logo-maybe-vn
Mở app

Viên Ngọc Trai - Vẻ đẹp hoàn mỹ ẩn chứa sự nhơ bẩn của lòng tham

John Steinbeck (1902 – 1968) là tiểu thuyết gia người Mỹ đạt giải Nobel Văn học năm 1962. Các tác phẩm của ông thường viết về số phận con người dưới ách áp bức và bất công.

Viên Ngọc Trai là một tiểu thuyết ngắn của John Steinbeck, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1947. Với chủ đề là lòng tham của con người và chủ nghĩa vật chất, Viên Ngọc Trai được coi là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Steinbeck và đã được giảng dạy rộng rãi trong các trường trung học ở Mỹ.

Tác phẩm kể về câu chuyện của Kino, một thợ lặn ngọc trai đang sống cuộc sống nghèo khó cùng người vợ Juanna và đứa con trai mới sinh Coyotito tại một ngôi làng ở Mexico. Một ngày nọ, gia đình nghèo này đã được “ban phước lành” khi Kino tìm ra được một viên ngọc trai vô cùng đẹp đẽ, là viên hoàn mỹ nhất trong những viên anh từng nhìn thấy. Kino mong ước cả gia đình sẽ đổi đời, thoát khỏi cuộc sống cơ cực nhờ việc bán viên ngọc. Tuy nhiên, từ lúc có được viên ngọc, gia đình của Kino luôn bị người đời nhòm ngó và tìm cách hãm hại. Họ liên tiếp gặp những biến cố kinh hoàng, để rồi rơi vào tấn bi kịch lớn nhất của cuộc đời, khiến cho mọi hy vọng sống của Kino và Juanna tan thành mây khói.

Với chủ đề là lòng tham con người, sự tham lam đầu tiên mà Viên Ngọc Trai cho mình thấy là sự áp bức dân tộc bản địa. Những câu văn không ngừng nhấn mạnh rằng dân tộc của Kino đã bị người da trắng bóc lột trong hàng trăm năm. Gia đình Kino, cũng như bao gia đình khác trong làng, sống mãi trong cảnh nghèo túng vì họ bị những gã da trắng ăn trên xương máu, Đại diện cho thực dân da trắng là gã bác sĩ cố ý làm cho bệnh nhân bị bệnh nặng hơn để bòn tiền, và những tay cò lái buôn ngọc trai luôn tìm cách ép giá đến mức thấp nhất, lợi dụng sự ngây thơ của người dân để thu về lợi nhuận.

Yếu tố văn hóa bản địa được Steinbeck chú trọng để tăng tính thực tế cho tác phẩm. Không chỉ được thể hiện qua sự ngây thơ và thói cuồng tín của người dân, văn hóa bản địa còn được thể hiện qua những “bài hát” nội tâm của Kino. “Tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống đều chứa đựng đầy đủ chất liệu cho một ca khúc thật hay.” Kino có nhiều bài hát khác nhau trong đầu: bài hát gia đình, bài hát của sự độc ác, bài hát kẻ thù, và những bài hát khác tùy thuộc vào tình huống mà anh đang đối mặt. Những bài hát này là phép ẩn dụ cho cảm xúc và bản năng của Kino, nắm vai trò quan trọng trong việc dự đoán những sự kiện sắp xảy ra. Từ khi có viên ngọc trai, tần suất xuất hiện của bài hát độc ác và bài hát kẻ thù ngày càng nhiều, báo hiệu một tương lai u ám đang chờ Kino.

Với giọng văn nửa mỉa mai nửa chua chát, tác giả mở ra một bầu không khí tăm tối và căng thẳng khi bác sĩ từ chối chữa bệnh cho Coyotito vì Kino không có đủ tiền. Nhưng rồi thái độ của gã bác sĩ và những người xung quanh thay đổi sau khi Kino có được viên ngọc trai hoàn mỹ. Vẫn với sự mỉa mai và chua chát ấy, tác giả mô tả những người xung quanh như những thợ lặn ngọc trai đang xé xác con trai để cướp đi phần tinh túy nhất và những con cá đang đợi thời cơ để gặm rỉa những mẩu thịt trai bị xé toạc. Họ bàn tán, tò mò, ra giá, nịnh nọt, cướp bóc, và thậm chí giết chóc cốt chỉ để có được viên ngọc của Kino.

Những tưởng rằng viên ngọc trai mà Kino tìm thấy sẽ soi đường cho một thế giới công bằng hơn và chấm dứt hàng thế kỷ bị thực dân da trắng ngược đãi, nhưng hóa ra nó chỉ càng khiến cho cái ác hiện nguyên hình, mang đến những tai ương mà gia đình Kino không xứng đáng phải gánh chịu. Mình cảm thấy rất buồn cho Juanna và Kino, vì tất cả những gì họ muốn chỉ là một cuộc sống sung túc hơn cho gia đình. Khi được hỏi rằng anh sẽ làm gì nếu trở thành người giàu có, Kino chỉ nghĩ đến những mong ước giản dị mà chúng ta hay coi là điều đương nhiên, ví dụ như có quần áo mới, tổ chức lễ cưới với Juanna trong nhà thờ, và được nhìn thấy cảnh Coyotito cắp sách đến trường. Kino không có điểm nào gọi là tham lam quá đáng cả. Anh xứng đáng với số tiền ứng với độ quý giá của viên ngọc trai, thế nhưng anh lại phải nhận về kết quả quá đau lòng. 

Mình đánh giá cao Viên Ngọc Trai ở chỗ nó đã thuật lại câu chuyện về thói tham lam một cách thực tế và tàn nhẫn nhất chỉ với hơn 100 trang, với sự kết hợp hài hòa của cảm xúc con người, sắc thái thiên nhiên và văn hóa bản địa. Cốt truyện gọn ghẽ, phép miêu tả đặc sắc, còn phần cao trào thì thật ám ảnh và kinh hoàng. Cái kết day dứt đến mức khiến mình tự hỏi liệu viên ngọc trai có thực sự bị nguyền rủa hay không, hay là do chính hành động của các nhân vật đã khiến mọi thứ sụp đổ. Viên ngọc trai, một thứ chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay lại có thể mang tới cái chết và sự hủy diệt cho những người xung quanh nó như vậy sao?

Với Viên Ngọc Trai, Steinbeck đã quá thành công trong việc gợi lên cảm giác tuyệt vọng cùng cực của những kiếp người yếu thế trong xã hội. Sự giàu có luôn chất chứa những niềm hy vọng, nhưng qua lòng tham, nó đã biến thành một thứ hỗn hợp của chết chóc, hận thù và vô nhân tính.

Chấm điểm: 10/10.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)