Tiếp xúc với nhựa hàng ngày cũng có thể gây béo phì
Chưa nói đến thế giới, chỉ tính riêng Việt Nam tỉ lệ người thừa cân, béo phì cũng đang gia tăng ngày càng nhanh. Bên cạnh ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày, thừa cân béo phì cũng là tiền đề gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe khác như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, đột quỵ hay ung thư.
Các nguyên nhân được nhắc đến khi nói về bệnh béo phì thường là chế độ ăn không hợp lý, lười vận động, do di truyền, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ… Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá khoa học gần đây, nguyên nhân của phần lớn các trường hợp béo phì trên toàn cầu trong suốt 4 thập kỷ qua vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Hiện nay, có lẽ những thắc mắc này đã được giải đáp khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng ta dường như đã quên mất một nguyên nhân khác đến từ môi trường bên ngoài: nhiều chất hóa học trong thành phần của những vật dụng hàng ngày có thể gây rối loạn trao đổi chất và đảo lộn quá trình tiêu thụ năng lượng ở người.
Cụ thể, loại hợp chất hóa học chính được nhắc đến có tên “obesogen”, có khả năng gây rối loạn quá trình trao đổi chất, kích thích sản sinh tế bào mỡ, mô mỡ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và thường xuyên có mặt trong thành phần của bao bì nhựa, quần áo, mỹ phẩm, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, cùng nhiều vật dụng khác mà con người vẫn tiếp xúc hàng ngày.
Điều đặc biệt được nhắc đến trong những nghiên cứu mới là obesogen gây hại cho sức khỏe con người theo những cách mà các phương pháp nghiên cứu truyền thống không thể phát hiện ra. Hơn nữa, những tác hại này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người, động vật, sinh vật sống tiếp xúc trực tiếp với nó, mà còn di chuyền cho nhiều thế hệ con cháu sau này.
Khi tiếp xúc thường xuyên với các vật dụng có thành phần chất này, obesogen sẽ can thiệp vào quá trình sinh hóa tự nhiên của hệ thống nội tiết, điều chỉnh việc lưu trữ, sử dụng năng lượng và hành vi ăn uống của con người. Có hơn 1000 loại obesagen với những tác động giống nhau được tìm thấy có ảnh hưởng lên con người và cả động vật, kể cả những động vật được nuôi trong điều kiện thí kiểm soát chặt chẽ về lượng calories hấp thụ và tập thể dục đều đặn.
Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào số lượng hormone sản sinh tại các cơ quan như đường tiêu hóa, tuyến tụy, gan và lượng hóa chất ảnh hưởng đến não khiến thay đổi cảm giác đói.
Thí nghiệm được thực hiện trên chuột cho thấy những con tiếp xúc với obesogen trước thời kì sinh sản có biểu hiện thay đổi khẩu vị một cách đáng kể và có khuynh hướng bị béo phì trong suốt quãng đời còn lại. Tương tự, điều này cũng xảy ra ở cả chó, mèo và nhiều loài động vật khác sống gần gũi với con người.
Vì vậy, các nhà khoa học cho biết việc cần làm hiện nay là loại bỏ hoàn toàn những “chất độc” này nếu có thể hoặc phải kiểm soát được định lượng của chúng có trong các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.
- 2
- 1Bình luận