logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Hamột năm trước
Reading

Hồ Điệp: Trang Chu hoá bướm hay bướm hoá Trang Chu?

Đã có dịp đọc Vương Mông từ truyện ngắn Người trẻ tuổi mới về phòng tổ chức - tác phẩm bước đầu làm nên tên tuổi Vương Mông, nhưng phải đến Hồ Điệp, mình mới bắt đầu ấn tượng với tác giả này. 

Cái xúc động mà Hồ Điệp mang lại cho mình không hẳn là sự kiên cường trong phẩm chất con người qua thời gian, mà là những băn khoăn về danh tính xã hội của nhân vật. Chúng ta có thể xây dựng được bao nhiêu danh tính trong cuộc đời này và ta sẽ hạnh phúc với danh tính nào, hay sẽ “được” sống với danh tính nào xuyên suốt nhất? Và ta sẽ hạnh phúc với nó chứ? Làm thế nào để tạo được sự cân bằng giữa các danh tính khác nhau?

Cách kể đan xen dòng ý thức và xáo trộn không - thời gian của Hồ Điệp đôi khi khiến mình bối rối. Nhưng Vương Mông kể rất trôi chảy, rất đã, tức là không dông dài, mà chi tiết này gối liền chi tiết kia khiến tất cả trở thành một bức tranh vô cùng đặc sắc. Mình đã đọc một số tác phẩm về thời gian các công chức, tri thức Trung Quốc phải đi cải tạo lao động. Đa phần đều dấy lên cảm giác uất hận, phi lý và bức bối. Nhưng với Hồ Điệp, thời gian Trương Tư Viễn phải đi cải tạo lại là khoảng thời gian mà mình cho là thanh thản nhất của ông. Là quãng thời gian mà Trương Tư Viễn không biết là mộng hay thực. Ông vừa tỉnh dậy sau một cơn mơ dài, hay ông chỉ vừa mới thiếp đi và tiến vào cõi mộng? Ông đang là bướm hay đã trở về làm Trang Chu? Ông từng là người được gọi là bí thư Trương, hay tất cả chỉ là một ảo ảnh đã tan vỡ?

Khi Trương Tư Viễn đứng trên đài chịu đấu tố, danh tính bí thư Trương, Đảng viên gương mẫu,... đều lần lượt bị người ta bác bỏ. Những hoài nghi, đau đớn khi ấy mới não lòng làm sao. Ông không hiểu sao người ta lại quy ông là phần tử “tam phản”, là Trương Tư Viễn hắc bang. Tại sao người ta lại ấn cho ông hình hài ấy. Sự khủng hoảng danh tính đã bắt đầu manh nha từ khi ấy. Hồ Điệp không chỉ là một câu chuyện cuồn cuộn hoài bão của một con người có chí với đất nước, mà còn là sự diễn tả mong manh về danh tính con người trước guồng quay xã hội đầy biến động. 

“Không, đấy không phải nguyên hình mà là hình hài biến dạng. Ông phải kiên cường, chịu đựng được sự khảo nghiệm biến hình đó.” 

Phải nói thực, mình không có mấy thiện cảm với Trương Tư Viễn ở khoảng 1/3 đầu truyện. Vương Mông xây dựng nhân vật này thành hình mẫu gần như lý tưởng của Chủ nghĩa xã hội, là “nô lệ” của nhân dân, nhưng lại thiếu đi sự cảm thông với những người thân thiết xung quanh. Khi ông bỏ bê gia đình vì mải lo công việc, nói những lời lẽ vô tâm, lạnh lùng với vợ, bày tỏ không có tình cảm sâu sắc với con trai, mình ghét Trương Tư Viễn vô cùng. Cũng khó hiểu vô cùng, tại sao tình yêu của ông đối với người vợ Hải Vân lại phai nhạt nhanh như thế? Nhưng hoá ra không phải tình yêu phai nhạt, mà danh tính bí thư Trương đã lấn át vai trò người chồng, người cha của Trương Tư Viễn. 

Ở phần đầu, Vương Mông nói nhiều về lý tưởng và hoạt động của Trương Tư Viễn khi làm việc tại Thị uỷ thành phố. Nhưng những chi tiết ấy khiến mình có cảm giác bị ngộp vì “hành chính” quá, “phép tắc” quá. Sao mà không thấy chút hơi ấm mềm mại từ con người. Thế rồi thời thế đảo điên, bí thư Trương trở thành một tên phản đồ, quay về với những gì nguyên sơ giản dị nhất của một con người, sống như một con người bình thường.

Trở về với cái tên bác Trương - không còn là bí thư, không còn là một cán bộ cao cấp, Trương Tư Viễn đã có cơ hội suy ngẫm, truy vấn về cuộc sống và chính bản thân mình. Từ đây, mạch truyện chậm lại và êm dịu hơn rất nhiều. Cũng ở nơi đây, ông và con trai Đông Đông đã tiếp xúc, thân thiết với nhau hơn (mình cứ bị buồn cười mấy chỗ Đông Đông bảo con không nói chuyện với bố nữa vì khác biệt tư tưởng, nhưng khi ông về thăm lại chốn này, anh vẫn đến đón ông). Sức sống lan toả trên những trang sách khiến không chỉ Trương Tư Viễn, mà mình cũng ngỡ đang đi trong mộng. Hoá ra niềm vui lại giản đơn như vậy ư? Khi ta được trải nghiệm và sống như mọi người. Khi ta trực tiếp đón nhận tình cảm của mọi người một cách ngang hàng trước nhất.

Đối với mình, Hồ Điệp là một tác phẩm cần thời gian để “ngấm”. Khoảng mấy chục trang đầu, mình gần như “lết” đúng nghĩa bởi các sự kiện, ngày tháng năm… được kể dù trôi chảy nhưng vẫn mang cảm giác khô khan. Song càng đọc, càng vào guồng với vòng quay thời gian của Vương Mông, càng gặp gỡ nhiều con người trong câu chuyện này, càng thấy quý sao thứ tình cảm nguyên sơ không toan tính giữa người với người. Cũng chính thứ tình cảm này khiến một bí thư Trương cao cao tại thượng trở thành một bí thư của dân - một cách đúng nghĩa nhất. Ông không còn là một cán bộ khô khan chỉ biết sống trong phòng làm việc, ngồi phê duyệt công văn tại thị uỷ to lớn hay đến những cuộc họp cấp cao. Ông trở thành một cán bộ với trái tim nồng cháy thực-sự.

Từ truyện ngắn Người trẻ tuổi mới về phòng tổ chức hay Hồ Điệp, Vương Mông đều không ngần ngại đề cập đến chính trị, những bất công, quan liêu trong bộ máy nhà nước. Nhưng có một thứ tinh thần không bao giờ thay đổi, luôn nhen nhóm sau những tiêu cực xảy ra - ấy là niềm tin và ý chí về một tương lai tươi sáng, công bằng hơn. 

Đánh giá cá nhân: 3.5/5

  • 214
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
242
Ha Ha
Ha Hamột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)