logo-maybe-vn
Mở app

Cherophobia - Nỗi sợ hạnh phúc là gì và cách phá giải lời nguyền?

Hãy tưởng tượng thế này, khoảng 3 tuần này mọi thứ có vẻ khá suôn sẻ cho bạn: khách hàng không ai rầy rà, sếp không đưa ra yêu cầu vô lý, gia đình khỏe mạnh không ai ốm vặt hoặc vấp bậc thềm, trời có vẻ đẹp… Mọi thứ dường như quá lý tưởng đến mức bạn bắt đầu cảm thấy...sợ sợ. Liệu đây có phải là bình yên trước cơn bão? Không thể nào cuộc đời mình lại trơn tuột như thế này. Mình có xứng đáng với cuộc sống này? Hoặc mỗi khi chơi game lại sợ hãi “nổ luck gacha, trả giá ngoài đời thật”?

Nếu như đã trải qua trạng thái tương tự như trên, thì có vẻ như bạn đang mắc trạng thái tâm lý gọi là Cherophobia - nỗi sợ hạnh phúc. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, “chairo”, tức niềm vui, niềm hoan hỷ và “phobia” chỉ nỗi sợ. Cherophobia mặc dù không được liệt kê trong DSM-5 nhưng đang dần được công nhận sự tồn tại, cũng như được các nhà tâm lý học đánh giá là một dạng rối loạn lo âu.

Hạnh phúc không phải là thứ con người luôn khao khát đạt đến hay sao? Vậy mà khi chạm vào được nó có những người lại thấy sợ hãi? Hãy cùng tìm hiểu hiện tượng tâm lý thú vị này nhé.

Hạnh phúc là gì?

Trước tiên, để hiểu về nỗi sợ hạnh phúc, ta phải đi tìm định nghĩa về hạnh phúc đã. Một điều quan trọng đó là quan niệm về hạnh phúc không phải ai cũng giống nhau và nó lại còn khác biệt tùy vào nền văn hóa nữa.

Trong nghiên cứu tâm lý học, “hạnh phúc” thường được dùng thay thế bằng thuật ngữ “phúc lợi chủ quan” (subjective well-being). Trong đó, các cá nhân báo cáo về mức độ hài lòng cuộc sống của họ cũng như đánh giá sự hiện diện các yếu tố tiêu cực và tích cực. (Diener, Suh, Lucas, & Smith, 1999)

Đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận chung về hạnh phúc, nhưng một định nghĩa được chấp thuận rộng rãi đó là từ nhà nghiên cứu tâm lý Sonja Lyubomirsky, cô mô tả trong cuốn The How of Happiness (2007) rằng hạnh phúc là: “Trải nghiệm niềm vui, mãn nguyện, khỏe mạnh, tích cực, kết hợp với cảm giác về một cuộc đời tốt đẹp, ý nghĩa, đáng giá”.

Tuy nhiên, để nghiên cứu về cherophobia thì định nghĩa này lại quá rộng. Theo những nghiên cứu gần đây thì hạnh phúc có nhiều loại, thế nên các cá nhân mắc chứng sợ hạnh phúc cũng trải qua các cấp độ sợ hãi khác nhau tùy vào niềm vui khác nhau. (Joshanloo & Weijers, 2014)

Tại các quốc gia phương Tây như Mỹ, Bắc/Tây Âu, hạnh phúc thường gắn liền với chủ nghĩa cá nhân, ví dụ như quyền lợi, sự tự do, ý thích cá nhân được đề cao hơn nhu cầu một nhóm, cộng đồng, gia đình. Hạnh phúc là khi cá nhân được làm công việc họ yêu thích chứ không phải theo ý muốn gia đình. Hoặc cá nhân có quyền đóng sập cửa nhà nếu điều đó có ích cho sức khỏe tinh thần của họ hơn là nhe răng gượng cười đứng ra làm tổ trưởng tổ dân phố.

Trong khi đó, tại các quốc gia theo chủ nghĩa tập thể như Đông Á, Trung/Nam Mỹ, nhu cầu và nguyện vọng của một nhóm được xem trọng hơn nguyên tắc cá nhân. Họ đánh giá cao sự hòa hợp xã hội và thuộc về một hội nhóm. Điều này là nền tảng dẫn đến lý do vì sao nhiều người phương Đông mắc cherophobia hơn, khi hạnh phúc cá nhân không quan trọng bằng lợi ích cộng đồng, họ thường nảy sinh ác cảm với niềm vui cá nhân mình.

Lý do gây ra Cherophobia

Từ những quan sát, đánh giá, nhóm nghiên cứu của Joshanloo và Weijers đã vạch ra 4 nguyên nhân cho nỗi sợ hạnh phúc.

Niềm vui thường kéo theo điều xui rủi

Niềm tin vào vòng tuần hoàn cuộc sống cũng là nguyên nhân cho Cherophobia. Như bánh xe số phận, cái gì lên rồi cũng sẽ xuống, lên đỉnh núi rồi cũng phải xuống núi. Đây là niềm tin phổ biến mà theo nghiên cứu của nhóm Uchida và Kitayama, người Nhật cho rằng niềm vui kéo theo hậu quả không may vì nó khiến ta mất cảnh giác xung quanh.

