logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Miền Hoang Tưởng hay miền để thoát khỏi gọng kìm tư tưởng?

Dịu dàng, êm ái, đôi khi đớn đau, điên cuồng. Đó là những gì mình cảm nhận được khi đọc tiểu thuyết này. Nguyễn Xuân Khánh mở đầu cuốn sách bằng những bức thư tình thủ thỉ mơn man của một đôi trai gái đang phải tạm rời xa nhau.Nhưng xa đến bao giờ? Chính họ cũng không biết, chính bản thân Tư cũng không biết. Anh luôn nói với Ngà rằng anh chưa về được, anh kể trong thư những điều anh trải qua ở Hà Nội, về khắc khoải của anh, về nhung nhớ của anh, nhưng tuyệt nhiên anh không có ý định quay lại Tây Bắc sớm. 

Vì Hà Nội đang giữ lại anh bằng đam mê âm nhạc. Tư rời khỏi Tây Bắc chỉ bằng niềm đam mê ấy, mặc cho người ta có thông báo xuống xuôi rằng anh là một thằng đào ngũ. Không trường âm nhạc nào nhận anh cũng vì lẽ ấy. Anh trở thành một tên lông bông, vất vưởng. Không hộ khẩu, không giấy tờ, một con “ma cà bông”, một “phó thường dân” chính cống. Nhưng anh vẫn ở lại, vì khúc nhạc Trương Chi anh viết nào đã hoàn thành, vì hoài bão âm nhạc của anh nào đã xong. 

Mình tự hỏi, có phải Nguyễn Xuân Khánh đang muốn viết về một thời đại phân rã tư tưởng? Một thời đại cái tôi đã chuẩn bị thoát khỏi cái ta. Một thời đại con người thà lạc lối còn hơn tuân theo số đông. Một thời đại con người đã có ý thức nổi loạn. Một thời đại sao mà đau đớn và điên cuồng đến thế. Nguyễn Tư cô đơn làm sao trong một thành phố mà ở đó, anh vẫn còn có anh chị, còn các cháu, còn bạn bè. Trí óc anh chứa đựng những tư tưởng và đối thoại cá nhân mà đa phần anh không thể chia sẻ với ai. Nguyễn Xuân Khánh diễn đạt tình cảm này rất xuất sắc: Toàn truyện hầu như không có sự phân cách giữa thời gian và không gian, giữa hiện thực và ảo giác. Đôi khi, nhân vật thậm chí còn đổi ngôi xưng đột ngột để tham gia một cuộc hội thoại khác. Một cuộc hội thoại khác có thể là giữa anh với Chúa (người thường xuất hiện hàng đêm trong giấc mơ của Tư), cũng có thể là một kỉ niệm nào đó thuộc về quá khứ từ rất xa… Dường như Tư không muốn quên bất cứ trải nghiệm nào trong cuộc đời mình, vậy nên trí óc anh cứ bị phân mảnh và xâu xé liên tục. 

Ngôn từ của Nguyễn Xuân Khánh rất gọn gàng và diễn cảm, mình đọc mà thích lắm. Mình đồng cảm làm sao với nỗi nhớ Tây Bắc của Tư. Với hoa ban trắng, tiếng hú của con vượn gần nhà, với những con suối, những ngọn núi… đó chính là quê hương của mình. Và mình cũng rùng mình, ghê sợ, căm giận làm sao với những ký ức của Tư về Mai - một người đồng đội cũ, về những tiếng súng, về những nhát dao đầy máu, về những cái chết của cả người và vật. Sao mà có thể dã man đến vậy, mà người ta lại có thể hưởng thụ, khoái chí trước cái dã man như thế?

Với Miền Hoang Tưởng, Nguyễn Xuân Khánh đã động chạm đến nhiều vấn đề về chính trị và tôn giáo, về sự thay đổi của xã hội sau chiến tranh, về những “đặc sản” tem phiếu bao cấp, về sự chuyển động trong tư tưởng con người, thậm chí là về cả sự tôn sùng thứ triết học của phương Đông huyền bí. Nguyễn Xuân Khánh viết về thời kì Mới, nhưng đồng thời cũng viết về sự suy tàn của rất nhiều thứ. Đây cũng là lí do cuốn sách này đem đến cho mình những giây phút ấm lòng bởi tình thương, sự thân mật giữa người với người, mà cũng có lúc khiến mình buồn bã vì sự nhen nhóm của tính toán, của “đặc quyền”, của áp đặt. Nhưng chỉ buồn, không thể ghét bởi ta phải hiểu đây là cuộc sống. Mà cuộc sống thì chưa bao giờ ngang hàng với sự lý tưởng hoá. Chỉ buồn, vì Nguyễn Tư cũng là một người lý tưởng hoá, cũng là một người quá trong sạch, không muốn để bụi bẩn vương vào lương tâm mình dù chỉ một chút. Chính điều này khiến anh trở thành một nhân vật bất đắc chí. 

Thú thực, đến khi gấp lại sách, các chi tiết về Chúa, về chim sơn ca, hay nhận định về một số nhân vật lịch sử vẫn khiến đầu óc mình đơ đơ mơ hồ, không biết là thật hay giả, không biết có nên tin hay chăng? Bởi Miền Hoang Tưởng không chỉ là hoang tưởng của riêng Tư với tiếng đàn Trương Chi, mà còn là miền hoang tưởng của rất nhiều người khác: một anh bộ đội say mê văn chương, một chàng hoạ sĩ vẽ như điên như bay, một anh bạn ưa dịch chuyển… Tất cả đều có miền hoang tưởng cho riêng mình. Miền hoang tưởng mà ở đó, họ được thả bung tư tưởng của mình. Không có sự ràng buộc nào của thời cuộc, của cơm áo gạo tiền, của những gọng kìm tư tưởng.

Nhưng dù đi lạc trong miền hoang tưởng, ta có thực sự được tự do? 

Đánh giá cá nhân: 4/5

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)