
Chơi hương thơm - Không chỉ dừng lại ở thú vui "muôn mùi muôn vẻ" của giới trẻ Trung Quốc
Lót tro, đặt khuôn tạo hình, cho hương bột, bắt đầu đốt hương... Làn hương nhẹ nhàng và tao nhã lan tỏa dần ra...
Ngô Manh Manh, năm nay 25 tuổi, đã hoàn thành các bước “đốt hương triện” đầy thành thạo.
“Có một cách thưởng hương tao nhã và giúp tập trung tinh thần, gọi là “đốt hương triện”.” Nói tới Hương đạo, Ngô Manh Manh - một người yêu hương lâu năm, cất lời đầy tự tin.
Cô nói thêm: “Đốt hương triện là kiểu dùng hương bằng cách nén hương bột thành các hình thù khác nhau rồi đốt lên. Người xưa thường sử dụng trong Phật đường, phòng sách, buồng ngủ. Ngoài giúp tập trung tinh thần, đốt hương còn được dùng làm công cụ tính giờ.”
Cũng giống Ngô Manh Manh, bất kể là học theo các loại hương liệu cổ trong phim truyền hình, hay dùng các sản phẩm từ mùi hương tô điểm cho căn phòng, ngày một nhiều người trẻ bắt đầu “chơi hương thơm”. Nhất là khi trào lưu dung nhập, kết hợp các yếu tố phong cách, văn hóa truyền thống Trung Quốc đang dần sôi nổi hơn, những mùi hương phương Đông lại càng được ưa chuộng.
Ngô Manh Manh bày tỏ, “đốt hương triện” có thể giúp con người ta vứt bỏ tạp niệm. Ví dụ, trông bước ép hương bột dường như khá đơn giản, nhưng thực ra cần kiên nhẫn và nhấn ép rất nhiều lần, buộc phải tập trung tinh thần, không bị phân tâm mới ép được hương bột theo mật độ thích hợp.
Trong nhà thanh niên thế hệ “sau 1995” - Lý Hy Thần cũng bày rất nhiều các loại sản phẩm từ mùi hương. “Khi học châm chút nến thơm hương gỗ, nghe tiếng ồn trắng khi nến cháy tí tách, sẽ cảm thấy tập trung hơn.”
Theo cô nghĩ, đằng sau thú “chơi hương thơm” của giới trẻ, cảm giác nghi thức trong cuộc sống mà nó mang lại là điều được coi trọng hơn cả.
Ngoài cảm giác nghi thức, một trong những nguyên nhân rất nhiều người “chơi hương thơm” là để ký thác tình cảm. Với Lý Hy Thần, gốc cây sung trong vườn nhà bà đại diện cho thời thơ ấu giản dị và thơ ngây của cô: “Vậy nên lúc tôi sang Anh du học, rất muốn níu giữ mùi hương ấy. Tôi thích nhất tinh dầu mùi quả sung này đó.”
Hiện nay, rất nhiều nhãn hàng chủ yếu đánh vào sự hoài niệm ký ức, hy vọng dùng các sản phẩm mùi hương đánh thức tuổi thơ để tạo sự đồng cảm với người mua hàng. Đồng thời, cũng ngày một nhiều người ưa thích các loại hương được gia công cá nhân hóa và mang tính duy nhất hơn.
“Một số tiệm chế tác nước hoa thủ công sẽ để khách hàng làm trắc nghiệm tâm lý, căn cứ kết quả đó đề cử các loại hình nước hoa dành riêng cho họ.” Trương Hiểu Lỵ - một cư dân thành phố Thạch Gia Trang từng ghé tiệm nước hoa ở Trùng Khánh tự làm nước hoa cho hay.
Trương Hiểu Lỵ cho biết thêm, chuyện trò về các mùi hương giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện” vậy, vừa là chủ đề làm nóng không khí, cũng vừa giúp ta phán đoán được tính cách người sử dụng hương thơm đó.
Ngày càng nhiều người thích “chơi hương thơm”, “nền kinh tế khứu giác” cũng theo đó trở thành làn gió mới. Căn cứ vào số liệu điều tra và nghiên cứu của iiMedia Research đưa ra, thị trường kinh tế khứu giác chú trọng tới quần thể người trẻ từ 24 đến 40 tuổi (chiếm 77,2%), với 65,6% lượng người mua hàng có thu nhập dao động trong khoảng 5000 - 15000 NDT (~16,8 - 50,4 triệu VNĐ) - sức mua cực kỳ đáng kể. Nhà phân tích của iiMedia Research bày tỏ, các nhãn hiệu sản phẩm mùi hương sẽ càng chú trọng phát triển nhiều nhánh thương hiệu và đi theo hướng cá nhân hóa; nhãn hiệu mùi hương nội địa cũng tiếp tục nhận sự săn đón của người tiêu dùng trẻ tuổi.
Truy tìm hồi ức, hâm nóng cuộc trò chuyện xã giao, tự thỏa mãn bản thân... Giới trẻ đương đại gửi gắm nhiều ý nghĩa hơn trong “hương thơm”.
“Mùi hương biểu đạt văn hóa tinh thần. Bất kể là nước hoa từ phương Tây hay Hương đạo của phương Đông đều mang những câu chuyện nhân văn độc đáo, ấy cũng là cách chúng ta thể hiện bản thân.” Ngô Manh Manh nhắn nhủ.
- 3
- 1Bình luận