logo-maybe-vn
Mở app
Maybe Tâm Lý
Maybe Tâm Lýmột năm trước
Tâm Lý Học

RỐI LOẠN NHÂN CÁCH “KỊCH TÍNH”: TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI TÌM KIẾM SỰ CHÚ Ý VÀ CHẤP NHẬN TỪ BÊN NGOÀI ĐỂ CẢM NHẬN ĐƯỢC GIÁ TRỊ BẢN THÂN?

Nghiên cứu của Rienzi và Scrams ( 1991) diễn giải rằng người mang xu hướng rối loạn tính cách này thường cảm thấy như bản thân không được công nhận hay thậm chí là bị coi thường nếu như họ không được xem là trung tâm của mọi sự chú ý.

Họ là kiểu người “là tâm hồn và xương sống của buổi tiệc” , họ thu hút sự chú ý của đám đông bằng ngoại hình đặc biệt hay bất kì hành vi, tài năng rực rỡ khác .

Có lẽ đọc đến đây mọi người sẽ nghĩ “Ồ? Cái này giống y đúc với xu hướng rối loạn ái kỷ nhỉ?” - theo một số nhà nghiên cứu, họ cho rằng rối loạn tính cách kịch tính là một biểu hiện của nhân cách ái kỷ chứ không phải là một tình trạng tâm lý riêng lẻ. Tuy nhiên, theo “sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5)” thì rối loạn tính cách kịch tính là một rối loạn nhân cách hoàn toàn riêng biệt.

Và tất nhiên, một người có thể mang cả 2 xu hướng tính cách này và điều đó đôi khi làm quá trình chẩn đoán trị liệu tâm lý hơi phức tạp.

Rối loạn tính cách phát sinh khi một người phát triển một loạt các suy nghĩ và hành vi không linh hoạt và không khéo léo trong đời sống sinh hoạt xã hội, những kiểu hành vi sai lệch đáng kể so với chuẩn mực và đạo đức của văn hoá, xã hội nơi đó, ảnh hưởng đến cách người đó thiết lập các mối quan hệ xã hội.

Trước khi vào bài viết:

1.“Ôi cái gì cũng thành bệnh tâm lý” => Chính xác là rất nhiều hành vi, cách sống và suy nghĩ đều đã được nghiên cứu và đặt tên trong tâm lý học, xã hội học và khoa học hành vi. Tuy nhiên, rối loạn tâm lý hay không phải phụ thuộc vào cách nó ảnh hưởng đến cuộc sống của người đó ra sao, và ai là người chẩn đoán nó.

2. Điều gì người viết không nhắc đến không có nghĩa là người viết phủ nhận hay phản bác nó, mà chỉ đơn giản là kiến thức quá rộng rãi và người viết không thể gom hết vào một bài viết ngắn. Hãy là những người đọc văn minh tìm hiểu kiến thức một cách khách quan và đôi mắt mở rộng. Mọi thông tin đều được chia sẻ với mục đích tham khảo và không nhằm chẩn đoán hay định hình, bóp méo bất cứ ai và bất cứ điều gì.

“Histrionic personality disorder” hay rối loạn nhân cách kịch tính là một rối loạn tinh thần được lí giải như một hình mẫu cảm xúc được phóng đại quá mức và người mắc nó liên tục có các hành vi tìm kiếm sự chú ý từ người khác, hoặc tìm kiếm sự chấp nhận từ bên ngoài để nhận được giá trị của bản thân. Từ kịch tính ở đây có nghĩa như “dramatic” (như đóng kịch, một vở kịch đầy kịch) và “theatrical” (thuộc về sân khấu, sàn diễn kịch, những màn biểu diễn cường điệu). Rối loạn nhân cách kịch tính được xếp vào nhóm tính cách chung với rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic personality disorder) , rối loạn nhân cách đường ranh giới borderline personality disorder và rối loạn nhân cách chống đối xã hội (antisocial personality disorder).

