logo-maybe-vn
Mở app

Triển lãm Đa diện 7 - Sự kết hợp của những tài năng riêng biệt

Ra đời từ năm 2018 với cuộc triển lãm đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho đến nay, nhóm Đa diện đã có 7 lần triển lãm. Nhóm Đa diện là một nhóm gồm các họa sĩ có phong cách sáng tác riêng và có tầm ảnh hưởng nhất định đến công chúng. Đây là một nhóm "mở", không cố định về số lượng thành viên. Mục tiêu của nhóm là mỗi năm có ít nhất một triển lãm và luôn làm mới bản thân qua từng triển lãm, từ đó phát triển sức sáng tạo và nâng cao nhận thức thẩm mỹ của công chúng. Ngoài việc lan tỏa các giá trị thẩm mỹ, hoạt động thiện nguyện cũng là một việc mà nhóm Đa diện luôn chú trọng. Trong lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng, nhóm đã bán đấu giá một số tác phẩm để ủng hộ người dân đang gặp khó khăn tại TPHCM.

Qua từng triển lãm nhóm, Đa diện gặt hái được nhiều thành công về nghệ thuật lẫn thương mại. Mỗi họa sĩ trong nhóm ngày càng khẳng định được phong cách riêng và sự chuyên nghiệp qua từng tác phẩm.

Triển lãm Đa diện 7 bao gồm 35 tác phẩm với các chất liệu sơn mài, sơn dầu, acrylic, tổng hợp,… của 7 hoạ sĩ: Nguyễn Công Hoài, Doãn Hoàng Lâm, Khổng Đỗ Duy, Nguyễn Huân, Chu Viết Cường, Dương Tuấn, Nguyễn Minh.

Các tác phẩm đi từ tả cảnh, tả tĩnh vật sang tả người. Trong khi các tác phẩm của Chu Viết Cường thể hiện sự trong trẻo và tươi mới của phố xá, cây cối thì Nguyễn Minh cũng thổi luồng sinh khí trong trẻo ấy cho những bức tranh tĩnh vật. Khổng Đỗ Duy nhìn quá khứ bằng cái nhìn dịu dàng và gần gũi, trong khi Nguyễn Huân nhìn quá khứ qua lăng kính của những sắc màu dữ dội. Đều vẽ tranh khỏa thân, nhưng Dương Tuấn cho mình thấy nét đằm thắm của các nàng thơ, Nguyễn Công Hoài cho mình thấy những nỗi đoạn trường của kiếp người, còn Doãn Hoàng Lâm cho mình thấy sự buông lơi tuyệt vọng. 

Cùng mình xem qua một số hình ảnh ở triển lãm nhé!

Với tranh sơn mài theo lối hiện thực, Chu Viết Cường đưa người xem đến với những nét hoài cổ của đồng bằng Bắc Bộ hay những  khoảnh khắc tĩnh lặng của thiên nhiên tươi đẹp. Cảnh vật trong tranh của Chu Viết Cường không có gì mới lạ, tuy nhiên lại có một vẻ lộng lẫy khó tả, có lẽ là nhờ sự đan xen hài hòa giữa màu sáng và màu tối.

Loạt tranh “Câu chuyện tháng Giêng” của Nguyễn Minh được lấy cảm hứng từ tuổi thơ của chính họa sĩ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng còn nhớ không khí Tết nồng đượm của những ngày thơ ấu. Không chỉ bằng sự quan sát mà còn bằng nỗi niềm thương nhớ quá khứ, Nguyễn Minh đã tái hiện lại hương sắc của ngày Tết vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Qua những bức tranh tĩnh vật, Khổng Đỗ Duy muốn mang đến một câu chuyện không của riêng ai. Đó là câu của những hoài niệm tuổi thơ trong mỗi chúng ta. Khổng Đỗ Duy sử dụng những hình ảnh gợi lại quá khứ như chiếc quạt cổ, máy hát đĩa than, những món đồ gỗ mang thiết kế của mấy chục năm trước, bức bình phong,... Trong không gian họa sĩ tạo ra, mình cũng tìm thấy bản thân trong đó. Màu sắc trong tranh nhẹ nhàng những có gì đó man mác buồn, nhắc nhớ mình về những ngày tháng tươi đẹp đã qua.

Loạt tranh “Phố” của Nguyễn Minh cho mình thấy một cách nhìn mới mẻ về những dãy phố tưởng chừng nhàm chán và vô hồn. Được tạo nên từ việc khéo léo sắp xếp các mảng hình học, “Phố” mang vẻ gai góc mà cũng không kém phần uyển chuyển.

Loạt tranh “Cô gái phương Đông” của Nguyễn Minh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, là chân dung của những cô gái Việt Nam vừa có nét hiện đại vừa có nét truyền thống. Cách phối màu và cách vẽ tĩnh vật có vẻ quen thuộc nhưng cách sắp xếp các mảng lại tạo ra sự hài hòa mang tính cá nhân của họa sĩ. Nguyễn Minh tin rằng đi tìm cái mới trên đề tài cũ cũng là đi tìm chính mình trên con đường nghệ thuật.

Loạt tranh “Ký ức của tôi” của Nguyễn Huân mang lại cảm xúc mạnh bằng những gam màu đậm và những hình ảnh kỳ dị. Đó là hình ảnh con người được lồng ghép một cách độc đáo với động vật và nhạc cụ. Họa sĩ đã tái hiện lại một ký ức tràn ngập âm nhạc và thiên nhiên theo phong cách riêng đậm chất sáng tạo của mình. 

Về loạt tranh “Nàng!” của Dương Tuấn, tác giả đã nói rằng: “Khi đối diện với một người phụ nữ, ngoài vẻ đẹp hình thể ra thì người họa sĩ cần nói gì về nội tâm của họ?” Nội tâm của họ được thể hiện qua biểu cảm gương mặt, qua đôi mắt. Đó là những trầm tư, lo lắng về cuộc đời. Khuôn mặt đượm nét buồn của các cô gái trong tranh như đang đòi hỏi người xem phải nhìn nhận vào nỗi đau của họ thay vì nhìn vào hình thể.

“Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì cũng chẳng ai bằng mình.” Loạt tranh “Bên dưới” của Nguyễn Công Hoài đã thể hiện tinh thần của câu nói này. Khi ta nhìn xuống bên dưới, ta có thể thấy rất nhiều mảnh đời đau khổ hơn ta. Đó là những dáng người co quắp, quằn quại hay buông xuôi, xuất hiện mờ nhòe như đang chôn giấu nỗi đau không thể nói rõ thành lời. Đó cũng có thể là bản thân của chúng ta hiện tại, đang tìm mọi cách để thoát khỏi tình trạng thống khổ.

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm thể hiện sự dằn xé với loạt tranh “Tiếng trong đêm” mang màu sắc tăm tối và hình ảnh gây ấn tượng mạnh. Trong đêm là lúc con người nhạy cảm nhất, dễ bị xúc động bởi bất cứ tác động nào từ bên trong lẫn bên ngoài. Cô gái trong tranh như đang tìm kiếm thứ gì đó đã mất, và khi nhận ra thứ đó không thể tìm thấy thì cô buông xuôi. Thật kỳ lạ khi thôi thúc tìm kiếm cứ lặp đi lặp lại, dẫn dắt con người ta vào vòng lặp của sự tuyệt vọng.

  • 2
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)