logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Huệ Tím: Thế giới cổ tích đặc biệt của riêng Hermann Hesse

Hermann Hesse là tác giả nổi tiếng với những cuốn sách đậm tính triết lý như Bánh Xe Số Phận, Siddhartha hay Demian, vậy nếu ông viết truyện cổ tích thì sao? Mình đã khá bất ngờ khi biết ông có hẳn một tập Truyện Cổ Tích (Maerchen) viết riêng cho thiếu nhi, nên có tìm đọc thử một tập ngắn được dịch sang tiếng Việt là Huệ Tím. Tập này gồm 5 truyện lần lượt là: Huệ Tím, Chuyện Chàng Augustus, Bích Thảo Hóa Thân, Thi Nhân Tin Lạ Từ Một Hành Tinh.

Thế giới cổ tích của Hesse rất lạ, đó là một thế giới có nhiều phần chân thực hơn những gì chúng ta hay nghĩ. Ta vẫn sẽ được nghe về những điều ước, về lâu đài mộng mơ nhưng sẽ tuyệt chẳng thấy đâu những bà tiên, phù thủy hay chàng dũng sĩ diệt rồng. Ở đó ta học được cách tự tìm lối đi trong thế giới nội tâm và từng bước trưởng thành thay vì cứ mãi trông chờ vào những điều màu nhiệm.

Như mình có nhắc đến là tập này gồm 5 truyện, nhưng mình không muốn spoil quá nhiều nên sẽ chỉ review kĩ về 2 truyện mà mình thích nhất thôi.

Huệ Tím - Đóa huệ tím của mẹ mở ra thế giới cho chàng Anselm và đóa huệ tím của nàng Iris sau này lại đưa chàng trở về.

"Nhưng giây phút lớn lao nhất, đầy mầu nhiệm hằng năm đối với cậu bé vẫn là lúc đón đóa huệ tím đầu tiên. Chính ở trong đài hoa ấy, trong giấc mơ trẻ thơ xa xưa, lần đầu tiên trong đời cậu đã đọc được quyển sách của phép nhiệm mầu - hương thơm và màu xanh rung rinh của hoa là lời mời gọi và chìa khóa của sáng tạo. Huệ tím cùng với cậu đã đi qua những năm dài trong trắng ngây thơ."

Vườn hoa của mẹ là cả thế giới của Anselm thuở nhỏ, nhành huệ tím với cậu bé là cánh cổng dẫn vào lâu đài của những thiên thần. Nhưng Anselm càng lớn thì vườn hoa trong mắt cậu càng nhỏ, vì những thú vui mới đã kéo cậu đi xa khỏi những đóa hoa. Cho đến ngày Anselm thực sự trưởng thành thì “khu vườn thu lại bé nhỏ và bặt tiếng trước tia nhìn lơ đãng của chàng”. Vậy là ai thay đổi? Là nhành huệ tím hay là chính Anselm? Mình nghĩ ai cũng rõ câu trả lời.

Nàng Iris bảo Anselm hãy tìm lại “một điều gì quan trọng và thần thánh” mà chàng đã quên để đến cầu hôn, nàng muốn chàng tìm lại tâm hồn mình trọn vẹn. Chàng rong ruổi tâm trí đến những nơi xa mãi đến khi xuôi theo mùi hương về với khu vườn cũ. Ở đó chàng bắt gặp lại niềm hạnh phúc mình đã quên mất từ lâu. Thế là tâm hồn chàng lại đủ đầy, dù cuối cùng chàng thiếu nàng Iris thì chàng vẫn có đóa iris của riêng mình. (Iris là tên tiếng Anh của hoa huệ tím)

Ngẫm đi ngẫm lại thì chúng ta cũng giống như Anselm vậy. Khi còn bé, ta hay hạnh phúc vì những điều rất nhỏ, ví như nhành huệ tím đầu tiên nở trong vườn. Nhưng đến khi lớn, ta bị thu hút bởi nhiều thứ lộng lẫy hơn thì đâu còn để mắt đến nhành hoa ấy nữa. Hẳn ai cũng từng có một đóa hoa bình yên như đóa Huệ Tím của Hesse, chỉ là ta lỡ bỏ quên nó trong một ngõ xa xôi nào đó. Sao không thử theo chân chàng Anselm dạo giữa vườn huệ tím, biết đâu bạn cũng sẽ tìm lại được đóa hoa mình đã bỏ quên.

