Tư vấn tình yêu | Đừng coi nửa kia là “Tất cả mọi thứ”!
“Em chính là mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời anh” - thoạt nghe thì thật hạnh phúc, nhưng liệu có áp lực vô hình nào đang đè lên tình yêu này không?
“Anh chính là mảnh ghép mà em cần” - hay là áp lực phải trở thành mảnh ghép tình yêu hoàn hảo cho đối phương?
Có lẽ với nhiều người, việc được nghe những câu nói như “Anh sẽ làm cho em hạnh phúc”, “Em chính là tất cả của cuộc đời anh”,... là một loại cảm giác hưng phấn và đầy thỏa mãn. Phía dưới tảng băng chìm của những câu nói tưởng chừng như ngọt ngào đó, liệu nó có đang bị điều khiển bởi những ám ảnh thời thơ ấu, những sang chấn tâm lý, những nỗi sợ bản thân sẽ bị tổn thương, và là cả cảm giác trống vắng, thiếu thốn xuất phát từ chính tâm hồn chúng ta?
Và liệu rằng những con người trao đi lời hứa hẹn, mong cầu ấy có đang khao khát được yêu thương, được trân trọng không? Liệu nó có phải là sự tuyệt vọng khốn cùng khi không thể chấp nhận giá trị của bản thân, là nhu cầu mong muốn có ai đó dang rộng đôi tay chở che và giúp đỡ đứa trẻ đầy bất lực, chỉ có thể chấp nhận việc mình bị chôn vùi dưới những vết thương chưa bao giờ thôi rỉ máu, và không một ai thấy?
Đối với những người trưởng thành từ những nỗi đau trong tâm hồn, họ đã quen với việc cất giấu tâm sự và cũng không biết cách để giải quyết nó. Họ tin rằng họ cần tình yêu, tình yêu sẽ là tất cả đối với họ. Nó sẽ là ánh dương soi chiếu cuộc đời tối tăm, sẽ là liều thuốc chữa lành những vết thương lòng mà bản thân họ không thể tự vá được. Họ bước vào cuộc tình, bước vào hôn nhân với mong muốn họ sẽ được lấp đầy bởi những cảm giác đó.
Và chính sự lựa chọn ấy đã đem đến những gánh nặng cho mối quan hệ, cho người mà họ yêu. Hãy đặt câu hỏi và trả lời thành thật rằng, liệu có công bằng cho đối phương không khi họ bị rơi vào thế phải đáp ứng những kì vọng cho chúng ta, chỉ để cho ta có được cảm giác thỏa mãn và an toàn? Liệu phải chăng chính sự kì vọng đó sẽ là thứ vũ khí thầm lặng chực chờ giết chết tình yêu và hôn nhân bất cứ lúc nào?
Làm gì có ai có thể hiểu và đem lại tất cả những thứ ta cần, nhất là trong tình yêu?
Rồi một ngày bản thân chính người đó sẽ nhận ra, họ không hạnh phúc như họ tưởng. Dù đã gạt hết tất cả sang một bên để chừa chỗ cho tình yêu, hôn nhân - nhưng mà sao họ lại không thấy khao khát trong mình được thỏa mãn?
Họ vội vàng bước vào hôn nhân để rồi nhận ra đối phương không phải là người mình mong muốn, họ muốn tìm kiếm những người khác để có lại cảm giác yêu và được yêu đó. Như câu chuyện của một bạn nữ đã kể trong chương trình Trốn Tìm podcast https://youtu.be/247AgD9578Y rằng bạn đã bị gã gẫm bởi rất nhiều những người đàn ông đã có gia đình. Vậy tại sao khi người đàn ông đã bước vào một cuộc hôn nhân nhưng lại muốn rong chơi, hẹn hò qua đường cùng những cô gái khác? Phải chăng họ có vấn đề trong việc tiếp nhận và trao đi yêu thương chăng?
Vậy nên, việc tạo dựng cho mình một sự tỉnh táo và kiên trì tìm kiếm những “red flags” = những dấu hiệu “sai sai” là cần thiết cho một tình yêu lành mạnh. Một vài red flags điển hình trong tình yêu và hôn nhân có thể kể đến như: kiểm soát, ghen tuông, phản bội, vô tâm,... Để có thể chữa lành được những nỗi đau ẩn nấp bên trong cũng như giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt trong tình yêu, hãy nhìn lại và chấn chỉnh chính mình trước.
Hãy chắc chắn rằng nửa kia của bạn không phải chịu áp lực từ những kì vọng mà bạn đặt lên người họ. Cố gắng hiểu rõ bản thân mình muốn gì và bạn lựa chọn bước vào mối tình này là vì điều gì - liệu bạn có thật sự cần tình yêu vào thời điểm này? Và bạn đã tự chữa lành những vết thương lòng từ quá khứ để chấp nhận tình cảm của người khác chưa?
Hãy cố gắng phân biệt giữa Lust và Love. Cần xác định rõ rằng bạn đang yêu cái cảm giác mãnh liệt, rực rỡ trong phút chốc của tình yêu - Lust hay bạn muốn mình sẽ chậm rãi nhưng ổn định trong cuộc tình đó - Love?
Xem thêm về chủ đề này tại Trốn Tìm podcast Tập #1 | to Crush or not to Crush | Tham muốn hay Thương mến | Trốn Tìm Podcast
Và việc hiểu rằng đối phương không thể mang lại hạnh phúc và khao khát mà bạn cần - chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất để nắm lấy cơ hội để học cách tự vun vén cho chính mình. Vậy đấy, chỉ khi ta biết rằng mình cần gì, tại sao mình cần nó, và làm sao để tìm kiếm và có được nó; ta mới có thể biết được mình có thể yêu người khác như thế nào - mà không huỷ hoại người ấy và cả một tình yêu, hôn nhân đáng gìn giữ.
Trước khi học cách yêu người khác, hãy đảm bảo bạn đã biết cách yêu chính bản thân mình.
Nguồn: Psychological facts - Tâm lý học và Xã hội học Việt Nam
- 1
- 0Bình luận