NHỮNG BIỂU HIỆN THƯỜNG THẤY CỦA RỐI LOẠN TÍNH CÁCH KỊCH TÍNH (Theo DSM-5):

.Theo đó, người được chẩn đoán (bởi các chuyên giá có bằng cấp) rối loạn tính cách này đòi hỏi phải đáp ứng xuất hiện những hành vi phổ biến như: luôn tìm kiếm sự chú ý một cách nhất quán và gặp rối loạn trong việc điều chỉnh cảm xúc. Trong đó nếu gặp hơn 5 dấu hiệu như dưới đây:

1. Cảm thấy khó chịu khi người đó không phải là trung tâm của sự chú ý

2. Có sức quyến rũ, cám dỗ và có khả năng thực hiện các hành vi khiêu khích, khiêu gợi

3. Chuyển đổi cảm xúc rất nhanh chóng và mang cảm xúc hời hợt, không quá sâu sắc.

4. Sử dụng ngoại hình để tìm kiếm sự chú ý

5. Khả năng phát biểu, sử dụng lời nói ấn tượng và cách biểu đạt mơ hồ, khó nắm bắt (những điều họ nói không phải chỉ có một ý nghĩa chính xác nào đó, hoặc nó có thể mang những ý nghĩa khác)

6. Cường điệu cảm xúc và có xu hướng thể hiện cảm xúc kịch tính ( biểu hiện cảm xúc kiểu rất là “Drama”, kiểu mức độ mà không phải ai cũng có thể hiểu được vì như cái tên của nó - tính cách của họ như trong một bộ phim kịch)

7. Dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác (dễ bị ám thị)

8. Họ nhìn nhận các mối quan hệ xung quanh theo xu hướng “thân thiết, thân mật” hơn thực tế.

Những người có xu hướng tính cách này thường sử dụng hành vi “đàn áp, kiềm nén” cảm xúc và “phân tách sự chú ý” (khiến họ không phải tập trung vào vấn đề, mà thực hiện những hoạt động khác để tách rời sự chú ý của bản thân khỏi những sự việc họ không muốn đối diện trong cuộc sống) như một cơ chế phòng vệ của bản thân trong quá trình sống.

Theo đó, rối loạn nhân cách kịch tính thường xuất hiện ở khoảng 1.8% trong cộng đồng (nơi làm nghiên cứu) trong khi người mang xu hướng ái kỷ lại xuất hiện rất nhiều trong xã hội. Trong đó, có đến 50 - 70% nam giới mang xu hướng ái kỷ, trong khi số liệu từ Nestadt và các đồng sự (1990) cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc rối loạn nhân cách kịch tính gấp 4 lần nam giới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu phản biện rằng nguy cơ nữ giới bị chẩn đoán mắc vấn đề này nhiều hơn là vì xã hội thường cho rằng nam giới dễ dàng được chấp nhận khi thể hiện các hành vi khiê.u gợi, tán tỉnh hay thoáng về tì.nh dụ.c hơn nữ giới. Cũng như nam giới sẽ ít khi thổ lộ vấn đề của mình hơn nữ giới

Cũng giống như ái kỷ, người có vấn đề này thường có xu hướng tính cách hài hoà, trộn lẫn với bản ngã, cái tôi của họ, nên họ thường cho rằng các hành vi của bản thân là bình thường và rất khó để xác định hay biết rằng mình có một vài hành vi bất thường.

Vì khó xác định điều gì thất thường và bất lợi, nhiều người sẽ dần bị xu hướng tính cách của họ thu hút theo những hành vi phù hợp với nó trong xã hội (như việc quá tập trung vào tìm kiếm sự chú ý mà không biết rằng đó có phải là điều mà họ muốn hay không), từ đó có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ lẫn xáo trộn cuộc sống của họ.

Như ở các bài khác mình đã nói, các rối loạn tính cách không hề bất thường, chỉ khi khi cá nhân đó gặp khó khăn trong các mối quan hệ, và ảnh hưởng xấu lên sinh hoạt thì lúc đó họ có thể sẽ cần sự can thiệp của trị liệu.

NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ KHIẾN MỘT NGƯỜI CÓ XU HƯỚNG TÍNH CÁCH NÀY

Tuy không có bất kì lí do cụ thể nào được cho là trực tiếp gây ra vấn đề này, nhưng các nghiên cứu trước đây cho thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau tạo ra kiểu tính cách này.