Chuyện Chàng Augustus - Mẹ ước tất cả mọi người trên đời phải yêu bé con Augustus của mẹ nhưng lại quên dạy Augustus của mẹ cách yêu lại mọi người.

"Người mẹ vật mình bên chiếc nôi con, khóc nức nở, lòng đầy xao xuyến và lo âu kêu lên: “Con ơi, mẹ vừa cầu mong cho con điều tốt nhất mà mẹ biết được, nhưng biết đâu điều ấy chưa phải là điều thật đúng. Và nếu trên cõi đời này tất cả, tất cả mọi người sẽ yêu thương con, thì cũng không thể có ai yêu con hơn mẹ của con đâu”.

Đây có lẽ là câu chuyện mình thấy có màu sắc cổ tích nhất trong cả tập truyện và cũng là truyện mà mình thấy ấn tượng nhất. Chuyện kể về chàng Augustus được tất cả mọi người yêu thương vô điều kiện, vì đó là điều ước mẹ chàng đã cầu nguyện bên nôi. Điều ước tốt đẹp nhất mẹ dành cho bé con của mẹ, liệu có đúng đắn không?

Mọi người nuông chiều Augustus và mẹ chàng cũng vậy. Như một lẽ dĩ nhiên, Augustus lớn lên thành một kẻ ích kỉ và chẳng tài nào học được cách yêu thương. Chàng vui vẻ bằng nỗi đau của người khác, ăn chơi trên đống nợ nần của người khác mà chẳng mảy may tội lỗi vì nào có ai hờn dỗi chàng đâu. Thế nhưng Augustus càng ngày càng chán nản, tâm hồn chàng thiếu một thứ gì đó mà chàng không thể gọi tên. Vậy là chàng làm lại cuộc đời với một điều ước khác: chàng ước mình có thể yêu thương tất cả mọi người.

Điều ước mới không còn giúp cuộc sống chàng dễ chịu nữa nhưng đổi lại cho chàng một tâm hồn thanh thản. Đến khi thân xác rã rời chàng lại quay về ngôi nhà ngày nhỏ, gối đầu lên đôi chân quen thuộc, thả mình trong hơi ấm lò sưởi và điệu ca của các thiên thần. Vậy là cuộc đời Augustus kết thúc, dù chẳng dễ dàng nhưng thật may vì chàng vẫn học được cách cho đi và nhận lại tình yêu thương. Mình cảm thấy Augustus rất giống Anselm, ai cũng để quên một phần hạnh phúc ở lại tuổi thơ để rồi khi trưởng thành lại phải mòn mỏi đi tìm. Có lẽ đây cũng là thông điệp Hermann Hesse muốn truyền tải thông qua thế giới cổ tích lạ kì này.

Các truyện còn lại của Hesse cũng rất đặc sắc, vì ông không hề giới hạn thế giới của mình trong truyện cổ phương Đông hay phương Tây. Và như mình thấy thì Hesse viết truyện cổ tích không phải để khai thác thế giới an hòa người ta thường tưởng tượng, thứ ông đi tìm là thế giới tuổi thơ trong chính chúng ta. Nếu có một nơi đẹp đẽ trong thế giới cổ tích của Hesse thì đó nhất định là bên trong ánh mắt của những đứa trẻ, ra khỏi ánh nhìn ngây thơ ấy ta sẽ về lại với thực tế trần trụi và phũ phàng.

Nhiều khi mình tự hỏi liệu mấy đứa trẻ mà đọc truyện cổ tích của Hermann Hesse thì có hiểu gì không nhỉ? Vì chính mình đọc còn nhiều chỗ chẳng hiểu nổi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì chắc là có, vì Hesse viết truyện cho chúng chứ có viết cho người lớn như mình đâu.

Đánh giá cá nhân: 4/5 

Hoàng Linh

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)