
Sáng Trăng – “Đọc Maupassant, ta khóc, ta cười, và ta suy nghĩ.” (Émile Zola)
Warning: Bài viết có spoil nội dung sách
Sau Nơi Nhà Người Bạn thì Sáng Trăng là tập truyện ngắn thứ hai của Maupassant được dịch và phát hành ở Việt Nam. Tương tự như quyển trước thì đây cũng là tập gồm các truyện ngắn được viết riêng lẻ trong khoảng thời gian mười năm sáng tác ngắn ngủi của ông. Với mười ba câu chuyện ngắn, “người kể chuyện bậc nhất” nền văn học Pháp sẽ một lần nữa đưa độc giả về với bầu không khí quen thuộc nơi xứ cảng Le Havre vùng Normandie.
Dưới bầu trời Sáng Trăng, ta sẽ thấy không khí nên thơ có phần nhẹ nhàng hơn so với Nơi Nhà Người Bạn. Nơi ấy ta sẽ bắt đầu bằng một chút ngọt ngào từ Bố Của Simon, một chút Sáng Trăng đầy thi vị, một chút hoài niệm từ Menuet, Một Cuộc Quyết Đấu và Đi Ngựa. Tiếp đến sẽ có một chút buồn của Cô Châu, một chút tàn nhẫn của Con Quỷ, Bà Hermet, Cái Thùng Con, thêm chút bi hài của Được Huân Chương và Người Đã Khuất. Cuối cùng là một chút bi kịch trái ngang nơi Bến Cảng và nỗi uất hận u sầu của Cho Một Cốc Đây!. Tất cả đều xoay quanh chủ đề quen thuộc trong sáng tác của Maupassant là viết về sự đau khổ trong tâm hồn con người.
Ai đã đọc bài review trước về Nơi Nhà Người Bạn của mình hẳn sẽ biết mình thích cách kể chuyện của tác giả này vô cùng. Ông có cái lối kể ngắn gọn điển hình của các nhà chuyên viết truyện ngắn, nhưng lại không bị thiếu đi cái vẻ cầu kì đặc trưng của văn học Pháp. Các truyện ngắn của ông luôn được gói gọn trong một bối cảnh nhỏ với một số lượng nhân vật nhất định, hầu như chỉ khoảng hai hay ba nhân vật cho mỗi câu chuyện. Cốt truyện luôn rõ ràng, mạch lạc, dẫn đến cái kết tưởng chừng như đơn giản nhưng lại luôn là phần mang đến sự bất ngờ.
Điểm nổi bật của tập truyện lần này là mình đã thấy được nhiều vẻ đẹp của nước Pháp xưa cũ dưới ngòi bút Maupassant hơn. Ấy chính là khung cảnh đẹp đến hư ảo đã làm lay động tu viện trưởng trong đêm trăng sáng, là bờ sống nơi chú bé Simon ngồi khóc, là căn nhà xinh đẹp ở Thành Rouy nơi nuôi lớn cô Châu và là bóng hình thời quá khứ huy hoàng từ điệu vũ Menuet. Trong số đó, câu chuyện về điệu Menuet để lại cho mình nhiều ấn tượng hơn cả.
“Họ đi đi lại lại với những điệu bộ trẻ thơ, mỉm cười với nhau, lắc lư người, nghiêng mình, nhảy nhót như hai con búp bê cũ kỹ nhảy múa được nhờ một bộ máy cổ đã gãy hỏng đôi chút, xưa kia do một người thợ cực kỳ khéo léo chế tạo nên, theo kiểu cách thời ấy."
Khi Jean Bridelle còn trẻ, ông đã gặp một ông lão từng là thầy dạy khiêu vũ dưới thời Louis XV. Và dù đã trải qua vô vàn chuyện tàn khốc trong cuộc đời mình thì Jean vẫn khẳng định điều làm ông xót xa nhất vẫn là câu chuyện của ông già nhỏ bé ấy. Ông lão đã từng có một sự nghiệp huy hoàng vào những ngày mà các điệu vũ vẫn còn được phô bày dưới đúng vẻ lộng lẫy của nó. Thuở ấy cô đào Castris vẫn còn là vũ nữ trứ danh được các ông hoàng săn đón và “được cả cái thế kỷ ăn chơi hào hoa yêu dấu” chứ nào phải một bà già nhỏ bé mỗi chiều ngồi dưới góc vườn ươm.
Phần đầu sách với những truyện mang nét nhẹ nhàng như Menuet thực sự đã làm mình bất ngờ đôi chút, vì mình đã chờ Maupassant mang đến những thứ thú vị hơn. Nhưng càng về những phần sau đấy thì ông càng không làm mình thất vọng. Vẫn bằng giọng kể thư thả cho những buổi trà chiều, ông lại đưa ta về với những sự tình ngang trái nơi vùng quê hẻo lánh Normandie. Ở đó ta nghe về một người đàn bà làm việc trông coi người hấp hối, về một gã chủ quán luôn nhăm nhe trang trại của một bà già, về người phụ nữ vì hèn nhát mà mặc con trai mình chết trên giường bệnh, về những gã đàn ông bị “cắm sừng”, và về chuyện éo le giữa một tay thủy thủ và cô gái điếm.
Những câu chuyện ấy sẽ cho ta thấy sự đáng sợ của những tâm hồn tha hóa, điển hình như Chiếc Thùng Con. Chuyện kể về cách mà gã Chicot ranh ma đã lấy được quyền thừa kế trang trại của mụ già keo kiệt Magloire. Ban đầu họ lập giao kèo về việc Chicot sẽ chu cấp mỗi tháng cho Magloire để sau này khi mụ chết thì trang trại của mụ sẽ được trao cho gã. Nhưng rồi sự dẻo dai của mụ Magloire làm Chicot hối hận, hắn vắt óc nghĩ cách cho bà cụ sớm xuống mồ. Gã bắt đầu mời mụ uống rượu, mỗi lần đến sẽ tặng mụ một chiếc thùng con đựng đầy thức rượu hảo hạng nhất. Lối sống thanh đạm cả đời không đủ để mụ cưỡng lại món quà ấy, vậy là mụ Magloire đâm ra nghiện rượu. Nhờ thế mà thay vì phải đợi đến hơn chục năm có lẻ thì Chicot đã có được trang trại vào mùa đông năm sau, khi người ta tìm thấy mụ Magloire bị vùi trong đống tuyết vì quá chén.
Cái tài tình của Maupassant nằm ở chỗ ông rất biết cách xây dựng các tình huống để bộc lộ bản chất nhân vật thực rõ ràng và tự nhiên. Ông cho ta thấy bi kịch trong tâm hồn con người không chỉ xuất hiện khi họ gặp khó khăn, mà nó còn xuất hiện trong cả những lúc người ta phó mặc bản thân cho lòng tham và sự ích kỉ. Chỉ cần có một chút biến cố nhỏ là ngay lập tức chúng sẽ trỗi dậy, làm đủ mọi cách để lấy được thứ chúng muốn, mặc kệ những thứ gọi là đạo đức hay lương tri.
Bằng giọng điệu nhẹ nhàng thân thuộc, Maupassant sẽ dẫn bạn đến đủ mọi ngóc ngách nơi xứ Pháp xa xôi để kể cho bạn nghe những câu chuyện về đủ loại người như thế. Chắc chắn chúng sẽ làm bạn khóc, làm bạn cười và buộc bạn phải ngồi suy nghĩ.
Đánh giá cá nhân: 4/5
Hoàng Linh
- 1
- 0Bình luận