Theo đó, rối loạn nhân cách kịch tính có thể phát triển bởi sự kết hợp giữa 2 yếu tố như học được từ môi trường sống xung quanh và tác nhân di truyền. Có nghĩa rằng, họ có thể học được cách biểu hiện các khuôn mẫu hành vi này thông qua việc trải nghiệm các tình huống trong cuộc sống lúc nhỏ và quan sát những người lớn xung quanh (như thuyết học tập xã hội - social learning theory) hoặc đứa trẻ đó được di truyền sự nhạy cảm từ những người thân khác trong gia đình.

Ví dụ như, một đứa trẻ có bố mẹ mang những hành vi kiểu này sẽ học từ họ, và lặp lại tương tự như những gì mà chúng nhìn thấy người lớn xung quanh từng dùng để đối xử với những người khác.

Một giả thuyết khác cũng được đặt ra để lí giải cho rối loạn này rằng: trẻ em phát triển kiểu tính cách này bởi những chấn thương trong thời thơ ấu. Từ những trải nghiệm đó, trẻ học được cơ chế phòng vệ để đối mặt với chấn thương cảm xúc, và từ đó có thể dẫn đến các rối loạn nhân cách.

Rối loạn nhân cách từ thời thơ ấu bắt nguồn từ nhận thức và hành vi trẻ dùng để thích nghi và đối phó với hoàn cảnh đau thương hoặc môi trường sống diễn ra sang chấn.

Những yếu tố khác từ môi trường ở thời thơ ấu gây nên xu hướng tính cách cũng có thể xuất phát từ sự hiểu lầm của trẻ em về cách những người xung quanh đối xử với mình. Khi còn bé, những đứa trẻ thường được khen rằng chúng múa hát thật đáng yêu, việc liên tục múa hát vui vẻ khiến chúng nhận được sự chú ý và tán thưởng từ những người lớn xung quanh, trong khi đôi lúc chúng làm những hoạt động khác nhưng lại không được nhận sự chú ý lớn như thế.

Từ đó, do thiếu đi những sự chỉ trích và trừng phạt vào đúng thời điểm , và sự ủng hộ tích cực chỉ đến với đứa trẻ khi chúng hoàn thành những hành vi chúng cho rằng “được người lớn chấp thuận” khiến đứa trẻ nhầm lẫn rằng hoại hành vi nào sẽ nhận được sự chú ý của người lớn, hành vi nào sẽ không được người khác ưa thích.

Phong cách nuôi dạy con cái của bố mẹ cũng có thể là một nguyên nhân ảnh hưởng lên xu hướng này của một đứa trẻ. Việc bố mẹ nuôi dạy con cái thiếu đi các ranh giới (kiểu như bố mẹ và con cái dính liền với nhau, không có khoảng cách hay định hướng cuộc sống riêng) hay nuông chiều con trẻ quá mức, thiếu đi sự nhất quán cũng có thể khiến trẻ phát triển mô hình tính cách này. Hơn nữa, bố mẹ nào có xu hướng tính cách thất thường, các hành vi và xu hướng tìn.h dụ.c không thích hợp, tính cách “nắng mưa thất thường” ,… cũng khiến con cái họ có nguy cơ cao phát triển vấn đề nhân cách này.

Và như nhiều rối loạn tinh thần khác, các yếu tố nguy cơ khác cũng có thể kể đến như gia đình có tiền sử rối loạn nhân cách, có người có vấn đề về bệnh tâm thần hay sử dụ.ng chấ.t kí.ch thích,..

Đôi khi, những người mang xu hướng luôn tìm kiếm sự chú ý và chấp thuận từ bên ngoài, sẽ dễ dàng đổ theo các ý kiến của người ngoài dù ý kiến đó không có dẫn chứng đáng tin đi chăng nữa.

