logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Sau khi đọc được một nửa, tôi nhận ra mình không thể "Vượt" qua con "Sóng" này

Vấn đề không phải Linda Lê viết lê thê. Không hề, bởi các chi tiết sự kiện được bà xen kẽ và kể liên tiếp gần như không ngừng. Vấn đề cũng không nằm ở cách viết của tác giả.  Linda Lê có cách viết rất mượt mà, thậm chí là du dương. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Nó nằm ở chỗ các sự kiện đều có nét trùng lặp ít nhiều và trung tâm câu chuyện cứ kéo dài ra mãi. Lướt sóng thấm mệt mà chưa thấy bờ, tôi cảm giác như mình thực sự bị lạc lối với một bản nhạc loop trong 24 giờ vậy. 

Vượt Sóng là một cuốn sách có mở đầu rất gợi mở: Cái chết không hề gây chấn động của một nhà văn trẻ (vì anh không hề nổi tiếng). Một nhà văn trẻ tên Antoine Sorel đã kết liễu cuộc đời mình ở tuổi hai mươi ba. Anh từng xuất bản vài cuốn sách không được lòng công chúng (những cuốn sách của anh thường bị xếp ở một góc và người ta hay thấy ở quầy giảm giá), nhưng một bộ phận giới chuyên môn đánh giá anh rất cao. 

Khi đọc được chừng 100 trang đầu, cũng có lúc tôi thực sự bị cuốn vào các câu chuyện mà Linda Lê viết. Các đoạn văn hầu như được diễn xuôi hoàn toàn bằng cách kể lại theo lời một chàng phóng viên ở Paris - một trong số ít những người đã được tác phẩm của Antoine “đánh thức”. Những cuốn sách Antoine để lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi chàng phóng viên quyết định tìm về những người thân quen của tác giả để nghe họ kể câu chuyện về anh. Nhiều người bỏ qua văn chương của Antoine vì họ không hiểu lắm những gì anh viết; nhiều người khác thì bỏ qua vì chúng quá tối tăm, buồn thảm; và một số ít người thì say mê chữ nghĩa của anh, khẳng định các tác phẩm của Antoine đã thay đổi cuộc đời họ - tay phóng viên trong truyện thuộc số ít người ấy. 

Đó là một người bạn đã lâu không còn liên lạc với Antoine nữa. Đó là một trong hai người em trai còn sống của anh. Đó là người bố tên Martin Trần luôn cảm thấy xấu hổ vì mang một nửa dòng máu Việt của người cha từng phải sang Pháp lao động. Đó là một người vợ cũ say mê nghệ thuật và bị Antoine cuốn hút,  dù rằng sau đó, hôn nhân của cả hai đi vào ngõ cụt vì không hề có sự đồng cảm chân thật. Hay đó là lời của một tình nhân già, với mong muốn cuốn sách của tay phóng viên sẽ tái hiện lại hình ảnh Sorel trong ký ức của bà…  Những câu chuyện được kể ít nhiều có sự giống nhau khi chồng chéo lên trục thời gian, nhưng họ cũng có cái nhìn khá đa dạng về chàng nhà văn lập dị Antoine Sorel. Tay phóng viên nâng tầm Sorel như một vị thánh, song khi đọc hơn nửa quyển, tôi chưa hề được diện kiến hình dạng tác phẩm nào của anh dù chỉ thoáng qua.  Vậy nên càng đọc, tôi càng có cảm giác mình ở vị trí rất thụ động, tức là chỉ biết được cách người ta nghĩ về anh chứ không trực tiếp biết về Antoine để mà đánh giá. Sự ảnh hưởng và tư tưởng trong tác phẩm của Sorel chỉ được những người còn sống kể lại, chuyện đời tư của anh cũng thế. 

Những vấn đề về văn chương được Linda Lê đặt ra rất hay, đôi chỗ khiến tôi thực sự thấm thía. Nhưng sự thấm thía ấy sẽ qua đi rất nhanh, nhường chỗ cho cảm giác nhạt nhẽo, mệt mỏi khi theo chân từng nhân vật để nghe những chuyện đời của Antoine Sorel. Cuộc đời của một nhà văn có tuổi thơ lặng im không mấy hạnh phúc được lật đi lật lại. Nào là thời gian khi anh còn đi học, đánh bạn với một số người mà sau này khi lớn lên thì họ không còn liên lạc nữa. Nào là thời gian mà anh giao du với lũ bợm rượu mà bố anh gọi là lũ đầu đường xó chợ. Nào là khi anh đã kết hôn và chỉ tìm đến vợ khi cần tiền uống rượu hay làm gì đó. Nào là khi anh tự khiến mình trở nên mờ nhạt trong chính những bữa tiệc được vợ tổ chức vì mình. Nào là khi tinh thần anh trở nên sa sút và hoàn cảnh sáng tác của anh khó khăn đến mức nào… 

Tất cả các chi tiết trên được kể đi kể lại với nhiều góc độ và mức độ khác nhau, nhưng tựu trung thì càng về sau tôi càng không có cảm xúc khi đọc những câu chuyện ấy nữa (phải chăng người ta gọi đây là chai lì?). Có lẽ thứ cảm xúc rõ ràng nhất tôi có được khi đọc cuốn sách này là một số chuyện kể từ những người bạn đầu tiên của Antoine. Ở họ có một sự ngây thơ và mến mộ chân thành rất đáng quý: Họ sẵn sàng bảo vệ, giúp đỡ Antoine vô điều kiện dù rằng họ cũng thật thà bộc bạch mình không hiểu lắm những gì anh viết. 

Nhưng sự cảm động cũng chỉ được đến lưng chừng ấy. Những mảnh ghép xoay quanh nhà văn đã chết này bị kéo dài mãi theo lời kể của từng người, thành ra càng đọc tôi càng thấy ngây ngấy. Đến cả sự du dương mượt mà được văn phong tạo dựng cũng không còn thu hút tôi nữa. Những đoạn văn dài được kể theo phong cách tự sự khiến tôi thực sự mệt mỏi, đôi chỗ còn ngờ ngợ hình như đoạn trước mình vừa đọc được ý giống vậy chăng? Cái cảm giác ngây ngấy dần chuyển thành nghi ngờ và chán ngán với hầu hết tất cả các nhân vật là lý do chính khiến tôi ngừng đọc tác phẩm, dù mới vượt được một nửa. Hầu hết họ đều hiện lên khá mờ nhạt (tất nhiên, vì họ chỉ xuất hiện để nói đến Antoine Sorel, thi thoảng bình luận vài cảm nhận cá nhân về anh) và bản thân Antoine cũng được xây dựng không mấy ấn tượng cho lắm, dù tất cả những câu chuyện được kể đều xoay quanh anh.

Không đủ kiên nhẫn và tỉnh (ngủ) để nghe tiếp bản nhạc được bật chế độ loop này, tôi quyết định chuyển kênh.

Đánh giá cá nhân: 2/5.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)