logo-maybe-vn
Mở app
Hoài Trinh
Hoài Trinh3 năm trước
Movie

Cánh Cung và “cổ tích” đầy nhạc tính của Kim Ki Duk

Dù chưa xem hết filmography của vị đạo diễn họ Kim, khá chắc Cánh Cung (The Bow) là một trong những phim mình yêu thích nhất của ông. Không chứa đựng tầng tầng lớp lớp triết lý về Phật giáo như Xuân Hạ Thu Đông Rồi Lại Xuân, cũng chẳng cực đoan đến tận cùng như Moebius, Cánh Cung chinh phục mình bằng sự hoà quyện đầy mê hoặc giữa thơ ngây và bí ẩn, vừa thuần khiết nhưng cũng thật quái đản…

Một lão ngư sống trên chiếc thuyền lênh đênh giữa biển khơi cùng một cô gái trẻ. Người ta rỉ tai nhau rằng ông già đã “tìm thấy” cô từ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh và từ đó đã luôn chăm sóc cô chu đáo, tất cả để chuẩn bị cho việc trở thành cô dâu tương lai của ông vào sinh nhật lần thứ mười bảy. Cả hai kiếm sống bằng cách cho những người từ đất liền thuê vị trí để câu cá và bói toán với cách thức cực kỳ độc đáo: cô gái sẽ ngồi lên xích đu, đung đưa qua lại trước bức tranh Phật giáo trên mạn thuyền trong khi ông già bắn tên về phía đó.

Nhịp sống bình lặng của hai người cứ thế trôi qua yên ả như muốn dọn đường cho mục tiêu quan trọng nhất của ông già. Thế rồi ngay khi thời khắc mà lão ngày đêm mong ngóng cận kề, một chàng thanh niên điển trai bất ngờ xuất hiện trên thuyền, nhanh chóng chiếm trọn sự chú ý và mê say của cô gái, từ đó đẩy mối quan hệ lên cao trào mới đan xen giữa yêu thương và căm ghét, nổi loạn cùng chiếm hữu.

Qua hình ảnh chiếc thuyền mộc mạc trơ trọi giữa đại dương mênh mông xuyên suốt từ đầu đến cuối mà không có lấy một khoảnh khắc trên mặt đất, Kim như muốn cô lập khán giả hoàn toàn trong một thế giới khép kín, tách biệt với cái ổn ã của cuộc sống hiện đại để trở về với những gì nguyên thuỷ và hoang sơ nhất. Để rồi bất chấp phông nền tối giản là thế, những nhân vật của Kim vẫn luôn cho thấy thứ nội tâm mãnh liệt, ham muốn và xung đột âm ỉ chực trào trong từng hơi thở, ánh mắt.

Điện ảnh của Kim xưa nay vẫn nổi tiếng kiệm lời, nhạc nền cũng cực kỳ tiết chế. Nhưng The Bow có lẽ là trường hợp hiếm hoi mà âm nhạc vang vọng mạnh mẽ và củng cố mạch truyện nhiều đến vậy. Giai điệu được tạo nên từ chính cây cung của ông lão mang đến sự pha trộn thi vị giữa âm hưởng dân ca êm dịu và tiếng vĩ cầm não nề da diết, tựa hồ muốn thay lòng người xáo động bộc bạch tâm tình.

Không chỉ là nhạc cụ, cây cung còn là thứ vũ khí hữu hiệu mà ông già đe doạ những kẻ muốn ve vãn và có ý đồ xấu với cô gái. Nó đồng thời cũng là phương tiện ông sử dụng cho nhu cầu tìm kiếm vận may của các khách hàng. Và dĩ nhiên, với những gì học được từ “cha nuôi”, cô gái cũng dùng cung thành thạo chẳng kém, tư thế bắn cung tinh nghịch, đơn thuần lại có chút gì đó sắc bén và đầy quyền uy chẳng khác gì tấm gương soi chiếu cho tâm tính và bản ngã phức tạp của chính cô. Làm sao mà không phức tạp khi cô vừa khao khát thoát khỏi thế giới nhỏ hẹp của ông già lại chẳng thể cắt đứt sợi dây buộc chặt mình với ông, khi cô cơ hồ chán ghét đến cùng cực sự kiểm soát của lão lại dường như có phần thoả mãn được ở trong sự bao bọc cố chấp ấy?

Xét trên một vài khía cạnh, The Bow đôi khi khiến mình cảm thấy như đang xem thể loại coming-of-age (phim tuổi mới lớn). Nhưng khi người đứng đằng sau câu chuyện là quái kiệt họ Kim thì mọi thứ tất yếu chẳng thể nào bình thường rồi. Cho đến cái kết thì càng không thể ngừng tấm tắc đúng là một tầm cao mới: siêu thực, điên rồ và giàu ý niệm như muốn thách thức mọi lý giải mà bạn có thể đưa ra, hoàn toàn đậm chất “Kim Ki Duk” đến mức mình phải thầm nhủ đúng là chỉ có kiểu tư duy dị biệt như ông mới nghĩ ra… 

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Hoài Trinh
Hoài Trinh3 năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)