Hành vi cần sự chú ý ấy có thể xuất phát từ sự ghen tị với người khác trong cuộc sống; hoặc người đó có lòng tự trọng thấp: khi ai đó nghĩ rằng họ bị coi thường, họ sẽ cố gắng khôi phục lại “Giá trị” bằng cách lôi kéo sự chú ý để lập lại sự cân bằng mà họ cần (sự chú ý mà họ có từ hành vi này giúp họ có cảm giác rằng họ đáng giá); sự cô đơn cũng có thể khiến một người mong mỏi tìm kiếm sự chú ý, quan tâm từ người khác dù bình thường người đó không phải là người có xu hướng lôi kéo sự chú ý.

Đối với người ái kỷ, họ mong muốn sự chú ý nhằm thể hiện rằng mình “đặc biệt” hay thậm chí là “Thượng cấp” hơn người khác; nhưng người với xu hướng kịch tính thường mong muốn được quan tâm và để ý vì họ mong mỏi được thuộc về, được là một mảnh phù hợp mà người khác cần.

Người ái kỷ yêu thích sự chú ý nhưng bên cạnh đó, nó phải đi cùng với sự tán dương, thán phục, hâm mộ mà người khác dành cho họ; nhưng ở người có xu hướng tính cách kịch tính, họ không quan tâm đến việc sự chú ý mà họ nhận được là gì. Họ cho phép người khác nhìn về họ với ảnh mắt thương hại, hay thậm chí là nhìn về họ với những đánh giá tiêu cực không lành mạnh - vì đối với họ thì việc được người khác chú ý cũng như chấp nhận là việc cần thiết hơn cả. Vì họ mang lòng tự trọng và đánh giá về giá trị của chính mình rất thấp, nên họ tìm kiếm sự đồng thuận của người khác để đắp lên giá trị cho chính mình.

Một điểm khác nữa so với xu hướng ái kỷ - người ái kỷ ít thể hiện cảm xúc thật cũng như họ kín đáo và tự bình tĩnh trong việc thể hiện cảm xúc tốt hơn. Thì người với cách thể hiện cảm xúc kịch tính thể hiện rằng mình dễ dàng trở nên khó chịu, buồn bực và tâm trạng thay đổi nhanh chóng dễ nhận biết.

TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ

Người mang xu hướng nhân cách kịch tính thường gặp khó khăn trong các mối quan hệ theo những cách khác nhau. Vì theo thời gian, những mong muốn, sự hài lòng cũng như háo hức về mối quan hệ dần trở nên nhàm chán với họ, từ đó họ có xu hướng tìm kiếm cảm giác đó ở một người mới. Ngoài ra, bởi họ luôn xem rằng mối quan hệ của họ với người khác thân mật và sâu sắc hơn vốn có, nên khi đối mặt với sự thật rằng mối quan hệ với bạn bè, nhóm xã hội hay người yêu không hề sâu đậm như họ nghĩ sẽ khiến họ trở nên đau khổ.

Khác với ái kỷ, người mang xu hướng kịch tính thường phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ và dễ dàng hành động theo nhiều cách để thu hút sự chú ý từ người kia. Và họ có khả năng thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn với người khác, họ thậm chí có thể trầm uất hay cảm thấy một lỗ hổng trong tâm hồn xuất hiện khi thiếu đi sự quan tâm của người kia (thậm chí có thể đe doạ người khác để lôi kéo sự chú ý và săn sóc - cái này hay thấy ở mấy nhân vật phản diện, “trà xanh” trong phim nè)

Một nghiên cứu từ Tạp chí về trị liệu tìn.h dụ.c và hôn nhân tìm ra rằng phụ nữ mắc xu hướng này thường có sự quyết đoán kém hơn trong tì.nh dục, kém hơn trong mong muốn giới tính và ít hài lòng với hôn nhân hơn. Họ cũng thể hiện rằng họ bận tâm hơn về vấn đề giới tính hoặc gặp các vấn đề khác trong cảm xúc và cách quyết định trong chuyện tình dụ.c hơn người không mắc nó.

PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU/ CÁCH CẢI THIỆN VẤN ĐỀ NÀY

Hic, những phương pháp trị liệu tâm lý thường cần đến sự hỗ trợ của nhà trị liệu, nên nhiều khi mình chỉ post các tips và các vấn đề nào có thể tự cải thiện. Thành ra nhiều bạn comment rằng “sao không post cách chữa trị?”. Bệnh tâm lý cũng như bệnh vật lí, đều sẽ cần đến người có bằng cấp để thực hiện chứ không thể luôn có cách tự mình chữa lành - đặc biệt là các vấn đề đã chuyển biến cực nghiêm trọng. Họ có thể chuyển biến thành trầm cảm nếu như rơi vào các vấn đề như mất đi mối quan hệ hay thất bại trong việc tìm kiếm sự chú ý.

