10 vật dụng bạn sờ vào hằng ngày nhưng lắm vi khuẩn hơn cả bệ ngồi toilet
Toilet là nơi hiển nhiên tập trung nhiều vi khuẩn rồi đúng không? Thế nhưng 10 vật dụng thường ngày sau đây sẽ khiến bạn bất ngờ vì chúng đã được kiểm nghiệm là có số lượng vi khuẩn nhiều còn hơn toilet. Tuy có khuẩn this khuẩn that, nhưng ở đây các nhà khoa học xác định nguy cơ xâm nhập và lan truyền của vi khuẩn gây bệnh như E.Coli, Salmonella… Thường đó là những vật dụng ẩm, nóng, nhiều bàn tay động vào, không ai nghĩ nó cần rửa…v.v.
Tiền mặt
Đây là điều chúng ta được dạy từ nhỏ rồi. Tiền rất bẩn, đúng là như vậy. Trước khi đến tay bạn nó đã một hành trình rất dài, rất nhiều bàn tay cầm nắm, va quẹt, dính thức ăn nhét dắm dúi đâu đó, rơi xuống đất đất và hoàn toàn không một ai nghĩ đến việc rửa tờ tiền đó đâu. Nhất là tiền lấy từ các cơ sở y tế!
Theo một nghiên cứu công bố trên PLOS ONE, khi đưa tờ tiền $1 vừa rút ra từ ngân hàng New York, người ta thấy hàng trăm sinh vật trú ngụ. Nhiều nhất là vi khuẩn gây mụn (propionibacterium acnes), ngoài ra còn có vi khuẩn âm đạo, miệng, DNA động vật và virus.
Bàn phím
Phát hiện phổ biến và nổi tiếng từ cả chục năm trước đó là bàn phím máy vi tính bẩn hơn toilet. Nếu đong đếm bằng số lượng vi khuẩn thì đúng là như vậy, bàn phím chứ lượng vi khuẩn gấp 400 lần cái bồn cầu. Phần lớn những vi khuẩn này truyền từ da, miệng, mũi chúng ta và chúng không gây hại, trừ phi hệ miễn dịch của bạn cực kém. Hãy nhớ kiểm tra định kỳ bàn phím bởi lượng bụi bẩn nấp dưới mỗi phím sẽ khiến bạn rùng mình đấy.
Tuy nhiên, cẩn thận vẫn hơn nhất là khi bạn dùng chung máy vi tính với người khác hoặc thường xuyên ra ngoài quán net. Bạn vẫn sẽ bị lây bệnh nếu người dùng trước bị cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Trong trường hợp đó bạn nên rửa tay trước và sau khi dùng bàn phím chung, cũng đừng nên ăn tại bàn máy tính.
Điện thoại di động
Các nhà khoa học tại ĐH Arizona đã chứng minh điện thoại chứa vi khuẩn nhiều gấp 10 lần bệ ngồi bồn cầu. Cũng như bàn phím, nguyên nhân khiến điện thoại bẩn là do bàn tay chúng ta. Trung bình một người Mỹ kiểm tra điện thoại 47 lần một ngày, khiến vi khuẩn có nhiều cơ hội xâm nhập. Phần lớn vi khuẩn này không có hại, bởi nó còn tùy thuộc vào môi trường nơi bạn đụng tay vào trước khi chạm điện thoại. Ví dụ, không nên dùng điện thoại khi đi toilet, bởi lúc xả nước sẽ có nhiều vi khuẩn bắn tung tóe trong không khí hơn bạn nghĩ đấy.
Hãy nhớ vệ sinh màn hình điện thoại thường xuyên với khăn thấm nước pha với cồn, đồng thời rửa tay thường xuyên, hạn chế vừa bốc đồ ăn vừa dùng điện thoại.
Tay cầm xe đẩy
Thật ra không chỉ mỗi tay cầm mà cả cái xe đẩy đều bẩn. Có bao giờ các siêu thị chú ý vệ sinh từng dãy xe đẩy ấy không nhỉ? Hay mỗi khi lấy xe bạn đều nhận ra vết gỉ sét trên xe cùng chút gì đó còn sót lại của người dùng trước? Tay cầm xe đẩy được rất nhiều người vịn vào với mồ hôi, thức ăn dính, nói chung là đủ thứ giúp bạn hình dung nó bẩn như thế nào. Trung bình một chiếc xe đẩy chứa lượng vi khuẩn gấp 360 lần tay nắm cửa nhà vệ sinh. 70% vi khuẩn tìm thấy trong xe đẩy siêu thị là khuẩn gram âm (Gram-negative bacteria), tức có hại cho con người trong 90% trường hợp.
Miếng bông rửa chén
Một sự thật là thứ giúp bạn dọn sạch mớ chén đĩa dơ lại là thứ bẩn nhất trong nhà. Bông rửa chén thường ẩm, ấm, là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Chỉ trong một mẩu vật nhỏ, các nhà khoa học đã khám phá ra 362 loài vi khuẩn, 45 tỷ vi khuẩn trên một centimet vuông bông rửa chén. Tức là nó dơ gấp nhiều lần bên trong cái bồn cầu đấy.
Vậy phải làm sao để việc rửa chén không còn í ẹ? Một số khuyến nghị đó là rửa bông bằng nước ấm và xà phòng. Thường xuyên thay miếng rửa chén cũng là một cách thế nhưng lại dễ gây hại cho môi trường. Nếu quan tâm đến vấn đề đó, bạn có thể tìm đến các sản phẩm thay thế thân thiện hơn: xơ mướp (có thể thay thường xuyên), miếng rửa chén silicon vì chúng không trữ vi khuẩn lâu, hoặc bất kỳ miếng rửa chén nào được làm từ chất liệu tự nhiên (unsponge).
