logo-maybe-vn
Mở app

1816: Năm không có mùa hè

1816 là một năm đặc biệt trong lịch sử loài người. Năm ấy bởi vì sự ảnh hưởng từ vụ phun trào núi lửa Tambora mà mùa hè đã có sương giá và tuyết rơi nhiều nơi ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ.

Cách đây hơn 200 năm đã xảy ra hiện tượng biến đổi khí hậu vô cùng khắc nghiệt đến mức cuộc sống con người đảo lộn, mùa hè đã biến mất và giá lạnh cứ thế đến ám ảnh thế gian trong lầm than, đau khổ vì thời tiết. Giai đoạn đó là vào đầu thế kỷ 19 với những sự kiện diễn ra được xem là các trường hợp biến đổi khí hậu toàn cầu ghi nhận sớm nhất trong lịch sử thế giới. Và năm 1816 vì vậy mà được gọi với cái tên “năm không có mùa hè”.

Bắt đầu với vụ phun trào của núi lửa Tambora

Vào ngày 10/04/1815, núi lửa Tambora tại đảo Sumbawa ở Indonesia đã phun trào, kéo theo hệ quả khôn lường như thể hủy diệt Trái Đất vậy. Vụ phun trào núi lửa đã đẩy một lượng lớn đá có đường kính lên đến 20cm cùng như hàng tấn tro bụi và khí SO2 (sulphur dioxide) vào khí quyển bốc lên cao tới 43km, chạm tới tầng bình lưu, phủ kín toàn bộ khu vực với bán kính 160km xung quanh và khói bụi bay xa đến ít nhất 1.300 km về phía Tây Bắc.

Vụ phun trào này còn gây ra sóng thần, lốc xoáy rồi lũ lụt, dịch bệnh hoành hành khắp nơi. Theo NASA, đã có khoảng 10.000 người bỏ mạng vì thảm họa này còn Live Science cho biết, núi lửa Tambora phun trào có mức độ cực kỳ nguy hiểm ở thang 7 với sức công phá tương đương với 1.000 triệu tấn TNT phát nổ.

Hệ quả của vụ thảm họa thiên nhiên này có ảnh hưởng đến mãi về sau khi làm giảm nhiệt Trái Đất. Tro bụi của núi lửa không chỉ bao phủ một vùng đất đai rộng lớn khiến cây trồng, vật nuôi không thể tồn tại, nguồn nước bị ô nhiễm mà còn xâm chiếm vào tầng bình lưu, lớp tro bụi dày đến mức che phủ cả ánh nắng Mặt Trời. Điều này dẫn đến hiện tượng giảm nhiệt trên toàn cầu vào đầu năm 1816 và kéo dài đến tận mùa đông với cái lạnh đến mức chim c.h.ế.t ngay khi đang bay.

Mùa hè biến mất, thế gian chìm trong tai ương

Ước tính nhiệt độ Trái Đất giảm khoảng 3 độ C vào năm 1816 và dẫn đến sự thay đổi thời tiết gây ra những hậu quả khôn lường.

Theo nhà khí hậu học người Mỹ William J Humphreys vụ phun trào núi lửa đã thổi tro bụi vào tầng bình lưu. Sau đó, gió đã thổi tro bụi bay khắp thế giới và đám mây bụi này tạo ra một mặt phẳng phản chiếu lại nhiệt lượng từ Mặt Trời, làm giảm nhiệt độ của Trái Đất. Điều này dẫn đến tuyết có màu nâu đỏ đã rơi ở Hungary và Italy, tuyết này do tro núi lửa lẫn vào trong khí quyển. Ngoài ra ở khu vực Appalachian và New England (Mỹ) tuyết vẫn rơi đến tận tháng 6, tháng 7; còn phía Bắc bán cầu thì lượng mưa tăng lên.

Năm 1816 còn được gọi là "năm đói nghèo" của Mỹ khi năng suất thu hoạch cây trồng ở nhiều nơi giảm tới 90%, nông sản khan hiếm, các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá khiến người dân rơi vào cảnh đói khát trầm trọng.

Sự kiện núi lửa Tambora phun trào đã dẫn đến một chủng bệnh tả mới xuất hiện. Chủng bệnh này phát sinh do thời tiết thay đổi tại Vịnh Bengal, khu vực Nam Á. Ở Ấn Độ, những cơn gió ẩm không xuất hiện đã gây ra hạn hán trầm trọng, rồi đến là lũ lụt, người dân thì đói khát dẫn đến khả năng miễn dịch kém làm dịch bệnh lan truyền mạnh, vi khuẩn tả đột biến thành dạng khác, có khả năng thích nghi cao hơn. Dịch tả lan khắp châu Á rồi lan khắp toàn cầu, đe dọa đến sức khỏe con người đến tận ngày nay.

Tại Trung Quốc, gió mùa đến quá mạnh, gây nên lũ lụt trầm trọng vì sự kiện núi lửa Tambora. Thời tiết lạnh giá bất hợp lý và mưa đã làm gián đoạn vụ mùa lúa, vì vậy nông dân đã chuyển sang trồng anh túc, loài cây chế biến ra t.h.u.ố.c p.h.i.ện.. Từ đây mà dẫn đến những cuộc xung đột kinh tế quyết định liên quan việc buôn bán t.h.u.ố.c p.h.i.ệ.n tại Trung Quốc cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Quá trình này sau đó đã tạo điều kiện để hình thành nên vùng T.a.m g.i.á.c v.à.n.g ở Đông Nam Á.

Tại Bắc Cực, nhiệt độ lại ấm lên, khiến băng tan chảy và tạo thành lối thông Tây Bắc (Northwest Passage) giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Cũng từ đây mà khởi đầu cho kỷ nguyên thám hiểm Bắc cực.

Năm không có mùa hè sẽ còn xuất hiện?

Theo các chuyên gia hành tinh của chúng ta có khoảng 20 siêu núi lửa đang hoạt động và chúng có thể phun trào gây nên những hậu quả khôn lường. Trái Đất đang đối mặt với với sự biến đổi khí hậu và khi sự việc tương tự như núi lửa Tambora phun trào năm 1815 xảy ra thì hệ quả còn nặng nề hơn so với những gì diễn ra trong quá khứ.

Tuy nhiên việc phun trào núi lửa có mức độ trầm trọng, nguy hiểm ảnh hưởng đến khí hậu như thế này theo nghiên cứu sẽ xảy ra khoảng 100.000 năm một lần nên đến lúc đó những bạn đọc bài viết này chắc đã thành hóa thạch rồi.

Cre: ranker, tổng hợp

  • 1
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)