Đôi Điều Về Emergency Declaration (Hạ Cánh Khẩn Cấp)
Không phải là lần đầu mình xem phim về đề tài thảm hoạ, càng không phải lần đầu Hàn Quốc làm phim về chủ đề này, nhưng với mình thì có rất nhiều lý do để Emergency Declaration (HCKC) có 1 màu sắc riêng biệt quá đủ để đọng lại ấn tượng.
Kịch bản không quá “máu me” nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nhờ dàn cast “khủng”
Thường thì phim về đề tài thảm hoa, dịch bệnh để lại nhiều ấn tượng và dư âm là bởi những cảnh quay “kỹ xảo như thật”, đôi khi là vài cú jump scare hú hồn, tạo hình bệnh nhân ghê rợn, đẩy cao trào cảm xúc ghê sợ, giật mình, hoảng hồn của người xem. Nhưng HCKC lại KHÔNG đi theo hướng này. Và nếu đã không theo hướng này rồi thì hẳn các bạn hiểu là nó sẽ đòi hỏi diễn viên diễn xuất thật cứng cáp, có khả năng lột tả được nội tâm, cảm xúc của nhân vật để “ăn điểm” ở khúc đó bù lại. Có lẽ cũng vì điều này đây mà dàn cast phim bao gồm những cái tên cực uy tín: Lee Byung Hun, Song Kang Ho, Kim Nam Gil, Yim Si Wan, Jeon Do Yeon.
Không có 1 nhân vật “siêu anh hùng”
Phản diện thì rất ảo ma canada, chơi hẳn vũ khí sinh học, luồn lách được qua cả an ninh sân bay, có phần biến thái, nhưng tuyến nhân vật chính diện lại… bình thường hơn cả người thường. Đó là 1 cựu phi công với đứa con nhỏ, 1 chị tiếp viên trưởng cùng các em cấp dưới, 1 cơ phó với mong mỏi duy nhất là hạ cánh an toàn cho hành khách của mình, 1 người vợ đang trên đường đi Hawaii cùng bạn,… Không ai trong số họ đảm nhiệm phần “toàn năng” như main của nhiều bộ phim khác. Mỗi người trong số họ đều cố gắng với nhiệm vụ của mình, và đương nhiên tất thảy đều ham muốn được sống sót.
Một "hồi tưởng hoàn hảo" về khoảng thời gian dịch Covid-19 hoành hành
Mình nghĩ 1 lý do nữa để HCKC có thể khiến mình rung động mạnh mẽ đó là vì nó làm mình nhớ đến khoảng time dịch Covid-19 bùng lên khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cũng giống như căn bệnh truyền nhiễm có sức lây lan nhanh trong bộ phim, Covid-19 khi đó xuất hiện thật bất ngờ, không được dự báo trước và khiến mọi người hoảng loạn. Những ca tử vong đầu tiên xuất hiện, nhiều thành phố bị locked down, những khu cách ly dã chiến được thành lập, hành trình về thăm nhà của ngàn người dịp lễ năm đó đã mãi mãi không được ấn định thời gian cập bến, nhiều người đã ra đi trong quá trình phòng chống cứu chữa bệnh,… Tuy những ngày tháng dịch bệnh hoành hành kinh hoàng nhất đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn mạnh mẽ và khiến mình phải rùng mình khi nhớ lại. Dịch bệnh xuất hiện và oanh tạc khắp chốn, bắt con người ta hoảng sợ rồi lại phải mau chóng lấy lại bình tĩnh để không gục ngã. Chúng ta thấy nhiều phần chính mình những ngày tháng sống cùng dịch bệnh trong đó. Sự sợ hãi, hoảng loạn, sự bối rối, không biết nên làm gì, sự bất lực và nhiều khi là cả nghe lời vô điều kiện.