Một nghiên cứu riêng biệt khác của Melka, Lancaster, Bryant, Rodriguez và Weston tập trung vào “nỗi sợ cảm xúc” cũng là lời lý giải cho cherophobia. Tại đó, các cá nhân sợ hãi trạng thái tình cảm mãnh liệt sẽ khiến họ mất kiểm soát cảm xúc và hành vi đối với cảm xúc đó.

Một ý kiến khác cho rằng, nỗi sợ hạnh phúc bắt nguồn từ nỗi sợ mất đi hạnh phúc ấy. Tức thay vì trân trọng khoảnh khắc tươi đẹp hiện tại, họ lại lo lắng sẽ mất đi nó trong tương lai gần hoặc xa. (Nghiên cứu tại Đức, Ben-Shahar).

Hạnh phúc khiến bạn trở thành kẻ tồi tệ

Ở cả hai nền văn hóa phương Tây lẫn ngoài phương Tây đều cho thấy các cá nhân có thể cảm thấy tội lỗi nếu đạt được hạnh phúc, nhất là khi họ biết những người xung quanh đang đau khổ. "Hạnh phúc của người này, là đau khổ của người khác" mà.

Bộc lộ hạnh phúc không tốt cho bản thân và người khác

Một số cá nhân và nền văn hóa tin rằng, nên tránh bộc lộ niềm vui, hạnh phúc vì điều đó ảnh hưởng xấu đến bản thân và người khác.

Tại Nga, các cá nhân do dự thể hiện hạnh phúc vì sợ những “con mắt ác quỷ” (evil eye) - lòng đố kỵ và nghi ngờ từ người khác. Nghiên cứu của Uchida và Kitayama cũng cho thấy người Nhật không muốn tỏ ra thành công, hạnh phúc vì sợ ganh ghét. Họ thậm chí cảm thấy tội lỗi và mâu thuẫn nội tại.

Truy cầu hạnh phúc ảnh hưởng xấu đến bạn và người khác

Tư tưởng xuyên suốt các nền văn hóa đó là nếu bạn theo đuổi hạnh phúc, bạn sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh, thậm chí không tốt cho bạn (Ricard, 2011). Lập luận đó là việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân khiến bạn trở thành kẻ ích kỷ, bỏ bê cộng đồng, chỉ biết tập trung vào bản thân.

Triệu chứng của Cherophobia

Hiện tại không có thang đo chuẩn nào cho nỗi sợ hạnh phúc, tuy nhiên tình trạng sợ hãi chung có được liệt kê trong DSM-5, thuộc phân loại rối loạn lo âu.

Kết hợp giữa DSM-5 và bảng liệt kê “Thang đo mức độ sợ hạnh phúc” phát triển bởi Joshanloo (2012) và Gilbert cùng cộng sự (2013), chúng ta có thể lọc ra 5 triệu chứng sau:

  • Về nhận thức:

- Tin rằng hạnh phúc khiến bạn trở thành kẻ tồi tệ- Tin rằng hạnh phúc sẽ dẫn đến chuyện xấu- Tin rằng bạn không nên bộc lộ niềm vui, nếu không sẽ khiến người khác buồn

  • Về hành vi

- Tránh những buổi hội họp vui vẻ- Từ chối những mối quan hệ hoặc cơ hội cuộc đời có thể dẫn đến thành công, hạnh phúc

Cách chữa Cherophobia

Sợ hạnh phúc chưa được công nhận là rối loạn lâm sàng trong danh sách DSM-5, thế nên hiện chưa có liệu trình đánh giá và chữa trị tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các chứng sợ đều được liệt kê dưới dạng rối loạn lo âu, nên vẫn có nhiều phương pháp phù hợp.

Các liệu pháp trò chuyện, như tư vấn với bác sĩ tâm lý trị liệu là cách hợp lý để kiểm soát nỗi ám ảnh. Các chuyên gia sẽ giúp người bệnh nhận ra khuôn mẫu ảnh hưởng hành vi, tâm trạng của họ. Gọi là liệu pháp hành vi nhận thức (CTB - Cognitive Behavioral Therapy).

Một phương pháp phổ biến của CTB trong việc điều trị nỗi sợ đó là phơi nhiễm. Tức thay vì tránh né thứ làm bạn sợ, bạn sẽ cần phải đối mặt với chúng thường xuyên. Cá nhân liên tục tiếp xúc với tác nhân gây nên nỗi sợ sẽ dần bớt sợ chúng. Trong trường hợp Cherophobia, có thể bạn sẽ được khuyến khích tham gia các hoạt động vui vẻ, làm những việc gợi nên cảm xúc tích cực thường xuyên hơn.

Ngoài ra, thực hành chánh niệm (mindfulness) cũng cho thấy những thay đổi tích cực nơi người bệnh. Chánh niệm tức là tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, là phương pháp thiền bắt nguồn từ tư tưởng Phật giáo, cách này giúp người bệnh giảm bớt những lo lắng ở tương lai mà tập trung vào điều mình có ở hiện tại.

Lời kết

Tranh: u/rustylustyId/Reddit
Tranh: u/rustylustyId/Reddit

Dù là nền tảng văn hóa nào, chúng ta cũng đều xứng đáng được cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và an toàn. Đó là điều kiện cơ bản mọi công dân trong vũ trụ này đều có quyền đạt được, bất chấp bạn đến từ quốc gia hay hành tinh nào. Tất cả chúng ta hãy gạt qua nỗi sợ và ánh nhìn của người khác, đừng để nó cản trở bạn sống trọn vẹn từng khoảnh khắc cho bản thân và gia đình mình.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)