có chút ảnh hưởng từ kiến trúc của người Chăm và Khmer. Nhà có sàn cao để tránh lũ, thoáng mát, dựng bằng nhiều cột, cọc từ gỗ tràm hoặc bạch đàn, kết hợp với ván gỗ tương đối vững chắc. Nhà thường hướng ra sông, bởi cách thức đi lại của bà con phần lớn dựa vào hệ thống kênh, sông, luồng, rạch chằng chịt. Nhìn thì khá đơn giản nhưng cũng nhiều chi tiết, nên việc đốt đi dựng lại không hề đơn giản, thế mới thấy sự kiên nhẫn của họa sĩ Lê Văn Thanh và ê kíp.

Căn nhà của vợ chồng Nhàn - Tam được ê kíp tính toán tỉ mỉ về sự đổi khác qua mỗi lần cháy. Đoàn phim quay hết các cảnh khi căn nhà nguyên vẹn rồi quay lần lượt tình trạng sau mỗi đám cháy. Ban đầu, căn nhà chiếm hết diện tích nền. Sau mỗi trận cháy, người thiết kế cố tình thể hiện diện tích nhà thu nhỏ lại, phô bày những cột cháy và các món đồ mang vết tích của lửa, làm rõ việc căn nhà trở nên chắp vá và lụp xụp hơn ban đầu. Khung cảnh “lửa cao hơn đọt dừa”, “tiếng cháy như pháo chuột”, “cháy trụi, chẳng còn gì” từ câu chữ tinh giản đặc trưng của Nguyễn Ngọc Tư theo đó hiển thị trước mắt người xem cho đến khi “thứ dào dạt tan đi trong lửa chỉ là cái chòi cột cặm, không hơn.”

Tương tự như nhà của Nhàn - Tam, chùa Thổ Sầu cũng được ê kíp dựng lại hoàn toàn trên một khu đất trống, với gỗ, ngói, các phần thiết kế mộc và cây cối được ê kíp mang từ Sài Gòn, Gia Lai… mấy ngàn Km mang về mà ghép lại theo kịch bản và tư liệu gốc. Công phu thế nên họa sĩ Lê Văn Thanh rất hài lòng.

Hình tượng sư thầy ở chùa Thổ Sầu được đưa lên phim khá sát nguyên tác mà thực tế cũng như vậy. Ngoài đời, dưới miền Tây, không khó để gặp một ông thầy “lâu lâu hứng chí quá uống chút rượu, về tụng kinh sám hối suốt đêm” như vai diễn của Mai Thế Hiệp. Thoạt nhìn thì “không giống thầy chùa”, nhưng mà là thầy tu thật đấy, không nhất thiết phải như người đời quen thói nghĩ nhà tu hành luôn nghiêm trang, từ tốn, dân miền Tây họ vốn không khắt khe chuyện đấy.

Những cảnh nhân vật Dương (Lê Công Hoàng) ra khơi có lẽ là mạo hiểm nhất, vì đánh đổi sức khỏe của cả đoàn làm phim, làm ai cũng tái xanh mặt vì say sóng. Trong khi, cảnh lũ trẻ dưới nước gây nhiều lo lắng cho đoàn phim. Đạo diễn hình ảnh K’Linh cho biết họ đã dựng một mặt sàn để các diễn viên nhí có thể đứng giữa sông, đảm bảo an toàn cho các em.

Cần nói thêm, cái đặc sắc trong những cảnh ngoài Gành Hào mà Lê Công Hoàng đảm nhiệm là nó tái hiện vô cùng chân thực nghề đóng đáy giữa biển, một nghề tương đối cực nhọc và đánh cược mạng sống với thủy thần. Cụ thể, đây là đóng đáy hàng khơi, có sự khác biệt rất lớn với đóng đáy hàng bè và hàng cặm trên sông, nó cực kỳ nguy hiểm vì giăng lưới, dựng chòi xa đất liền hàng chục Km để đón những luồng cá tép ngoài biển.

Đáng nói hơn, nghề này yêu cầu người dựng đáy (tức dựng cọc, chăng lưới) và đặc biệt là người giữ chòi (như nhân vật Dương được gọi là bạn chòi) phải có kinh nghiệm, vì chỉ cần chủ quan sơ suất là có thể mất mạng giữa biển như chơi, chưa kể bạn chòi phải gan dạ, bơi giỏi, tâm lý vững vàng, chấp nhận xa vợ con lâu ngày. Đây lại là chi tiết đắt giá vì trong phim nhân vật Dương cố ý đi ra biển làm bạn chòi để tránh né cô Hậu.

Có thể nói, việc đưa được cảnh đóng đáy hàng khơi của người dân Đất Mũi lên được màn ảnh rộng biến bộ phim Tro Tàn Rực Rỡ trở thành một tư liệu văn hóa vô cùng quý giá.

Về Quang Tuấn, anh lăn lê ở lò than, học cách hầm than - đây là một nghề truyền thống đã được xem là di sản phi vật thể, gắn bó từ lâu đời với cư dân sinh sống trên các lâm phần ở Cà Mau. So với nhiều nơi trong cả nước thì không có nơi nào ở nước ta sản xuất nhiều than củi như ở tỉnh Cà Mau cả. Cũng vì làm cái nghề cực nhọc này, mà Tam mới trở thành kẻ ám ảnh với ngọn lửa gây ra bao tang thương trong Tro Tàn Rực Rỡ.

Cuối cùng và cũng gần như đặc sắc nhất là cảnh đám cưới và rước dâu ở miền Tây, đôi khi rước dâu bằng xuồng ghe không phải là một lựa chọn, mà vì bạn không có cách nào khác. Bất kỳ ai sinh ra ở đồng bằng Sông Cửu Long thì chắc cũng đã được ít nhất một lần trải qua cái cảm giác thú vị này, bất kể là trong trong ngày vui của chính mình hay là của bạn bè, người thân, bà con họ hàng. Ở miền Tây, có những nơi mà chắc chắn là xe bốn bánh không thể đi đến, tận ngày nay vẫn vậy, do hệ thống kênh rạch chằng chịt, chỉ có các loại xuồng ghe nhỏ (còn gọi là vỏ lãi hay tắc ráng) mới đi vào được.

Có thể nói, tựa phim Tro Tàn Rực Rỡ bản thân nó ngoài việc là một tác phẩm nghệ thuật, thì còn thành công nhờ tái hiện và lưu giữ các tư liệu văn hóa rất hiếm khi được đưa lên màn ảnh rộng.

Kết lại, người viết xin được mượn lời của Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, anh đã xem phim và có những chia sẻ rất tâm đắc về Tro Tàn Rực Rỡ như một “sự thật điện ảnh” mà Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã mang lại: “Tôi khát quá lâu, đói quá lâu, thế rồi được cho ăn than, uống sình, nếm lửa, ngửi khói, nghe mưa, thế là sống lại. Bởi vì đấy chính là cái thứ điện ảnh mà tôi thân thuộc và nhờ nó mà mới thành người.”

Phim khởi chiếu từ ngày 2 tháng 12 năm 2022!

  • 28
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
25
Raven Guard
Raven Guardmột năm trước
Xinê House

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)