logo-maybe-vn
Mở app

"Xu hướng 2.5D" tái hiện chân thực thế giới 2D trên sân khấu

Tại Nhật Bản hiện nay đang phát triển mạnh mẽ những sân khấu 2.5D, một loại hình nghệ thuật ăn khách và được dân tình ủng hộ nhiệt tình, nhất là giới otaku.

2.5D là loại hình sân khấu về kịch, nhạc kịch hay kịch nói được chuyển thể từ các tác phẩm anime, manga hoặc trò chơi điện tử nổi tiếng của Nhật.

Sân khấu 2.5D có ba loại chính, đó là:

- Sân khấu kịch: Các diễn viên sẽ hóa thân vào các nhân vật chuyên thể và kết hợp cùng nhau để tái hiện nội dung của câu chuyện trong kịch bản cần được truyền tải. Bối cảnh cũng được dựng nên qua các phông nền được thiết kế theo chủ đề của kịch bản.

- Nhạc kịch. Thể loại sân khấu này cũng giống như kịch nhưng được đầu tư tập trung hơn về phần âm nhạc và các diễn viên sẽ thể hiện lời thoại qua giọng hát là chủ yếu.

- Kịch nói: ở loại hình sân khấu này thì các diễn viên sẽ không biểu diễn và hành động như kịch hay nhạc kịch mà họ chỉ ngồi đọc thoại và phải có chất giọng truyền cảm để thể hiện được cảm xúc của nhân vật. Các diễn viên thể hiện hành động và tình tiết câu chuyện bằng lời nói, bằng những câu đối đáp nhau.

Trong đó thì nhạc kịch 2.5D là phát triển nhất và thu hút sự quan tâm chú ý của giới trẻ. Công chúng cho rằng thể loại này là sự kết hợp của âm nhạc bắt tai, tạo hình cosplay, diễn xuất live action cùng khung cảnh, hiệu ứng mãn nhãn và nội dung của anime hay manga nổi tiếng. Những yếu tố này đều hấp dẫn và khiến giới trẻ mê mẩn, yêu thích cuồng nhiệt. Vì vậy mà năm 2013 đã có đến 70 vở nhạc kịch 2.5D đã được sản xuất, thu hút ít nhất 1,6 triệu người đến xem với đối tượng khán giả chủ yếu là độ tuổi thiếu niên và 20 tuổi.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng sân khấu kịch 2.5D còn hấp dẫn, chân thật hơn cả phim live action chiếu trên màn ảnh. Nhạc kịch 2.5D rất sát với nguyên tác từ tạo hình đến việc dàn dựng cảnh đều được tái hiện một cách chuẩn xác. Ngoài ra thì việc kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh cũng khiến vở kịch trở nên sống động, tựa như đưa bản gốc ra đời thực vậy. Do đó mà nhạc kịch 2.5D ngày càng phát triển, trở thành nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản và thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Vào cuối năm 2018, thị trường nhạc kịch 2.5D đã tăng 44,9% so với năm 2017 và đạt doanh thu 22,6 tỷ yên.

Nhạc kịch 2.5D đã có từ lâu, mở màn là vở kịch The Rose of Versailles vào năm 1974. Vào thập niên 90, các vở kịch dành cho phái nữ như Sailor Moon, Akazukin Chacha và Hime-chan's Ribbon cũng lần lượt được công diễn và gây chú ý.

Đến năm 2003, vở kịch Hoàng tử Tennis công diễn và gặt hái được thành tích ấn tượng cũng như tạo nên “cú nổ lớn” khiến truyền thông Nhật Bản và quốc tế dần quan tâm đến loại hình nhạc kịch này. Sau thành công của Hoàng tử Tennis, xu hướng kịch 2.5D bắt đầu nở rộ, hàng loạt vở kịch dựa trên anime, manga và trò chơi điện tử lần lượt ra đời, biểu diễn trên sân khấu. Đến năm 2014, thuật ngữ "nhạc kịch 2.5D" đã được hệ thống hóa và trở thành một loại hình nghệ thuật ăn khách, thu hút giới otaku dõi theo.

Ngày nay cứ có anime hay manga nào gây sốt là sau đó sẽ xuất hiện những vở kịch 2.5D chuyển thể từ các tác phẩm đó. Thay vì chờ đợi, mong mỏi trong thời gian dài những dự án live action lên sóng thì nhiều người lựa chọn đến kịch 2.5D để được tận mắt trải nghiệm cuộc đời của nhân vật mình yêu thích bằng xương bằng thịt trên sân khấu.

Với sân khấu kịch 2.5D thì để trải nghiệm nó bạn phải đến Nhật mua vé xem trực tiếp hoặc xem độc quyền trên các nền tảng streaming trực tuyến hay chờ mua DVD các vở kịch.

  • 1
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)