Tay nắm cửa
Mọi tay nắm cửa đều là điểm nóng tập trung vi khuẩn, nhất là những nơi công cộng nhiều người sử dụng. Chất liệu tay nắm cửa cũng là yếu tố giúp vi khuẩn dễ sinh sôi, ví dụ như thép không gỉ. Việc tay nắm cửa nhiều vi khuẩn thậm chí còn có một trang wikipedia, thậm chí người ta còn phát minh tay nắm cửa tự làm sạch.
Theo các nhà nghiên cứu tại ĐH Khoa học Y dược Pokhara, Nepal, vi khuẩn trên tay nắm cửa thường là chi Pseudomonas, S. aureus (khuẩn tụ cầu vàng), E. Coli…v.v. Hãy tưởng tượng những người không bao giờ rửa tay dù là sau khi đi vệ sinh, họ cũng chạm vào nắm cửa như bạn, những người bệnh, người cầm nắm thức ăn, thú cưng…v.v. Lời khuyên là hãy thủ sẵn khăn giấy khi sử dụng tay nắm cửa, nhất là cửa nhà vệ sinh.
Tủ lạnh
Tủ lạnh chứa lượng vi khuẩn cao gấp 750 lần mức an toàn cho phép. Sau miếng bông rửa chén, tủ lạnh là thứ bẩn nhất trong nhà dù nó là nơi chứa thực phẩm đi vào cơ thể con người. Vâng, các vi khuẩn có thể sinh sôi dù ở nhiệt độ 5 độ C. Listeria monocytogenes thường được tìm thấy ở thịt, cá, hải sản đã nấu, sữa đã mở. Ngoài ra còn khuẩn Salmonella. Điều cần thiết là vệ sinh tủ thường xuyên, đặt biệt chú ý ngăn rau và bất kỳ nơi nào để thịt sống. Tay cầm tủ lạnh cũng là nơi cần chú ý lau chùi đấy.
Thảm chùi chân
Nếu có vết thương hở bàn chân thì đừng chùi vào những chiếc thảm này nhé. Dù sao đó cũng là nơi chúng ta hay dậm chân ướt lên, biến nó thành môi trường ẩm lý tưởng cho vi khuẩn chi campylobacter. Vị trí của nó lại nằm dưới đất, thành ra đủ thứ vụn thức ăn, cát bụi, gián chuột, đủ thứ thập cẩm trên đời sẽ ủ tại đó. Nếu nhà bạn có thú cưng thì khả năng chúng sẽ lôi thức ăn lên đó giấu, thậm chí xác động vật.
Một sự thật nữa là sản phẩm giặt không đánh bay vi khuẩn, bạn nên dùng thuốc tẩy để vệ sinh thảm.
Thớt
Lại thêm một món đồ trong nhà bếp mỉa mai bạn với mớ vi trùng. Việc thớt xắt đồ ăn chứa nhiều vi khuẩn hẳn ai cũng dự đoán được, thế nhưng câu hỏi đặt là chất liệu thớt có ảnh hưởng đến mức độ sinh sôi và ủ vi khuẩn không. Hiện nay phổ biến nhất trên thị trường là thớt nhựa và thớt gỗ, tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Dean Cliver ở UC Davis, không có sự khác biệt gì về số lượng vi khuẩn giữa hai vật liệu này. Điều quan trọng cần cân nhắc là khả năng ủ khuẩn.
Kẻ tám lạng người nửa cân. Thớt nhựa tuy dễ vệ sinh nhưng không bền, dễ chịu những vết cắt sâu. Thớt gỗ ngược lại, chùi rửa khó nhưng khó trầy. Theo nhà nghiên cứu an toàn thực phẩm Ben Chapman, ta nên dùng thớt nhựa để xắt thịt và thớt gỗ cho rau củ, những món phục vụ liền như bánh mì, pho mát.
Cách rửa thớt cũng quan trọng. Đối với thớt nhựa, bạn nên dùng chất khử trùng gốc clo như thuốc tẩy (một muỗng nước tẩy hòa với 3 lít nước). Đối với thớt gỗ, bạn dùng chất tẩy amoni bậc 4 (chất tẩy đa năng). Thêm nữa, như đã liệt kê ở trên, bạn nhớ vệ sinh bông rửa chén trước nữa nhé.
Đầu vòi hoa sen
Ít khi nào bạn nghĩ đến việc mở đầu vòi ra và nhìn bên trong đúng không? Chúng ta cứ vô tư ngửa mặt lên hưởng làn nước ấm (hoặc mát lạnh) mà không biết rằng vòi sen đang phun đủ thứ vi khuẩn vào chúng ta, nhất là khuẩn thuộc chi Mycobacterium, nhóm nấm Malassezia (gây bệnh về mắt, nấm da đầu, mụn trứng cá), thậm chí vi khuẩn viêm phổi.
Đương nhiên hệ miễn dịch con người có thể chống chọi lại, đó là lý do không phải ai tắm vòi sen cũng bị nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên đây là lời nhắc nhở bạn chú ý vệ sinh vòi hoa sen thường xuyên hơn. Tắm táp dưới vòi nước hoen gỉ và nhớt không phải là ý hay đâu nhỉ.
- 1
- 0Bình luận