logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đốn Hạ: Có gì ở buổi dạ tiệc nghệ sĩ của giới nghệ thuật Vienna?

Đốn Hạ được cho ra mắt lần đầu tại Đức vào năm 1984, là tập thứ 2 trong bộ 3 cuốn viết về nghệ thuật của Thomas Bernhard (gồm Der Untergeher viết về âm nhạc và Alte Meister viết về hội họa, cả 2 đều chưa được xuất bản ở Việt Nam). Cuốn tiểu thuyết là góc nhìn của Bernhard về sự mục ruỗng và suy đồi của giới nghệ sĩ thành Vienna, khi nghệ thuật chỉ còn là cái mác thể hiện danh tiếng.

Toàn bộ câu chuyện nằm trong một bối cảnh duy nhất: buổi dạ tiệc nghệ sĩ tại nhà của vợ chồng Auersberger. Nhân vật “tôi” được mời đến buổi tiệc ấy trong tâm trạng không mấy tự nguyện, và gần như suốt buổi ông ta chỉ “ngồi trên ghế bành” để đánh giá những vị khách mà ông cho là lố bịch. Dường như không một ai thoát khỏi sự cay nghiệt của “tôi”, ai trong mắt ông cũng là những kẻ kệch cỡm có nhân cách rẻ tiền. “Tôi” khinh bỉ cách họ treo hai từ “nghệ thuật” trên miệng để che đậy cho tham vọng cá nhân, nhưng sau cùng chính ông ta cũng thừa nhận rằng mình chẳng khác gì bọn họ.

Không khó để tưởng tượng ra một người đàn ông cau có ngồi suốt trên chiếc ghế bành nơi khuất sáng, cách biệt hoàn toàn với cảnh tượng nhộn nhịp đông vui của buổi dạ tiệc. Ông ta tự tách mình khỏi thế giới mà trước kia ông là một phần của nó. Trong những dòng độc thoại của mình, ông ta nghĩ về quá khứ của những người đang góp mặt trong căn nhà ấy. Họ đều là những người có danh tiếng trong giới nghệ thuật, nhưng gần như không một ai tốt đẹp như vẻ bề ngoài.

“Hàng chục năm ròng ta có thể vẫn biết một ai đó trong số bạn bè thân thiết của mình là một kẻ lố bịch, nhưng phải hàng chục năm sau, ta mới đột nhiên trông thấy con người ấy lố bịch, nhố nhăng thật.”

Mạch truyện ban đầu của truyện khá đều và buồn ngủ, cái ta thấy hầu như chỉ có sự thù hằn từ một phía của “tôi”. Góc nhìn phiến diện nhiều đến mức mình tự hỏi tất cả có phải thật không hay chỉ là sự ác ý của người kể. Đến khi nhân vật chính của bữa tiệc là “lão diễn viên nổi tiếng của Nhà hát kịch Burgtheater” xuất hiện thì bầu không khí mới bắt đầu thay đổi. Bàn ăn biến thành chiến trường tranh luận của các vị khách mời, giây trước họ tung hô người này thì giây sau họ đã hùa vào săm soi người khác. Buổi yến tiệc nửa đêm bỗng trở thành buổi diễu hành của cánh thượng lưu tỏ ra tri thức và những kẻ tự nhận mình là nghệ sĩ, phô bày rõ bản chất của giới nghệ sĩ dưới sự tác động của tiền bạc, hư danh và quyền lực.

Nguồn ảnh: Netabooks
Nguồn ảnh: Netabooks

Thomas Bernhard vẽ ra trong Đốn Hạ một thế giới nghệ sĩ khác hẳn với vẻ hào nhoáng mà họ vẫn thể hiện ra ngoài với công chúng. Ở đó ta bắt gặp những nhà văn, những biên kịch, những diễn viên, nhạc sĩ vật vờ trong phòng hòa nhạc lúc quá đêm, sau đó lại gượng trưng lên bộ mặt xã giao bằng những câu màu mè đầy sáo rỗng nơi bàn ăn đầu giấc sáng. Họ đều là những kẻ từng theo đuổi nghệ thuật vì đam mê, họ dốc hết lòng nhiệt thành tuổi trẻ để nhận ra rằng chỉ có đam mê là không đủ. Vậy là họ đi tìm danh vọng, nhưng đến khi họ xây được lớp bọc địa vị ưng ý rồi thì tâm hồn nghệ thuật bên trong đã chẳng còn gì cả.

“Ta gặp gỡ một con người nào đó thật đúng lúc, tiếp nhận từ con người đó tất tật những gì là quan trọng sống còn đối với ta, rồi lại từ bỏ con người đó đúng lúc, vào thời điểm thích hợp, tôi nghĩ bụng. Tôi đã gặp và biết Jeannie quen Billroth đúng lúc, và tôi bỏ rơi ả cũng đúng lúc như thế, tôi thầm nghĩ. Cũng như tôi luôn luôn từ bỏ mọi người khác đúng lúc vậy, bây giờ tôi chợt nhớ lại. Ta thích ứng với tâm tính một con người như Jeannie, suốt một thời gian dài ta tiếp nhận tính khí con người đó, và đến lúc ta nghĩ mình đã tiếp nhận đủ, tức là đã ngán đến tận cổ rồi, ta cắt đứt mọi quan hệ với con người đó, như tôi đã cứ thế đùng đùng cắt đứt quan hệ với Jeannie vậy.”

Điều mình ấn tượng nhất với Đốn Hạ là quá trình Bernhard xây dựng diễn biến tâm lý của tất cả các nhân vật có mặt trong buổi dạ tiệc. Sự thay đổi được thể hiện rõ ràng theo từng mốc thời gian, càng về cuối tiệc thì ta càng nhìn rõ bản chất của các vị khách mời hơn. Buổi đầu tiệc họ giả vờ vui vẻ với nhau, giữa tiệc họ soi mói nhau và đến khi tiệc tàn thì chẳng còn ai vừa ý ai nữa. Nếu khung cảnh đầu tiệc là một bức tranh đẹp đẽ thì cuối tiệc nó là một bức tranh đã tróc hết nước sơn, chẳng còn gì ngoài tấm toan mục nát. Để rồi đến khi ai đã về nhà nấy, ta sẽ thấy dấu hiệu của một bức tranh mới đang được dựng lên để chờ đêm dạ tiệc tiếp theo.

Thú thực thì mình thấy Đốn Hạ không dễ đọc, nhất là với những bạn muốn có một câu chuyện với diễn biến và cao trào rõ ràng. Vì gần như toàn bộ câu chuyện được kể dưới dạng độc thoại. Nhưng cũng bởi vì hơn nửa đầu đều là lời kể từ một phía nên bạn sẽ có động lực để đọc đến cuối xem hư thực ra sao. Phần kết sẽ không khó đoán đâu nhưng chắc vẫn có đôi chỗ làm bạn bất ngờ đấy. Nhìn chung thì Đốn Hạ không phải là một món ăn đổi gió nhẹ nhàng, nhưng nó sẽ là một món ăn ngon cho những người kiên nhẫn.  

Đánh giá cá nhân: 4/5 

Hoàng Linh

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)