Bộ phim là 1 món quà đặc biệt dành cho những người trong ngành hàng không
Có 1 người chị trong list friend của mình nói thế này, bộ phim đã khiến chị nhớ lại từng giờ học sử dụng cửa thoát hiểm, cảm giác sợ hãi rồi phải lấy lại bình tĩnh khi nhận thông tin có khả năng phải hạ cánh khẩn cấp, cách trấn tĩnh hành khách dù trong lòng mình cũng đang sôi sục, cách để giữ thái độ chuyên nghiệp ngay cả trong trường hợp nước sôi lửa bỏng, rồi mỗi lần có sự cố xảy ra, phải làm như thế nào, cách tự trấn an chính mình là mọi chuyện sẽ ổn thôi,… khi chị còn làm tiếp viên hành không. Mình tin là bộ phim đã xây dựng đủ nhân văn để cho người xem thấy được cả những khó khăn phía sau của người trong nghề. Là nữ tiếp viên rạng rỡ, nghiêm túc, chuyên nghiệp trước mặt hành khách nhưng họ vẫn biết mỏi, biết mệt, biết sợ. Là người cơ trưởng cầm lái, người cơ phó hỗ trợ điểu khiển máy bay chở cả trăm, cả ngàn người, họ cũng chỉ là những người bình thường cầu mong cho chuyến bay được an toàn, được trở về nhà sau giờ làm mà thôi.
Và cuối cùng đó là những sự hi sinh cao cả vì sứ mệnh lớn lao
Cứ ngỡ đó là tình phụ tử cao đẹp khi tuyến nhân vậy chính có 2 bố con (lại còn do Lee Byung Hun đảm nhận) nhưng như mình nói, bộ phim không chọn tập trung vào 1 “siêu anh hùng” nào cả mà ai cũng là những người bình thường và hoá thân thành anh hùng trong thời khắc sinh tử. Khi mà cơ phó gắng gượng chút sức lực cuối cùng còn lại để tìm điểm hạ cánh cho chuyến bay của mình “Tôi xin lỗi, tôi nghĩ mình không thể chịu đựng thêm nữa rồi”, khi máy bay quyết định không hạ cánh nữa để không làm ảnh hưởng đến mọi người dù đã về đến quê hương “Chúng tôi rất sợ hãi. Chúng tôi cũng chỉ là những người bình thường gặp phải điều không may”, khi người chồng In Ho quyết định tự tiêm virus vào người mình để thử kháng thể “Tôi không thể đứng đó nhìn vợ mình ch.ết được”,… Những phân cảnh đó, dẫu không tập trung vào 1 ai, nhưng mình tin vẫn khơi gợi được xúc cảm nồng nhiệt nơi khán giả.
Nếu so sánh HCKC với những phim thảm hoạ khác, có lẽ cũng bình thường, có khi lại không bằng, tuỳ thuộc vào gu phim, kỳ vọng cũng như là cả trải nghiệm về thể loại phim này của mỗi người. Nhưng mình nghĩ mọi sự so sánh đều khập khiễng thôi, so sánh sẽ làm chúng ta mất đi tính khách quan khi thưởng thức 1 bộ phim mới. Đối với mình, điều đặc biệt to lớn nhất của HCKC để khiến phim “nổi bật” so với các phim cùng đề tài khác chính là ở cách khắc hoạ lại đủ đầy cảm xúc như khi chúng ta đối mặt với dịch bệnh Covid-19 những năm 2019-2021 vậy. Kịch bản dễ đoán ư, đúng vậy, nhưng lại là đủ với mình và mình không cần thêm
Phim đã ra 1 thời gian khá lâu, mình cũng đã xem cả tuần trời rồi mới ngoi lên review vì có khá nhiều cảm xúc đặc biệt với phim, nên mình hi vọng mọi người cũng có thể trao đổi ý kiến, cảm nhận và đón nhận nhau với tâm thế khách quan, thoải mái nhé. Chỉ có điều phim bị giới hạn góc quay khá nhiều, không gian quay hẹp (chỉ có trên máy bay và 1 phần không quá nhiều cho những vai diễn ở mặt đất) nên có thể nhiều người sẽ không thích lắm, cơ mà thế mới thấy dàn diễn viên cân cảm xúc tốt như thế nào. Dù sao thì mình vẫn nghĩ HCKC có hay hay không phụ thuộc chủ yếu vào cảm xúc và trải nghiệm mỗi cá nhân nên bạn cứ mạnh dạn tự kiểm chứng tại rạp nha!
- 1
- 0Bình luận