logo-maybe-vn
Mở app
Trần Ái Vi
Trần Ái Vi2 năm trước
Earth

Chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực có nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, loài chim biển không biết bay này đang nhận được các biện pháp bảo vệ mới theo Đạo luật về các loài nguy cấp hay còn gọi là ESA.

Chim cánh cụt hoàng đế dựa vào băng biển để tạo thành đàn, sinh sản, tránh những kẻ săn mồi dưới đại dương và kiếm ăn. Tuy nhiên, khi nhiệt độ Trái đất tăng lên liên quan đến khí thải nhà kính và carbon dioxide, băng biển có nguy cơ biến mất. Khi băng biển tan chảy sớm hơn trong mùa so với dự kiến do hiện tượng ấm lên toàn cầu, quần thể chim cánh cụt sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Martha Williams, giám đốc Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố: “Danh sách này phản ánh cuộc khủng hoảng tuyệt chủng ngày càng tăng và nhấn mạnh tầm quan trọng của ESA và nỗ lực bảo tồn các loài trước khi sự suy giảm số lượng trở nên không thể đảo ngược”.

Theo Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts nếu chim cánh cụt hoàng đế bị tổn thương và suy giảm, rất có thể các loài khác trong hệ sinh thái cũng gặp rủi ro tương tự do khủng hoảng khí hậu. Thức ăn của chim cánh cụt hoàng đế là nhuyễn thể, cá và mực, nhưng chúng cũng làm mồi cho hải cẩu và cá voi sát thủ.

Theo Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ, có khoảng 61 đàn chim cánh cụt hoàng đế sinh sản dọc theo bờ biển Nam Cực, khoảng 270.000 đến 280.000 cặp sinh sản (hoặc 625.000 đến 650.000 cá thể chim cánh cụt, bao gồm cả con non). Quần thể chim hiện đang ổn định, nhưng nghiên cứu cho rằng quần thể chim cánh cụt hoàng đế sẽ giảm 26% đến 47% vào năm 2050.

Chim cánh cụt hoàng đế là loài to lớn nhất trong số 18 loài chim cánh cụt. Chúng có thể nặng tới 88 pound (40 kg) và cao 45 inch (1,1 mét). Một con chim hoàng đế cái đẻ một quả trứng mỗi mùa sinh sản, sau đó chuyển nó cho bạn tình đực để ấp trong khi kiếm ăn trong khoảng thời gian hai tháng.

Khi chim mái trở về, nó sẽ chia sẻ nhiệm vụ nuôi dạy con cái với bạn tình cho đến khi chim con rời đàn khoảng 150 ngày sau khi sinh. Sau đó, chim cánh cụt con có thể tự chăm sóc bản thân và đi ra vùng nước mở để kiếm thức ăn.

Theo Viện Hải dương học Woods Hole, Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng là luật môi trường mạnh nhất thế giới tập trung vào việc ngăn chặn sự tuyệt chủng và tạo điều kiện phục hồi các loài bị đe dọa. Gấu bắc cực là loài đầu tiên được liệt kê là bị đe dọa do biến đổi khí hậu theo Đạo luật về các loài nguy cấp vào năm 2008. Kể từ đó, nhiều quần thể gấu Bắc cực trên thế giới đã ổn định, nhưng chúng vẫn dễ bị tổn thương khi cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục diễn ra.

Việc liệt kê có thể giúp thiết lập các chiến lược để tăng khả năng phục hồi của các loài bị đe dọa và giảm các mối đe dọa đối với sự tồn tại của chúng. Đối với chim cánh cụt hoàng đế, điều này có ý nghĩa rất lớn trong thực hành bảo tồn, tăng cường tài trợ cho các nỗ lực bảo tồn và có khả năng nghiên cứu nhiều hơn về loài này.

  • 23
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
28
Trần Ái Vi
Trần Ái Vi2 năm trước
Earth

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)