Ngoài ra bạn có thể tự tìm kiếm những phương pháp cải thiện lòng tự trọng hay các dấu hiệu triệu chứng khác.

1. Liệu pháp Hỗ trợ Tâm lý (Supportive psychotherapy) là một phương pháp sử dụng các biện pháp trực tiếp cải thiện các triệu chứng, cũng như giúp phục hồi hoặc duy trì lòng tự trọng; cũng như hỗ trợ chức năng của “Cái tôi” và kĩ năng thích ứng của người cần trị liệu. (Theo psychiatrictimes)

2. Tiếp cận bằng phân tâm học: Liệu pháp tâm động học (Psychodynamic psychotherapy)

Liệu pháp này tập trung vào gốc rễ của tâm lý và cảm xúc đau khổ của một cá nhân. Mối quan hệ với người trị liệu như một ô cửa sổ giúp người kia nhìn vào những điều gây ra cảm xúc đau khổ trong cuộc sống của người đó. Cách tiếp cận này đặc biệt giúp người cần chữa lành tự nhìn nhận lại bản thân, tự giúp người đó phản ánh cảm xúc và cuộc sống của mình cũng như tự xem xét và kiểm tra xem điều gì đang khiến cuộc sống của họ đau khổ.

Liệu pháp tâm lý động lực học này nhằm giúp một người giải quyết các xung đột tiềm ẩn trong tiềm thức, một nỗ lực giúp người đó nhìn nhận và hiểu hành vi và bản thân tốt hơn. Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học phát hiện ra rằng phía sau các “triệu chứng tâm lý” của mỗi một người tìm đến ông đều che giấu một nỗi sợ sâu thẳm trong tiềm thức. Bên trong họ luôn chứa đựng một mối bận tâm nào đó mà họ sợ hãi che đi, khiến nó trở thành một nỗi lo lắng khác hay thậm chí biến thành một vết thương, một sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến cơ thể và sức khoẻ.

Tranh: Ilaria Urbinati
Tranh: Ilaria Urbinati

Những tiềm thức ẩn và nỗi sợ ấy khiến họ cảm thấy tủi hổ, nhục nhã và thậm chí là họ kinh tởm nó. Và thường những nỗi lo âu thường đi kèm với sự căm ghét và sự giận dữ nhắm vào chính bản thân họ. Và những vấn đề tâm lý đó thường sẽ mâu thuẫn với cách mà bản thân người đó tự nhìn nhận chính mình.

Theo đó, người có xu hướng kịch tính sẽ được các nhà trị liệu khuyến khích thay đổi những lời nói mang tính kịch tính bằng các hành vi dễ thích ứng hơn, nhằm thúc đẩy khả năng giao tiếp của họ với người khác. Thông qua liệu pháp này, người đó nhận ra rằng các hành vi “bất thường” hay nhu cầu tìm kiếm sự chú ý từ người khác là không thực sự phù hợp với cuộc sống của họ, cũng như giúp họ khám phá ra những cách lành mạnh hơn để cải thiện lòng tự trọng.

3. Liệu pháp tâm lý hành vi (Cognitive behavioral therapy) giúp một người học cách thách thức những suy nghĩ khiến họ hành động và thực hiện các hành vi mong muốn được chú ý, từ đó thay thế các hành vi đó bằng các hành động tích cực và lành mạnh hơn.

- Ngoài ra nhiều nhà trị liệu còn cung cấp thuốc chống trầm cảm để hỗ trợ vấn đề này trong việc giúp người đó cân bằng cảm xúc.

Nguồn: Psychological facts - Tâm lý học và xã hội học Việt Nam. Bài viết được đăng dưới sự cho phép của tác giả NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Maybe Tâm Lý
Maybe Tâm Lýmột năm trước
Tâm Lý Học

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)