Số Phận Con Người - Chiến tranh, con người và thời đại
Ra mắt năm 1956, Số Phận Con Người của Mikhail Sholokhov được coi là một trong những tác phẩm kinh điển viết về đề hậu chiến trong lịch sử thế giới. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại chống lại sự xâm lược Đức Quốc Xã của người dân Nga (1940 - 1945).
Câu chuyện của nhân vật chính, Sokolov, chính là nhân chứng sống còn của thời đại khốc liệt đó. Cuộc chiến Vệ Quốc, với nhiều người đó là âm vang bi hùng của lòng ái quốc, nhưng đối với anh, nó mãi mãi là những dư âm ám ảnh suốt nửa đời còn lại. Chiến tranh đã cướp đi tất cả của anh: thể xác, tinh thần, đồng đội, vợ và hai con gái yêu quý của anh. Nhưng đau đớn nhất là khi anh phải chứng kiến đứa con trai c.h.ế.t ngay ngay trước mắt mình, ngay khoảnh khắc ló rạng của ngày toàn thắng.
“Và thế là tôi bắt đầu mơ ước: Chiến tranh rồi sẽ kết thúc, con trai tôi sẽ cưới vợ, và tôi sẽ sống với chúng, chăm sóc cháu nội…
Nhưng mơ ước đó đã không thành.
Vào sáng ngày 9/5, đúng vào ngày Chiến Thắng, một tên xạ thủ tiểu liên Đức khốn kiếp đã cướp đi sinh mạng Anatoli của tôi."
Và rồi, khi chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, nhưng anh vẫn phải sống tiếp với nỗi đau rỉ máu từng ngày. Cho đến một ngày kia, định mệnh đã để anh gặp gỡ cậu bé Vania. Vania cũng mất đi cha mẹ và tổ ấm trong cuộc chiến đó, và cậu cũng đang kiếm tìm một tương lai mới trong vô vọng. Cứ thế, hai con người, một già một trẻ, chung một nỗi đau, bước vào thế giới của nhau ngay vào thời khắc tuyệt vọng nhất của cuộc đời.
Từ những người xa lạ, họ dần gỡ bỏ khoảng cách. Từ người dưng hóa bạn bè, rồi trở thành một gia đình, một cặp cha con nghĩa tình. Những số phận cơ nhỡ, đau khổ vì cuộc chiến năm ấy giờ đây đã tìm thấy sự đồng điệu trong nhau, không chỉ ở những vết bỏng trong tim, hay những vết sẹo chằng chịt khắp da thịt, mà trên tất cả, đó là sự chữa lành thực sự trong tâm hồn họ.
"Tôi ngả lưng cạnh thằng bé một cách nhẹ nhàng và lần đầu tiên tôi chợp mắt thanh thản. Tôi đã quen với nó, bây giờ vắng nó tôi cảm thấy rất buồn. Vào ban đêm, nếu anh nhìn thấy nó ngủ thì tâm hồn anh thanh thản đi rất nhiều"
Số Phận Con Người, trước hết, là một tuyên ngôn thỏa hiệp của Mikhail Sholokhov đối với sự phi nghĩa của chiến tranh, khi chính tay ông đã từ chối một cái kết đau buồn thống khổ như bao phận đời chìm nổi khác của cuộc chiến khốc liệt đó. Thay vào đó, ông đã chọn tin tưởng vào Andrey, vào Vania, vào một cái kết ít nhiều vẫn còn nhen nhóm tương lai hy vọng cho cả hai người, khi cả hai người cùng nắm tay nhau bước lên con thuyền hy vọng mà tiến về một khoảng không vô định.
Số Phận Con Người khép lại ở đoạn lưng chừng, khiến tôi luôn thường trực và mông lung về số phận của các nhân vật mỗi dịp đọc lại, để rồi lại bật ra vô vàn giả thuyết khác nhau. Tài văn chương của Sholokhov thật đáng sợ, cứ như thể ông thỏa sức mà cuộn xoắn những mạch cảm xúc của tôi vào một chuỗi phản ứng, từ buồn bã đến tuyệt vọng, từ thống khổ đến phấn khích, từ hy vọng và rồi mỉm cười một cách đắc thắng trước kết cục của các nhân vật. Thế nhưng, tuy hạnh phúc đấy, tuy sung sướng lắm đấy, nhưng sau cùng, trong lòng tôi vẫn luôn thường trực những nỗi băn khoăn, những niềm lo âu về sự mỏng manh của phận người trước cuộc đời.
Bởi lẽ, Số Phận Con Người vốn dĩ không chỉ là số phận, là nỗi đau riêng của Andrey hay Vania, mà đó là câu chuyện chung của hàng nghìn, hàng vạn những số phận con người hậu chiến tranh khác.
"Hai con người đã mất đi tất cả trong chiến tranh, không có nhà cửa, không gia đình. Cái gì đang chờ họ phía trước."
Câu hỏi của chính tác giả ở đoạn cuối tác phẩm gợi lên trong lòng tôi thật nhiều những ám ảnh. Phải chăng, thực sự đã có một bến bờ mới mở ra cho cả hai cha con ngay khi họ gặp gỡ nhau rồi? Hay bến bờ đó chỉ từng bước được hé lộ ra khi trái tim họ xích lại gần nhau hơn?
Tôi từng nhớ một câu nói như thế này: “Chiến tranh có người đi kẻ về, cũng có người không bao giờ trở lại nữa”. Cuộc đời Andrey ứng với vế đầu, còn cuộc đời vợ và con anh lại ứng với vế sau. Đã bao nhiêu năm cuộc chiến đó bỏ lại sau lưng anh và Tổ Quốc rồi, vậy mà nỗi đau, nỗi nhớ vẫn còn đó, mới nguyên, mãi chẳng chịu xê dịch hay cũ mòn. Nhưng người ở lại thì vẫn phải sống tiếp thôi, dù có là sống mòn sống mỏi thì vẫn phải sống, và phải sống sao để mà quật cường, bất khuất với đời. Và Andrey cuối cùng đã làm được điều đó. Và anh không chỉ làm điều đó cho chính mình, mà còn cho cả Vania và những phận người khốn khổ vì cuộc chiến năm đó. Thực ra, đâu cần phải biết tường tận số phận một con người sau chiến tranh sẽ ra sao, sẽ đi về đâu, mà điều cần hỏi phải là: Họ sẽ làm gì để chiến thắng số phận nghiệt ngã đó?
ĐÁNH GIÁ: 5/5
14/8/2022
- 1
- 0Bình luận